Bệnh COVID-19 tương đồng với Ôn dịch của Đông y.
Người bệnh đều có triệu chứng như: sốt ho, khó thở, ớn lạnh, mệt nhức mỏi... Phép điều trị chủ yếu theo “Biện chứng luận trị”, tùy theo chứng trạng diễn tiến bệnh. Ôn dịch và COVID-19 bệnh cảnh thiên về nhiệt dễ làm tổn thương tân dịch, phép trị vừa thanh giải nhiệt tà vừa trợ giúp chân âm. Nếu trong cơ thể nội nhiệt “nóng” dễ gây tích nhiệt viêm sưng đau nặng hơn, dùng thuốc thanh nhiệt giải độc giúp tăng cường kháng thể, ức chế vi khuẩn virus phát triển. Sau đây là 4 vị thuốc quý hỗ trợ trị COVID-19 giai đoạn toàn phát.
Giai đoạn này người bệnh có biểu hiện sốt cao, ho, đau đầu, miệng khát, nhiều mồ hôi, mạch hồng, sác (nhiệt tà nhập lý). Phép trị thanh nhiệt mát huyết sinh tân giải độc…
1. Xuyên tâm liên
Xuyên tâm liên vị rất đắng, tính hàn. Tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, giảm đau… Trị cảm cúm, sốt ho, viêm amidal, viêm phổi, ho gà, lỵ cấp tính, viêm dạ dày, viêm ruột, áp-xe, rắn cắn…
Cách dùng: Dạng thuốc sắc ngày 20-30g. Tán bột uống, hoặc phối hợp vị thuốc khác.
Gia giảm: Nếu sốt cao, họng sưng đau nhiều, phối hợp kim ngân 20g -30g, sắc uống.
Nếu nóng sốt âm hư hỏa nghịch, xuất huyết mũi miệng, tiết niệu, phối hợp cỏ mực, diệp hạ châu, rễ tranh mỗi vị 20-30g, sắc uống.
Nếu ho nhiều ho khan, đờm vàng, phối hợp tang diệp, rau má 20-30g, sắc uống.
Kiêng kỵ: Không dùng xuyên tâm liên cho người tỳ vị, huyết hư hàn, đang lạnh bụng đại tiện lỏng, phụ nữ mang thai và cho con bú; chứng đang sốt cao đột ngột mồ hôi đầm đìa, tay chân giá lạnh “Thoát dương”; giai đoạn hết sốt mệt mỏi tay chân lạnh huyết áp thấp; chứng khí huyết đều hư xuất huyết nhiều nơi.
Xuyên tâm liên tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, giảm đau… Trị ôn dịch và COVID-19, biểu hiện sốt, ho, đau đầu …
2. Kim ngân
Kim ngân vị ngọt nhạt, tính mát.
Tác dụng: Thanh nhiệt, giải độc; trị chứng vô danh thũng độc, các chứng nhiệt độc lở ngứa, đau nhức viêm sưng … Có tài liệu cho biết kim ngân còn ức chế nhiều loại vi khuẩn virus khác phát triển. Dân gian dùng chữa ôn bệnh phát sốt ho đau họng, viêm đường hô hấp, ngoài da nổi mụn, ban đỏ…
Cách dùng: Ngày dùng 20g - 40g, sắc uống hoặc phối hợp vị thuốc khác.
Gia giảm: Nếu ôn bệnh sốt đau họng nhiều, phối hợp liên kiều, cát cánh, lá tre, kinh giới, đậu đen, ngưu bàng tử, bạc hà, cam thảo, sắc uống (Ngân Kiều Tán).
Kiêng kỵ: Người tỳ vị hư hàn đang đi tiêu lỏng, không nóng nhiệt, không sốt thì giảm liều, hoặc không dùng.
Chứng sốt cao đột ngột “thoát dương”, tay chân giá lạnh, mồ hôi đầm đìa, không có nhiệt độc dùng ít, hoặc không dùng.
Kim ngân thanh nhiệt giải độc, chữa Ôn dịch và COVID-19, phát sốt, ho, đau họng,…
3. Cỏ mực (Hạn liên thảo)
Cỏ mực vị chua ngọt, tính hàn. Tác dụng thanh nhiệt, mát huyết, cầm huyết, giải độc. Chữa ngoại tà nội thương nóng sốt, xuất huyết do huyết nhiệt, nóng sốt tân dịch hư tổn...
Cách dùng: Dạng khô 20 - 30g; dạng tươi thì nhiều hơn hoặc phối hợp vị thuốc khác.
Gia giảm: Nếu ôn tà sốt cao, ho đau họng, nhức mỏi, xuất huyết, phối hợp đậu đen 40g; cát căn, rau má, lá tre, rễ cỏ tranh, mỗi vị 10g - 20g hoặc hơn. Sắc uống ngày 1-2 thang.
Kiêng kỵ: Người mắc chứng tỳ hư hàn đang đi tiêu lỏng, chứng khí huyết hư tay chân lạnh, dùng cỏ mực phải giảm liều, hoặc sao vàng.
4. Diệp hạ châu
Diệp hạ châu hỗ trợ chữa Ôn dịch và COVID-19, nóng sốt ho đau đầu, nhức mỏi, đau họng, viêm nhiễm...
Diệp hạ châu vị đắng, hơi ngọt, tính mát. Tác dụng: Thanh nhiệt, giải độc, mát gan… Phòng trị bệnh về gan mật, thận, giải độc. Dân gian còn dùng diệp hạ châu chữa Ôn dịch, nóng sốt ho đau đầu, nhức mỏi, đau họng, viêm nhiễm, chứng âm hư hỏa nghịch xuất huyết răng mũi miệng, nóng bứt rứt.
Cách dùng: Ngày dùng 10g- 20g tươi hoặc nhiều hơn, hoặc phối hợp vị thuốc khác dùng.
Kiêng kỵ: Người mắc chứng khí huyết hư da tái mét tay chân lạnh, chứng dương khí hư vã mồ hôi, huyết áp thấp không dùng.
Những vị thuốc, bài thuốc trên hỗ trợ điều trị cho người bệnh COVID-19 thể nhẹ, dùng tốt cho người già yếu, có bệnh nền tim mạch huyết áp, đái tháo đường, giúp bệnh nhân chóng phục hồi. Tuy nhiên, tùy theo dược liệu có sẵn địa phương cũng như cần gia giảm phù hợp của từng giai đoạn, người bệnh cụ thể. Nếu bệnh diễn biến nặng cần phối hợp cùng y học hiện đại.
Lương y Nguyễn Minh Phúc
Nguyên Phó chủ tịch Hội Đông y TP Vũng Tàu
Nguồn: SK&ĐS