5 điểm mạnh của Hà Tĩnh trong bộ chỉ số đổi mới sáng tạo

(Baohatinh.vn) - Theo xếp hạng Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023, Hà Tĩnh được đánh giá là một trong những tỉnh có kết quả tốt ở nhóm chỉ số “Môi trường, chính sách”, “Giáo dục”...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương được Bộ KH&CN xây dựng nhằm cung cấp bức tranh tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KH&CN và đổi mới sáng tạo của 63 tỉnh, thành phố trong năm 2023. Kết quả xếp hạng Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023 (PII - Provincial Innovation Index) 63 tỉnh, thành được Bộ KH&CN công bố giữa tháng 3/2024.

Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương là một chỉ số tổng hợp, gồm 52 chỉ số thành phần, chia làm 7 trụ cột. PII được xây dựng bám sát cấu trúc của bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII (Global Innovation Index) do tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố hàng năm và được Chính phủ sử dụng trong quản lý, điều hành từ năm 2017.

2.png
Kết quả Chỉ số đổi mới sáng tạo Hà Tĩnh theo 7 trụ cột.

Hà Tĩnh xếp hạng 42 cả nước với điểm số 33,76, xếp thứ 4 khu vực Bắc trung bộ. Trong đó, điểm số đầu vào đổi mới sáng tạo là 44,18 và điểm số đầu ra đổi mới sáng tạo là 23,35.

Trong bộ chỉ số này, Hà Tĩnh được đánh giá là một trong những địa phương có kết quả tốt ở nhóm chỉ số “Môi trường, chính sách”, “Giáo dục”... Hà Tĩnh cũng nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu về trụ cột "Trình độ phát triển của thị trường".

Theo Hồ sơ PII, Hà Tĩnh có 5 điểm mạnh gồm: điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT (5 môn); vốn sản xuất kinh doanh bình quân hằng năm của các doanh nghiệp; giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của doanh nghiệp; tỷ lệ các dự án đầu tư đang hoạt động trong các cụm công nghiệp/ 1,000 doanh nghiệp; đơn đăng ký nhãn hiệu/1,000 doanh nghiệp.

1.png

5 điểm yếu của Hà Tĩnh gồm: cơ sở hạ tầng cơ bản; chỉ số sản xuất công nghiệp; số sản phẩm OCOP 4 sao trở lên/tổng số xã; tốc độ tăng năng suất lao động; tỷ lệ lao động có việc làm trong nền kinh tế trên tổng dân số (%).

Theo kết quả đưa ra, trong bộ chỉ số này, Hà Nội có điểm số cao nhất, đạt 62.86; tỉnh Cao Bằng có điểm số thấp nhất là 22.18.

10 địa phương dẫn đầu gồm 5 thành phố trực thuộc Trung ương cùng các tỉnh Bắc Ninh, Bà Rịa -Vũng Tàu, Bình Dương, Quảng Ninh và Thái Nguyên. Đây đều là các tỉnh có công nghiệp phát triển, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế.

3.jpg
Tạo môi trường, thể chế, hạ tầng, ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, khuyến khích đầu tư là một trong những giải pháp quan trọng để cải thiện thứ hạng PII. Ảnh minh họa.

Ông Hoàng Minh - Thứ trưởng Bộ KH&CN:

Bộ chỉ số PII nhằm cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể, đa chiều, cho thấy các điểm mạnh, điểm yếu, yếu tố tiềm năng và điều kiện cần thiết để phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KH&CN và đổi mới sáng tạo của từng địa phương. Việc so sánh trực tiếp giữa các địa phương là mang tính tương đối, không phải mục đích chính của bộ chỉ số, bởi mỗi địa phương có các điều kiện, đặc điểm khác nhau và có định hướng phát triển khác nhau. Ví dụ các địa phương ở vùng miền núi sẽ có các điều kiện, đặc điểm khác với các địa phương ở vùng đồng bằng hay ở vùng duyên hải; có địa phương có điều kiện thuận lợi và định hướng để phát triển nông nghiệp, nhưng địa phương khác lại có điều kiện và định hướng để phát triển dịch vụ - du lịch hay phát triển công nghiệp...

Thay vì chỉ quan tâm đến thứ hạng, các địa phương nên đi sâu tìm hiểu chi tiết số liệu mà PII cung cấp, phản ánh về địa phương mình, lấy dữ liệu PII làm tiền đề (cùng với dữ liệu khác) để tổ chức những diễn đàn với sự tham gia của đa dạng các bên liên quan cùng nhận định đúng những điểm mạnh, điểm yếu, yếu tố tiềm năng và điều kiện cần thiết. Từ đó, đề ra những quyết sách về mô hình tăng trưởng, những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện.

Ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (IPS):

Điểm nhấn lớn nhất của PII 2023 là tạo ra thước đo giúp từng địa phương biết mình ở đâu, điểm mạnh - yếu hoặc thiếu trong tiến trình xây dựng, tạo lập môi trường cho đổi mới sáng tạo. Địa phương có thể sốt ruột khi nhìn vào thứ hạng là đúng, nhưng quan trọng hơn cần dùng PII như bảng "khám sức khỏe". Biết mình yếu ở đâu hay những gì sẽ đóng góp dài hạn để cải thiện môi trường đổi mới sáng tạo mới là quan trọng nhất.

Có sự ganh đua giữa các nơi cũng tốt, nhưng nếu thực sự muốn cải thiện tình hình, địa phương sẽ phải nhìn nhận, phân tích sâu từng cấu phần, tìm điểm mạnh, yếu để đạt được kết quả cuối cùng. Mỗi địa phương sẽ có đặc thù nhất định, giống như nâng tạ, hạng cân của bạn là 70 kg thì không nên cố ở mức của người 100 kg.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast