Nghi Xuân đa dạng hóa mô hình sinh kế để giảm nghèo bền vững

(Baohatinh.vn) - Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh) thực sự là điểm tựa giúp các hộ nghèo cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Gia đình bà Trần Thị Hà (SN 1964, ở thôn Đông Biên, xã Xuân Hải) có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Hiện bà đang sống cùng với mẹ già và em trai bị khuyết tật. Cuộc sống của 3 mẹ con phụ thuộc vào mấy sào ruộng. Cuối năm 2023, bà được tham gia mô hình chăn nuôi bò sinh sản từ “Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo” của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

2.jpg
Bà Trần Thị Hà ở thôn Đông Biên, xã Xuân Hải tham gia chăn nuôi bò sinh sản

"Tôi rất vui khi được dự án hỗ trợ hơn 10 triệu đồng để mua giống bò sinh sản về phát triển kinh tế gia đình. Đây là tài sản lớn nên tôi chăm sóc chu đáo, tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn, tuân thủ về phòng ngừa dịch bệnh. Đến nay, trong chuồng đã có thêm một con bê 4 tháng tuổi. Với con bò sinh sản được hỗ trợ, hằng năm, bà sẽ có thêm thu nhập nhờ vào tiền bán bê con để ổn định cuộc sống gia đình", bà Hà chia sẻ.

Năm 2023, xã Xuân Hải triển khai mô hình chăn nuôi bò sinh sản với 29 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia thuộc Tiểu dự án 2 - Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo” của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Dự án thực hiện với tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng (trong đó ngân sách hỗ trợ 192 triệu đồng, còn lại các hộ tham gia đối ứng). Quá trình thực hiện, các hộ nuôi bò sinh sản được hướng dẫn cách làm chuồng trại, chọn con giống, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, phòng dịch, phối giống...

1.jpg
Chăn nuôi bò sinh sản mang lại hiệu quả cho người nghèo Nghi Xuân

Chị Trần Thị Thanh Hoa – công chức LĐ&TBXH xã Xuân Hải cho biết: Từ năm 2018, một số chính quyền địa phương ở Nghi Xuân cũng đã triển khai mô hình chăn nuôi bò với 20 hộ nghèo tham gia theo đề án giảm nghèo bền vững của tỉnh. Từ mô hình trên, các hộ đã thoát nghèo, cho thấy chăn nuôi bò phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Qua kiểm tra rà soát, các mô hình nuôi bò sinh sản của tiểu dự án 2 đã và đang phát huy hiệu quả, thực sự là điểm tựa cho người nghèo phát triển kinh tế.

Mô hình nuôi gà sinh kế của gia đình ông Nguyễn Công Trử (SN 1955, ở thôn Thành Tiến, xã Xuân Thành) đang được chăm sóc khỏe mạnh, phát triển tốt.

6.jpg
Tham gia mô hình nuôi gà, gia đình ông Nguyễn Công Trử ở xã Xuân Thành đã cải thiện được cuộc sống

“Gia đình tôi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên được tiểu dự án 2 hỗ trợ 60 con gà giống và thức ăn, thuốc thú y. Sau 5 tháng nuôi, tôi đã xuất chuồng hơn 30 con gà. Số còn lại tôi nuôi gà đẻ lấy trứng bán hằng ngày. Từ số tiền trên, tôi đầu tư thêm lứa gà mới để nuôi bán vào dịp cuối năm, cải thiện cuộc sống gia đình” – ông Trử cho hay.

Mô hình sinh kế hỗ trợ gà giống không chỉ ở Xuân Thành mà ở các xã: Đan Trường, Xuân Yên, Cương Gián, Xuân Giang, Xuân Viên, thị trấn Xuân An và thị trấn Tiên Điền trong năm 2023 đã khai thác hiệu quả. Được hỗ trợ những con gà giống khỏe, chất lượng các mô hình đã giúp hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo phát triển nhân rộng đàn gà. Qua đó, người dân ngày càng chủ động được nguồn thực phẩm tại chỗ cũng như đáp ứng nhu cầu của thị trường và từng bước nâng cao đời sống vật chất.

3.jpg
Các mô hình sinh kế giúp người dân vươn lên thoát nghèo

Theo ông Hồ Văn Chương – Phó Trưởng phòng LĐ&TBXH huyện Nghi Xuân, trong năm 2023, huyện đã triển khai 10 mô hình chăn nuôi gà và 1 mô hình chăn nuôi bò sinh sản với 427 hộ dân tham gia (trong đó có 92 hộ nghèo, 221 hộ cận nghèo, 114 hộ thoát nghèo và hộ có người khuyết tật không có sinh kế ổn định). Bằng cách trao “cần câu”, dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo đã tạo động lực cho hộ nghèo, cận nghèo Nghi Xuân quyết tâm vươn lên, thay đổi cuộc sống gia đình thông qua xây dựng mô hình kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững.

Từ nguồn vốn phân bổ của tỉnh năm 2024, huyện Nghi Xuân đã xây dựng kế hoạch, đồng thời chỉ đạo các địa phương tập trung điều tra, rà soát, phân loại hộ nghèo và hộ cận nghèo theo từng nhóm đối tượng. Qua đó, tiếp tục triển khai dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo trên địa bàn thiết thực và hiệu quả theo đúng mục tiêu đề ra.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Bài 2: Huy động tổng lực, dồn sức trên những “đại công trường”

Bài 2: Huy động tổng lực, dồn sức trên những “đại công trường”

Để mục tiêu hoàn thành 2.343 ngôi nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng trước ngày 19/5/2025, các địa phương trong toàn tỉnh đang đứng trước khối lượng công việc lớn. Trên chặng nước rút, cả hệ thống chính trị Hà Tĩnh cùng hướng về cơ sở với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; mỗi thành viên ban chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát các cấp phải thấm nhuần nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ sản phẩm”.
Bài 1: Quyết tâm về đích trước thời hạn của cả nước

Bài 1: Quyết tâm về đích trước thời hạn của cả nước

Vận dụng sáng tạo bài học kinh nghiệm trong làm nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn 2021-2025, cả hệ thống chính trị ở Hà Tĩnh đã sớm vào cuộc, chủ động triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước. Với sự khẩn trương, chủ động triển khai kế hoạch và huy động các nguồn lực, Hà Tĩnh đặt mục tiêu hoàn thành chương trình trước ngày 19/5/2025 (trước mốc thời gian chung của cả nước hơn 6 tháng).