5 phương pháp tiềm năng giúp ung thư không còn là án tử

Vaccine ung thư, phương pháp bỏ đói khối u, thuốc giúp chặn quá trình giao tiếp của tế bào ung thư là những cách hứa hẹn sẽ chữa khỏi căn bệnh.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vua Charles vừa tuyên bố sẽ trở lại làm việc, chỉ ba tháng sau khi tiết lộ ông bị ung thư. Theo Cung điện Buckingham, bác sĩ của Nhà Vua hài lòng vì sức khỏe ông cải thiện nhanh chóng. Trong khi đó, Hoàng tử xứ Wales cho biết công nương Kate cũng đang "khỏe trở lại" sau khi được chẩn đoán ung thư. Công chúa Beatrice cũng tiết lộ Nữ Công tước xứ York Sarah Ferguson đã được chữa khỏi căn bệnh này trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông.

Các chuyên gia nhận định đây là giai đoạn bệnh ung thư "ít chết chóc" nhất trong lịch sử y khoa. Vào những năm 1970, chỉ 20% số bệnh nhân ung thư ở Anh sống sót 10 năm sau chẩn đoán. Con số hiện tại là 50%. Số liệu từ năm 2020 cho thấy hơn 75% người mắc ung thư còn sống một năm sau chẩn đoán. Nhờ những đột phá về khoa học đáng kinh ngạc, các nhà khoa học nhận định tình hình sẽ khả quan hơn nữa trong tương lai.

"Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên đổi mới khoa học và công nghệ đáng kinh ngạc. Giờ đây, chúng ta có thể nghiên cứu về căn bệnh này một cách cực kỳ chi tiết, khám phá cách khối u tiến triển và những phương pháp mới, tiềm năng điều trị ung thư", giáo sư Kristian Helin, giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Ung thư London (ICR), cho biết.

Khi các phương pháp điều trị tiến bộ nhanh chóng, y học cá nhân hóa dựa trên xét nghiệm di truyền, thuốc nhắm mục tiêu và liệu pháp miễn dịch phù hợp, ung thư không còn là án tử.

Vaccine ung thư

Bà Kate Bingham, chủ trì Lực lượng Đặc nhiệm Vaccine Chính phủ Anh năm 2020, dự đoán về một tương lai người dân sẽ xét nghiệm máu để tìm ra dấu hiệu ung thư sớm, sau đó tiêm vaccine chữa bệnh. Đây có vẻ là ý tưởng viển vông, song được các chuyên gia tin chắc có thể xảy ra trong thập kỷ tới.

Ý tưởng này cũng mở đường cho một định nghĩa khác về vaccine, bên cạnh ngăn ngừa bệnh thật. Vaccine có thể là phương pháp điều trị, dạy hệ thống miễn dịch cách để chống lại các mầm bệnh cụ thể, một trong số đó là ung thư.

Nhiều loại vaccine ung thư đang được phát triển thử nghiệm, cùng sử dụng công nghệ mRNA từng làm nên lịch sử với vaccine Covid-19. Các nhà khoa học Anh thử nghiệm vaccine MRNA cá nhân hóa chống ung thư da ác tính đầu tiên trên thế giới.

Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Vương Quốc Anh tài trợ một thử nghiệm khác, phát triển "LungVax" - loại vaccine đầu tiên trên thế giới ngăn ngừa ung thư phổi ở người có nguy cơ cao. Các chuyên gia cũng thử nghiệm vaccine cho người mắc ung thư gan, thận, bàng quang, ruột, tuyến tụy và vú.

Giống với các vaccine truyền thống sử dụng một phần của virus để huấn luyện cơ thể chống bệnh tật, vaccine ung thư nhắm mục tiêu đến neoantigen - protein vô hại từ bề mặt tế bào ung thư. Vaccine dạy hệ miễn dịch cách nhận ra kháng nguyên mới trên các tế bào bất thường, từ đó ghi nhớ và tiêu diệt các tế bào tương tự.

Minh họa vaccine ung thư. Ảnh: Economic Times
Minh họa vaccine ung thư. Ảnh: Economic Times

Bỏ đói ung thư

Tổ chức Breast Cancer Now đang tài trợ nghiên cứu liệu pháp mới, nhắm vào tế bào bất thường có thể phát triển thành ung thư vú. Họ phát hiện việc nhắm mục tiêu vào protein endosialin có thể làm gián đoạn nguồn "thức ăn" hoặc nguồn cung cấp máu của khối u. Với cách tiếp cận mới, liệu pháp không tấn công trực diện khối u, nó loại bỏ nguồn dinh dưỡng mà khối u cần để tiếp tục tồn tại, phát triển. Vì vậy, các nhà khoa học gọi nó là bỏ đói ung thư.

Phưong pháp điều trị này cũng ít tác dụng phụ hơn so với hóa trị truyền thống. Trong các thí nghiệm với chuột, việc nhắm mục tiêu vào endosialin làm giảm thiểu sự phát triển và lan rộng của ung thư vú. Phương pháp cũng đã được thử nghiệm trên khối u ung thư phổi, cho kết quả tương tự. Các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu liệu pháp với hy vọng có thể đưa vào thử nghiệm lâm sàng.

Chặn tín hiệu giao tiếp của tế bào ung thư

Loại thuốc mới, nguồn gốc từ axit oleic, xuất hiện tự nhiên trong dầu ô liu, cho thấy tiềm năng điều trị ung thư não xâm lấn (u nguyên bào thần kinh đệm). Bệnh nhân được chẩn đoán có khối u này thường tử vong một năm sau khi được chẩn đoán.

Các tế bào ung thư là duy nhất, có khả năng giao tiếp thông qua tín hiệu điện làm tăng nguy cơ tử vong. Loại thuốc mới làm thay đổi thành tế bào ung thư, ngăn các tế bào "nói chuyện" với nhau. Đây là loại thuốc mới dành cho u nguyên bào thần kinh đệm đầu tiên được phát triển trong 20 năm, đang thử nghiệm toàn cầu trên các bệnh nhân mới được chẩn đoán.

Kết nối ung thư với AI

Các thuật toán máy tính hiện nay có thể xử lý hình ảnh chiếu chụp nhanh hơn nhiều so với con người. Theo giáo sư Helin, trí tuệ nhân tạo (AI) đang cách mạng quá cuộc chiến chẩn đoán và điều trị ung thư. AI có thể phân tích các bản quét phức tạp, phát hiện những bất thường cực nhỏ báo hiệu ung thư. Nó học cách nhận ra các thay đổi trong cơ thể giúp ung thư phát triển, từ đó chẩn đoán sớm.

Nghiên cứu công bố trên tạp chí The Lancet Oncology cho thấy AI có thể phát hiện bệnh, phân loại mức độ ác tính của khối u xương và mô mềm chính xác gấp đôi sinh thiết xâm lấn. Theo nghiên cứu, công nghệ này nhận ra các phân nhóm bệnh, tăng tốc độ chẩn đoán và tìm hiểu khối u đáp ứng tốt với loại thuốc nào.

Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh đã tài trợ 14 triệu bảng cho TRACERx - chương trình nghiên cứu ứng dụng AI để điều trị cho bệnh nhân.

Trí tuệ nhân tạo xem xét kết quả quét CT hoặc MRI để phân biệt giữa tế bào ung thư và các cơ quan khỏe mạnh. Ảnh: Stock Image
Trí tuệ nhân tạo xem xét kết quả quét CT hoặc MRI để phân biệt giữa tế bào ung thư và các cơ quan khỏe mạnh. Ảnh: Stock Image

"Lây bệnh" khiến khối u tự chết

Các nhà khoa học đang nghiên cứu phương pháp "lật ngược tình thế" đối với ung thư, đó là tiêm một loại virus vào "tim" của khối u, để nó lây nhiễm sang các tế bào bị bệnh khác, khiến chúng tự chết mà không ảnh hưởng đến các mô khỏe mạnh.

Việc lây nhiễm virus cũng khiến tế bào miễn dịch dễ nhận biết ung thư, từ đó tấn công và tiêu diệt chúng. Virus ung thư đang được thử nghiệm với một số loại bệnh như ung thư da, mắt, thực quản, đầu và cổ, kết quả đầy hứa hẹn.

vnexpress.net

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast