3 sai lầm “chết người” khi đi ôtô trời nắng, nóng

Bật điều hòa ở nhiệt độ quá thấp, để “quên” trẻ nhỏ trên xe hay mang một số vật dụng “kích nổ” trong ca-bin. Đó là 3 sai lầm có thể ảnh hưởng đến tính mạng người dùng ôtô khi trời nắng, nóng.

Bật điều hòa ở nhiệt độ thấp

Để tránh cái nắng gay gắt và nhiệt độ ngoài trời cao như hiện nay, nhiều người dùng thường có thói quen mở điều hòa ôtô ở nhiệt độ thấp. Điều này dễ dẫn đến tình trạng “sốc” nhiệt khi bước từ ôtô ra ngoài.

Các bác sĩ cảnh báo, tình trạng sốc nhiệt ở ô tô nguy hiểm hơn nhiều so với sốc nhiệt khi từ phòng điều hòa ra ngoài trời vì không gian bên trong xe vốn dĩ có thêm khá nhiều CO2. Và thông thường, mọi người thường có thói quen để điều hòa chiếu thẳng vào người khi ngồi trên ôtô.

Sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn còn dẫn đến bị sốc nhiệt với biểu hiện đau đầu, chóng mặt hoặc choáng váng, tim đập nhanh, thậm chí ngất xỉu hoặc đột quỵ.

Những ai có tiền sử cao huyết áp, cơ địa không tốt, khi di chuyển bằng xe hơi cần chú ý đến sốc nhiệt vì có thể gây co thắt mạch máu não... ảnh hướng tới tính mạng.

Cách phòng tránh: Để tránh tình trạng sốc nhiệt, trước khi khởi động xe, phải tắt chế độ điều hòa A/C, tắt quạt. Sau khi khởi động xe, bật quạt thông gió, mở cửa kính để thổi bớt khí nóng ra ngoài khoang hành khách, đóng cửa kính rồi mới bật điều hòa.

Sau đó, người dùng có thể tăng dần mức độ lạnh và tốc độ quạt gió để cơ thể thích nghi dần. Trong trường hợp muốn dừng xe hay tắt máy thì phải tắt điều hòa A/C trước, tắt quạt rồi hãy mở cửa và bước ra ngoài. Nhiều lái xe kinh nghiệm còn tăng nhiệt độ lên khi sắp tới điểm đến để cơ thể thích nghi dần trước khi bước ra bên ngoài có nền nhiệt độ cao để tránh sốc nhiệt.

Để trẻ em trong xe

Mỗi năm, trung bình có tới 40 trẻ em thiệt mạng vì bị “bỏ quên” trong những chiếc xe đỗ trong thời tiết nắng nóng, oi ả. Đó là con số thống kê tính riêng tại nước Mỹ khiến nhiều bậc cha mẹ phải giật mình.

Cũng theo báo cáo trên, kể từ năm 1998 tới nay, đã có trên 700 trẻ tử vong trong xe do sốc nhiệt tại Mỹ. Trong đó, hơn 70% là các bé chưa tới 2 tuổi, và hơn nửa do bị bỏ quên trong xe. Nhiều trường hợp trẻ bị bỏ quên và không thể tự thoát ra ngoài. Đặc biệt, gần 20% trường hợp tử vong do người trông nom trẻ cố tình để trẻ trong xe.

Với con số thống kê nói trên, nếu người lớn bỏ quên trẻ nhỏ trong khoảng nửa tiếng, thì hậu quả là rất xấu.

Cách phòng tránh: Tuyệt đối không nên để trẻ trong xe dưới thời tiết oi bức mà không mở điều hòa. Dù làm bất cứ việc, 5 hay 10 phút thì cũng nên đưa trẻ đi theo. Vì bạn nghĩ chỉ 5 – 10 phút là quay lại xe, nhưng mải việc gì đó mà quên mất đứa trẻ đang ở trong xe, hậu quả sẽ rất khôn lường.

Để một số vật dụng “kích nổ” trên xe

Hiện tượng kích nổ các vật đựng chất lỏng kín trong mùa hè là khá phổ biến. Những cảnh báo về việc đừng bao giờ để đồ dễ tăng áp suất trong xe đã được các chuyên gia khuyến cáo từ rất lâu.

Để xe trực tiếp dưới trời nắng lên tới 39 độ C, những vật dụng như bình cứu hỏa, bật lửa, lon nước ngọt có ga đều có nguy cơ phát nổ. Hơi nóng trong ca-bin làm tăng áp suất các chất lỏng khiến chúng nổ tung.

Dưới cái nóng có thể lên tới 60 độ C hoặc hơn ở trong xe, các loại pin, bật lửa, bình phun hoặc xịt có thể nổ, đồ trang điểm bị nóng chảy, dung dịch tẩy móng tay có thể phát lửa... Những sản phẩm khác như bút chì, socola hoặc kẹo, son môi... đều có thể bị giảm chất lượng.

Ngoài việc khiến một số đồ vật có thể gây nổ, nhiệt độ trong xe dưới trời nắng có thể khiến các thành phần trong những viên thuốc nén, viên nhộng có bị thay đổi làm thuốc trở nên vô tác dụng hoặc thậm chí gây nguy hiểm tới người dùng.

Cách phòng tránh: Những vật dụng nói trên đều là những thứ cần thiết. Tuy nhiên, khi biết các mối nguy từ những vật dụng này, tốt nhất bạn nên loại chúng ra khỏi ca-bin và để ở nhà. Cẩn thận vẫn hơn.

Theo TTTĐ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói