Lên kế hoạch trình tự làm sạch
Vấn đề dọn dẹp nhà cửa cũng nên lên kế hoạch giống như bất kỳ một công việc nào khác, bởi nếu không sẽ tiêu tốn khá nhiều thời gian và công sức. Chẳng hạn như: lau ở góc cao, lau mặt sau tủ quần áo, quạt trần, lau sàn... Cần sắp xếp công việc nào trước, công việc nào sau để tránh tình trạng bụi trên cao bay xuống dưới và tất nhiên sẽ phải dọn dẹp lại thêm một lần nữa.
Đợi các dung dịch tẩy rửa thực hiện công việc của nó
Các chất tẩy rửa khác nhau sẽ thực hiện một chức năng vệ sinh riêng, bởi vậy khi đổ chất tẩy lên các vết bẩn thông thường, chúng ta không nên cọ rửa ngay lập tức. Cách tốt nhất là bạn hãy nên để các chất tẩy này thấm vào sàn nhà, đồ đạc... trong khoảng thời gian nhất định để vừa tiết kiệm chi phí, công sức vừa tiết kiệm thời gian nhé.
Chăm sóc các thiết bị làm sạch
Trước khi tiến hành dọn dẹp nhà cửa hãy đảm bảo rằng các thiết bị làm sạch phải sạch sẽ: chẳng hạn đổ bộ lọc máy hút bụi, giặt chổi lau nhà... Bởi nếu các thiết bị này bẩn thì không những nhà cửa không được làm sạch mà còn góp thêm vết bẩn vào không gian sống.
Sau khi dọn dẹp xong, bạn nên vệ sinh các thiết bị này trước khi mang chúng đi phơi khô và bảo quản cẩn thận.
Tạo thiết bị vệ sinh riêng biệt cho từng khu vực
Mặc dù cùng là làm sạch nhưng tốt nhất hãy phân loại các thiết bị phù hợp cho từng không gian bởi mỗi căn phòng sẽ tồn tại số lượng bụi bẩn khác nhau và càng không nên “lấn sân” lẫn nhau.
Chọn đúng vật liệu để vệ sinh
Lựa chọn thiết bị làm sạch là công việc cực kỳ quan trọng trong bất kỳ quy trình vệ sinh nào vì ngoài việc sạch sẽ còn ảnh hưởng đến tuổi thọ các vật dụng. Ví dụ như bề mặt kính nên chọn các loại vải mềm, hút nước tốt để không trầy xước...
Đừng bỏ qua các chấm nhỏ
Những vết bẩn lớn có thể nhìn thấy, song bạn không nên quên đi những chấm nhỏ thường xuyên phải chạm tới: khu vực công tắc đèn, tay nắm cửa, tay nắm tủ... Vì vậy khi dọn dẹp khu vực nào thì cũng đừng quên xịt dung dịch sát khuẩn lên các chấm nhỏ rồi lau sạch sẽ./.
Theo VOV