5 dấu hiệu cơ thể cảnh báo bạn đang ăn quá nhiều đường

Ăn nhiều đường không tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, có nhiều người không biết mình đang ăn quá nhiều đường mỗi ngày vì đường có thể nằm ẩn trong thành phần thực phẩm mà bạn không nhận ra.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

1. Ăn nhiều đường ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

Đường tự nhiên

Đường xuất hiện tự nhiên trong tất cả các loại thực phẩm có chứa carbohydrate như trái cây, rau quả, ngũ cốc và sữa. Thực phẩm chứa đường tự nhiên an toàn và tốt cho sức khỏe vì nó cũng chứa chất xơ, khoáng chất thiết yếu và chất chống oxy hóa cao.

Vì cơ thể chúng ta tiêu hóa những thực phẩm này một cách từ từ nên lượng đường trong đó cung cấp nguồn năng lượng ổn định cho các tế bào của cơ thể. Ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt cũng đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh tim và một số bệnh ung thư.

Đường bổ sung

Vấn đề xảy ra là khi bạn tiêu thụ quá nhiều đường bổ sung, tức là đường mà các nhà sản xuất thực phẩm thêm vào sản phẩm để tăng hương vị hoặc kéo dài thời hạn sử dụng. Không giống với đường tự nhiên, các loại đường bổ sung được hấp thu nhanh, do đó làm tăng nhanh lượng đường trong máu.

Đường bổ sung cũng là nguyên nhân gây viêm trong cơ thể, căng thẳng oxy hóa và béo phì. Những yếu tố này có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, huyết áp, lão hóa sớm…

Những thực phẩm chứa đường bổ sung phổ biến là nước ngọt, nước trái cây đóng hộp, sữa chua có hương vị, ngũ cốc ăn liền, bánh quy, bánh ngọt, kẹo và hầu hết các thực phẩm chế biến sẵn. Nhưng đường bổ sung cũng thường có nhiều trong các món ăn hằng ngày mà bạn có thể không nhận ra vì nó không có "vị ngọt đường" rõ ràng như súp, thịt ướp muối, các loại nước sốt…

Kết quả là chúng ta đang tiêu thụ quá nhiều đường bổ sung. Nguy cơ này càng tăng ở những người có thói quen ăn uống không lành mạnh, ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh… Vậy khi tiêu thụ quá nhiều đường cơ thể có dấu hiệu cảnh báo không?

999.jpg
Khó chịu, cáu kỉnh có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang ăn quá nhiều đường.

2. Dấu hiệu bạn đang ăn quá nhiều đường

Cảm giác đói tăng lên

Nghiên cứu cho thấy, nếu bạn đang tiêu thụ nhiều calo hơn thông qua đường bổ sung, dấu hiệu đầu tiên là cảm giác đói ngày càng tăng. Nguyên nhân là đường có thể thỏa mãn vị giác nhưng nó không thực sự làm chúng ta no.

Nếu không có protein, chất xơ và chất béo lành mạnh, cơ thể sẽ đốt cháy đường nhanh chóng và làm tăng cảm giác đói, điều này có thể dẫn đến việc ăn vặt nhiều hơn. Hơn nữa, lượng đường cao làm gián đoạn quá trình trao đổi chất bằng cách can thiệp vào leptin, chất ức chế cơn đói, khiến bạn muốn ăn nhiều đường hơn và đói hơn.

Khó chịu

Nếu bạn cảm thấy ủ rũ, cáu kỉnh hoặc khó chịu thì căng thẳng có thể không phải là lý do duy nhất mà đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang ăn quá nhiều đường.

Ăn nhiều đường có thể thúc đẩy tình trạng viêm nhiễm, khiến tâm trạng trở nên tồi tệ hơn và dẫn đến các triệu chứng trầm cảm. Nguyên nhân do khi chúng ta một bữa ăn nhiều đường sẽ nhanh chóng làm tăng lượng đường trong máu, nhưng khi cơ thể bạn gấp rút xử lý tất cả lượng đường đó, mức năng lượng của bạn sẽ giảm xuống, khiến bạn cảm thấy uể oải và cáu kỉnh.

Càng ngày càng muốn ăn ngọt

Đường nhắm vào trung tâm khoái cảm của não, gây ra sự gia tăng cái gọi là "hormone hạnh phúc" dopamine. Nếu bạn nhận thấy thực phẩm thường ngày bạn ăn không có vị ngọt như trước đây hoặc cần thêm đường vào đồ ăn mới cảm thấy ngon hơn thì có thể là bạn đang ăn quá nhiều đường và phải tăng lên. Lý do là não của bạn đã quen mức độ ngọt rất cao và khi đã quen với điều đó, bạn sẽ khó cảm thấy hài lòng với những thực phẩm ít ngọt hơn.

Mụn và nếp nhăn

Viện Da liễu Hoa Kỳ gợi ý rằng nếu bạn đang phải "chiến đấu" với mụn trứng cá, bạn nên cân nhắc xem có phải mình đang ăn quá nhiều đường không. Ngoài ra, nếp nhăn có thể là một dấu hiệu khác cho thấy bạn đang tiêu thụ quá nhiều đường. Nghiên cứu cho thấy, các sản phẩm cuối cùng của quá trình glycation nâng cao, là sản phẩm của lượng đường dư thừa, sẽ thúc đẩy quá trình lão hóa da dẫn đến nếp nhăn.

Theo BSCKII Hoàng Thị Ái Liên, BV Da liễu Trung ương, việc ăn quá nhiều đường không chỉ gây thừa cân, béo phì mà còn đẩy nhanh quá trình lão hóa.

Ăn nhiều đường sẽ khiến cho các tế bào hoạt động quá tải, các phân tử đường sẽ kết hợp với protein tạo ra glycation. Đây là nguyên nhân làm hỏng collagen khiến da chảy xệ và hình thành nếp nhăn sâu.

Sương mù não

Các vấn đề về tinh thần, khả năng tập trung và trí nhớ có thể là kết quả của việc tiêu thụ quá nhiều đường bổ sung. Nghiên cứu cho thấy, mặc dù glucose là nguồn nhiên liệu chính của não, nhưng lượng dư thừa có thể gây tăng đường huyết, đồng thời có thể gây viêm trong não và tác động tiêu cực đến chức năng nhận thức và tâm trạng.

3. Làm thế nào để giảm lượng đường ăn vào? Tăng thực phẩm giàu chất xơ

Ăn chất xơ giúp bạn cảm thấy no lâu và hạn chế cơn thèm đường. Không chỉ vậy, chất xơ còn giúp giữ lượng đường trong máu ổn định, ngăn ngừa tình trạng giảm lượng đường và tránh một số tác động tiêu cực tiềm ẩn của việc cai đường.

Một số loại thực phẩm giàu chất xơ lành mạnh bao gồm rau, các loại hạt và các loại đậu. Hãy nhớ uống nhiều nước hơn nếu bạn đang tăng lượng chất xơ để ngăn ngừa các tác dụng phụ khó chịu về tiêu hóa và táo bón.

000.jpg
Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ sẽ giúp hạn chế cơn thèm đường.

Ăn nhiều chất đạm hơn

Protein rất tốt cho việc giảm cảm giác đói và thèm đường. Chế độ ăn giàu protein không chỉ làm giảm lượng ghrelin - hormone gây đói - mà còn giúp duy trì lượng đường trong máu bình thường để ngăn ngừa một số triệu chứng cai đường. Các nguồn protein tốt bao gồm thịt bò, thịt gà, cá, trứng, đậu lăng, đậu đen…

Uống đủ nước

Nếu cảm thấy bụng mình cồn cào, bạn nên thử uống một cốc nước. Vì đôi khi khát nước bị nhầm lẫn với cơn đói. Đối với những người có thói quen uống soda hoặc tiêu thụ các loại đồ uống khác chứa nhiều đường bổ sung, việc uống nước thay vì đồ uống có đường có thể giúp giảm lượng calo và đường rất hiệu quả.

Bổ sung thực phẩm chứa men vi sinh

Ăn thực phẩm giàu men vi sinh như kombucha, kefir, tempeh, miso, kim chi… giúp tăng vi khuẩn có lợi trong ruột. Ngoài công dụng tốt cho sức khỏe tiêu hóa và khả năng miễn dịch, một số nghiên cứu còn phát hiện rằng nó có thể hỗ trợ duy trì ổn định lượng đường trong máu và giảm cảm giác thèm ăn đường.

Ăn chất béo lành mạnh

Chất béo, giống như protein và chất xơ, có thể ngăn chặn cảm giác thèm đường. Điều này là do chất béo được tiêu hóa rất chậm nên giúp bạn cảm thấy no lâu hơn. Tuy nhiên, loại chất béo bạn cần là chất béo lành mạnh từ các loại thực phẩm như cá béo, quả bơ, các loại hạt…

suckhoedoisong.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast