5 điều kiện cấp giấy phép lao động nước ngoài

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, trong đó quy định 5 điều kiện cấp giấy phép lao động đối với người nước ngoài.

Ảnh minh họa

5 điều kiện cấp giấy phép lao động đối với người nước ngoài gồm:

Thứ nhất, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, có sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc.

Thứ ba, là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật.

Đối với người lao động nước ngoài hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam hoặc làm việc trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề phải có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam về khám bệnh, chữa bệnh, giáo dục, đào tạo và dạy nghề.

Thứ tư, không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài.

Thứ năm, được chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sử dụng người lao động nước ngoài.

Thời hạn của giấy phép lao động được cấp là không quá 2 năm và theo thời hạn của một trong các trường hợp: Thời hạn của hợp đồng lao động dự kiến sẽ ký kết; thời hạn của phía nước ngoài cử người lao động nước ngoài sang làm việc tại Việt Nam; thời hạn hợp đồng hoặc thỏa thuận ký kết giữa đối tác phía Việt Nam và phía nước ngoài...

Nghiêm cấm sử dụng LĐ nước ngoài làm công việc LĐ Việt Nam có khả năng thực hiện

Nghị định nêu rõ, hằng năm, người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được và báo cáo giải trình với Chủ tịch UBND cấp tỉnh nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh có văn bản chấp thuận cho từng người sử dụng lao động về việc sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc.

Cũng theo Nghị định, trường hợp cần sử dụng người lao động nước ngoài có chuyên môn phù hợp với yêu cầu của gói thầu thì trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải kê khai số lượng, trình độ, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm của người lao động nước ngoài huy động để thực hiện gói thầu; nghiêm cấm sử dụng người lao động nước ngoài thực hiện các công việc mà người lao động Việt Nam có khả năng thực hiện và đáp ứng yêu cầu của gói thầu, đặc biệt là lao động phổ thông, lao động không qua đào tạo kỹ năng nghiệp vụ.

Trước khi tuyển người lao động nước ngoài, nhà thầu có trách nhiệm đề nghị tuyển người lao động Việt Nam vào các vị trí công việc dự kiến tuyển người lao động nước ngoài (có kèm theo xác nhận của chủ đầu tư) với Chủ tịch UBND cấp tỉnh nơi nhà thầu thực hiện gói thầu.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan, tổ chức của địa phương giới thiệu, cung ứng người lao động Việt Nam cho nhà thầu. Trong thời hạn tối đa 2 tháng, kể từ ngày nhận được đề nghị tuyển từ 500 người lao động Việt Nam trở lên và 1 tháng, kể từ ngày nhận được đề nghị tuyển dưới 500 người lao động Việt Nam mà không giới thiệu hoặc cung ứng người lao động Việt Nam được cho nhà thầu thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định việc nhà thầu được tuyển người lao động nước ngoài vào các vị trí công việc không tuyển được người lao động Việt Nam.

Định kỳ 06 tháng và hằng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài, chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài và tình hình sử dụng người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2013.

Theo VGP News

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói