Vốn xóa đói giảm nghèo giúp người dân Tùng Lộc đổi thay cuộc sống

(Baohatinh.vn) - Hơn 36 tỷ đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giúp nhiều gia đình ở Tùng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) hiện thực hóa giấc mơ đổi thay cuộc sống.

Đến thời điểm hiện tại, đàn bò 8 con của gia đình Hà Thị Đào, thôn Liên Tài Năng (Tùng Lộc) đã chuẩn bị đến ngày xuất chuồng. Với giá thị trường hiện nay, dự kiến trừ chi phí, gia đình chị có thêm khoảng 70 - 80 triệu đồng tiền lãi. Quyết tâm đổi thay cuộc sống và nguồn vốn xóa đói giảm nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Can Lộc là những yếu tố giúp gia đình chị Đào đổi thay cuộc sống.

22-624.jpg
Mô hình nuôi bò nhốt mỗi năm mang về cho gia đình chị Hà Thị Đào, thôn Liên Tài Năng thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng.

Chị Đào cho biết: “Năm 2016, lần đầu tiên được tiếp cận nguồn vốn xóa đói giảm nghèo, vợ chồng tôi đã bàn nhau nuôi bò nhốt bởi mô hình chăn nuôi này khá đơn giản, tận dụng được nguồn thức ăn từ sản xuất nông nghiệp và số vốn vay cũng cũng phù hợp. Ban đầu chỉ nuôi vài ba con, nhưng từ nguồn vốn tích lũy sau mỗi lứa chăn nuôi, đến nay chúng tôi đã tăng đàn mỗi năm từ 5 - 10 con. Thời gian qua đi, mô hình chăn nuôi này đã từng bước giúp chúng tôi thoát khỏi đói nghèo”.

Được biết, ngoài 50 triệu nguồn vốn ưu đãi đầu tiên, đến nay, gia đình chị Đào đã tiếp tục được Ngân hàng Chính sách hỗ trợ vay thêm 70 triệu đồng nguồn giải quyết việc làm để mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi.

Theo kinh nghiệm của bà con nông dân ở Tùng Lộc cho thấy, bò nuôi nhốt thường ít bị bệnh, phát triển nhanh lại không tốn công chăm sóc. Mô hình này cũng phù hợp với thực tế khi đồng cỏ đang ngày càng bị thu hẹp. Chính vì thế, đây cũng là lựa chọn của nhiều người dân trong mục tiêu phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

21-8722.jpg
Nguồn vốn ưu đãi được phát huy qua mô hình nuôi bò nhốt giúp gia đình ông Nguyễn Văn Cận ở thôn Tây Hương có đổi thay cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Cận ở thôn Tây Hương chia sẻ: "Đến nay, gia đình tôi đã xây dựng được cơ ngơi khang trang, đời sống kinh tế ngày càng phát triển. Đó là nhờ sự phát triển của mô hình nuôi bò nhốt với sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay của ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Mỗi lứa tôi thường nuôi khoảng 5 con trong khoảng 9 tháng. Tùy theo giá cả thị trường, trừ chi phí, mỗi con bò mang về cho tôi nguồn thu nhập từ 8-10 triệu đồng”.

Từ thành công của mô hình chăn nuôi bò nhốt, gia đình ông Cận cũng đã mạnh dạn nhận thêm ruộng, mở rộng quy mô sản xuất. Sự tương hỗ trong sản xuất, chăn nuôi cũng là yếu tố giúp gia đình ông đổi thay cuộc sống.

Để phát huy có hiệu quả nguồn vốn xóa đói giảm nghèo ở Tùng Lộc, ngoài nỗ lực của người vay còn có sự góp sức không nhỏ của đội ngũ cán bộ thôn và các tổ vay vốn. Ông Hồ Quý Bính - Trưởng thôn Tây Hương chia sẻ: “Để nguồn vay đến đúng đối tượng, trước đó chúng tôi đã tổ chức họp rà soát điều kiện các hộ. Sau khi giải ngân, các tổ vay vốn cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát. Cùng với đó, các thành viên trong tổ cũng đã thực hiện mô hình góp quỹ tiết kiệm mỗi tháng 100 ngàn đồng để tích lũy thêm đồng vốn cho các hộ vay”.

12-7788.jpg
Nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội đã góp phần làm đổi thay cuộc sống của người dân Tùng Lộc.

Đến thời điểm hiện tại, toàn xã đã có 13 tổ tín dụng với hơn 600 thành viên vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng số tiền hơn 36 tỷ đồng. Nguồn vốn này được tín chấp qua kênh của các tổ chức đoàn thể như: Hội LHPN, Hội Nông dân và Đoàn Thanh niên xã Tùng Lộc. Mong muốn thoát nghèo của chính người dân, sự giám sát, quản lý chặt chẽ các khoản vay của các tổ chức nói trên cùng đội ngũ cán bộ thôn đã là những yếu tố quan trọng để nguồn vốn xóa đói giảm nghèo ở Tùng Lộc phát huy hiệu quả, trả gốc, lãi đúng kỳ hạn.

Nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã thực sự là điểm tựa giúp nhiều gia đình khó khăn trên địa bàn phát triển kinh tế. Trong đó, phần lớn số vốn được bà con đầu tư mô hình chăn nuôi bò nhốt. Đây cũng được xem là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân Tùng Lộc phát triển kinh tế, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm trung bình khoảng 1%.

Ông Nguyễn Viết Bình – Phó Chủ tịch UBND xã Tùng Lộc.

Đọc thêm

Làm gì để tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

Do đâu tỷ lệ người dân tham gia BHYT ở nhiều địa phương giảm?

Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế được coi là một trong những nội dung quan trọng để đánh giá sự phát triển của KT-XH ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm 2025, tỷ lệ người dân tham gia BHYT ở nhiều địa phương giảm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác an sinh xã hội cũng như các nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Bài 2: Huy động tổng lực, dồn sức trên những “đại công trường”

Bài 2: Huy động tổng lực, dồn sức trên những “đại công trường”

Để mục tiêu hoàn thành 2.343 ngôi nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng trước ngày 19/5/2025, các địa phương trong toàn tỉnh đang đứng trước khối lượng công việc lớn. Trên chặng nước rút, cả hệ thống chính trị Hà Tĩnh cùng hướng về cơ sở với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; mỗi thành viên ban chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát các cấp phải thấm nhuần nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ sản phẩm”.
Bài 1: Quyết tâm về đích trước thời hạn của cả nước

Bài 1: Quyết tâm về đích trước thời hạn của cả nước

Vận dụng sáng tạo bài học kinh nghiệm trong làm nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn 2021-2025, cả hệ thống chính trị ở Hà Tĩnh đã sớm vào cuộc, chủ động triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước. Với sự khẩn trương, chủ động triển khai kế hoạch và huy động các nguồn lực, Hà Tĩnh đặt mục tiêu hoàn thành chương trình trước ngày 19/5/2025 (trước mốc thời gian chung của cả nước hơn 6 tháng).