Năm nào, "nàng" Mona Lisa cũng lôi cuốn được hàng triệu du khách tới Bảo tàng Louvre ở Paris (Pháp). Trông "nàng" thật mơ màng nhưng lại nheo cặp mắt không có lông mày, lông mi hướng theo người xem. Trong bộ trang phục đơn giản tối màu, Mona Lisa đang đau khổ hay mỉm cười?
Những bí ẩn chưa được giải mã
Đến nay, sau nửa thiên niên kỷ ra mắt công chúng, không chỉ nụ cười mà cả lai lịch của người mẫu trong tranh cũng luôn khiến giới sử gia đau đầu.
Trong hàng trăm giả thuyết đưa ra, kiến giải của nhà nghiên cứu Giorgio Vasari hiện vẫn được cho là thuyết phục nhất. Theo ông, Da Vinci được Francesco del Giocondo, chồng của Lisa del Giocondo, một nhà buôn lụa vùng Florence, ủy quyền vẽ chân dung vợ mình hồi năm 1503.
Mona Lisa, nàng đau khổ hay mỉm cười?
Trong khi đó, vào năm 1517, nhà nghiên cứu Antonio de Beatis từng khẳng định rằng Leonardo da Vinci được Giuliano de" Medici, nhà bảo trợ của danh họa này, ủy quyền vẽ Mona Lisa. Beatis được cho là người đã có mặt tại studio của Da Vinci ở Amboise (Pháp) trong cuộc viếng thăm của Đức Hồng y Luigi d"Aragona vào ngày 10/10/1517.
Theo những gì Beatis viết lại, Da Vinci đã cho Hồng y xem ba bức tranh khác nhau, gồm St. John the Baptist, The Virgin and Child with Saint Anne và chân dung của "một người phụ nữ Florence được vẽ theo đề nghị của Giuliano de" Medici".
Những dòng tư liệu của Beatis ám chỉ rằng Da Vinci đã vẽ một bức chân dung tưởng tượng của Pacifica Brandani, người tình của De" Medici (và có với ông một cậu con trai ngoài giá thú). Pacifica Brandani đã chết ngay sau khi sinh con nên bức chân dung được De" Medici ủy quyền cho danh họa vẽ với tính chất như một nguồn an ủi cho đứa trẻ.
Cả hai giả thuyết trên đều được nhiều sử gia nghệ thuật ủng hộ. Dù vậy, chưa ai có thể nói Mona Lisa thực thụ ngoài đời có lai lịch cụ thể như thế nào.
Thực tế, bức tranh này có ý nghĩa với Da Vinci đến mức danh họa chưa bao giờ bán nó và đã mang bức tranh sang Pháp cùng mình hồi năm 1516. Tới năm 1519, khi Da Vinci qua đời, học trò kiêm trợ lý của Da Vinci đã bán bức tranh cho Vua Pháp Francis I.
Từ đó, kiệt tác này từng nằm trong các bộ sưu tập riêng của các vị vua Pháp. Sau cuộc Cách mạng Pháp, Mona Lisa được treo ở nơi trang trọng trong phòng ngủ của Hoàng đế Napoleon Bonaparte và sau đó nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Louvre.
Ngày bức tranh được trưng bày trước công chúng lần đầu tiên cũng chưa được xác định chắc chắn. Chỉ có một điều được khẳng định: sau khi ra mắt công chúng, hình ảnh của Mona Lisa đã được sao chép nhiều lần với nỗ lực... giải mã nụ cười trong tác phẩm này.
Những phát hiện kinh ngạc
Sau khi Da Vinci qua đời, một tác phẩm "sinh đôi" của Mona Lisa đã được treo trong Bảo tàng Prado ở Madrid, Tây Ban Nha. Năm 2012, người ta phát hiện ra bức tranh này được ra đời cùng thời điểm với bức tranh gốc. Qua quá trình phục chế, các chuyên gia nhận thấy nền của bức tranh "sinh đôi" cũng có phong cảnh Italy và cũng có những nét chỉnh sửa giống bức tranh được treo trong bảo tàng Lourve. Người vẽ bức tranh này là Francesco Melzi, một trong những học trò của Da Vinci.
Mona Lisa chỉ thực sự nổi tiếng sau khi bị đánh cắp. Một người Italy sống ở Paris đã đánh cắp bức tranh từ Bảo tàng Louvre hồi năm 1911 với mong muốn đưa nó trở về quê hương. Mona Lisa bị "mất tích" trong hai năm trước khi cảnh sát bắt giam người đàn ông đó. Sau đó, Mona Lisa đã được đưa trở về Paris và đón một lượng khách tham quan chưa từng có tới Bảo tàng Louvre.
Vô số nhà khoa học và sử gia nghệ thuật đã phân tích bức tranh và đưa ra những phát hiện gây kinh ngạc. Hồi năm 2008, bí ẩn đằng sau nụ cười của Mona Lisa đã được giải mã. Theo các nhà khoa học, Da Vinci đã sử dụng kỹ thuật vẽ có tên "sfumato", tức là danh họa chồng nhiều tầng màu mỏng lên nhau nhằm tạo ra một hiệu ứng mờ và hòa trộn màu sắc. Kỹ thuật ấy giúp cho bức tranh, đặc biệt là gương mặt, có bầu không khí phong phú song khó nắm bắt.
Mona Lisa không chỉ tạo nên cuộc tranh cãi lớn nhất trong lịch sử nghệ thuật mà còn truyền cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ tạo nên những phiên bản khác nhau, từ Joseph Beuys tới Andy Warhol. Là một biểu tượng truyền thông của thế kỷ 20, Mona Lisa hiện diện trong nhiều tác phẩm văn học, âm nhạc và quảng cáo.
Những người cố "giết" nàng Mona Lisa Mona Lisa đã mang lại cho người xem nhiều cảm xúc khác nhau và hiển nhiên là không chỉ có những cảm xúc tích cực. Năm 1956, có hai khách tham quan cố tìm cách làm hỏng bức tranh này, trong đó một người đã hắt a-xít vào bức tranh và gây hư hại nhất định. Sau đó, một du khách Bolivia đã ném đá vào Mona Lisa. Kể từ năm 2009, kiệt tác này được bảo vệ đằng sau lớp kính chống đạn để chống những hành động quá khích. |