“Khúc ruột miền Trung” lắm thiên tai nhưng giàu nghĩa tình là chất liệu phong phú để các nhạc sỹ cho ra đời những ca khúc “vượt thời gian”. Rất nhiều tên tuổi nhạc sỹ người Hà Tĩnh đã thành danh bằng chính chất liệu âm nhạc trên quê hương như: Mạnh Chiến, Quốc Nam, Ngọc Thịnh, Quốc Việt…
Nhạc sỹ Ngọc Thịnh là một trong những nghệ sỹ thành danh với mảnh đất Hà Tĩnh
Thành danh trên mảnh đất Thành Sen, nhạc sỹ Ngọc Thịnh - nguyên Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh rất tâm huyết với dòng nhạc dân gian. Ông chia sẻ: “Cũng như bao nghệ sỹ viết về Hà Tĩnh, tình yêu với âm nhạc, quê hương đã thấm sâu vào con người chúng tôi một cách tự nhiên và say đắm. Vì vậy, những ca khúc được viết lên trong hoàn cảnh gian khó, chiến tranh khốc liệt không chỉ là tâm tình của người nghệ sỹ mà còn phản ánh cả một giai đoạn của hiện thực cuộc sống và rất nhiều trong số đó đã đi cùng năm tháng”.
Nói vậy, nhưng nhạc sỹ Ngọc Thịnh cũng trăn trở: “Những nghệ sỹ thực sự có tài, thành danh trên quê hương không ít, nhưng phần đa trong số họ đều đi tìm mảnh đất mới có đầy đủ điều kiện để phát triển sự nghiệp. Họ ra đi để lại khoảng trống cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật Hà Tĩnh nói chung, âm nhạc nói riêng. Những nghệ sỹ còn gắn bó thì đã lớn tuổi, cùng với sự thay đổi của cơ chế thị trường, những ca khúc mới ra đời cũng mang nặng tính “hàng hóa” hơn là sự sáng tạo nghệ thuật”.
Việc thiếu vắng tác phẩm mới khiến ca sỹ khó lựa chọn ca khúc trong biểu diễn
Âm nhạc Hà Tĩnh hiện nay cũng vì thế mà rơi vào sự đứt quãng thế hệ. Trong khi một số tên tuổi nghệ sỹ gạo cội không gắn bó với quê hương, số khác đã thưa vãn sáng tác mới thì đội ngũ nhân lực mới chưa được đào tạo bài bản, điều kiện thực hành và va chạm thực tế ít, chưa đủ độ “đằm sâu” để viết nên những ca khúc có giá trị nghệ thuật cao.
Sau sự tỏa sáng của một số tên tuổi như: Mạnh Chiến, Quốc Nam, Ngọc Thịnh là sự tiếp nối của Quốc Việt, Sỹ Chinh, Sơn Hải, Trịnh Chung… Nhưng thế hệ này hoặc là đang sáng tác cầm chừng, hoặc là chưa tạo nên những dấu ấn trong con đường âm nhạc bằng những tác phẩm có tính đại chúng và có tính nghệ thuật. Lo ngại hơn, là sau thế hệ ấy, gần như âm nhạc Hà Tĩnh không có người kế cận.
Hiện nay, mặc dù các cơ quan, tổ chức đã phát động nhiều cuộc thi nhưng số lượng tác giả tham gia quay đi quay lại cũng chỉ có chừng đó gương mặt. Ban tổ chức “đỏ mắt” cũng không tìm thấy một tên tuổi mới nào thực sự vượt trội. Và khán giả, sau những chờ đợi lại tìm về với những ca khúc quen thuộc của dòng nhạc truyền thống.
Nhiều show diễn, cuộc thi được tổ chức nhưng chưa có tên tuổi nào thực sự vượt trội, khán giả vẫn tìm về với những ca khúc quen thuộc của dòng nhạc truyền thống
Việc không có nhiều sáng tác mới cũng gây khó cho đội ngũ ca sỹ. Ca sỹ Thanh Nguyên - diễn viên Nhà hát Truyền thống Hà Tĩnh chia sẻ: “Hiện nay, những ca khúc mới vừa có giá trị nghệ thuật, vừa mang hơi thở của cuộc sống đương đại, phù hợp với giới trẻ rất hiếm. Ca sỹ phải tìm kiếm, lựa chọn ca khúc để thỏa mãn đam mê với nghề nhưng vẫn phải đến gần hơn, giữ chân khán giả ở lại với mình. Việc thiếu hụt sáng tác mới khiến cho đội ngũ ca sỹ cũng không có nhiều điều kiện, môi trường biểu diễn để nâng cao trình độ chuyên môn”.
Thiếu vắng tác giả mới, ngoài đội ngũ nghệ sỹ sáng tác và biểu diễn thì khán giả là đối tượng trực tiếp bị tác động. “Dù là một khán giả trẻ, thỉnh thoảng vẫn nghe những bài hát nhạc trẻ sôi động, những bản tình ca nhẹ nhàng nhưng tôi vẫn dành tình cảm đặc biệt cho những ca khúc sâu lắng hát về quê hương, đất nước của những nhạc sỹ thế hệ trước. Càng ngày càng vắng bóng những ca khúc như thế, khán giả đã mất đi một món ăn tinh thần quý giá” - chị Phạm Thanh Tuyết (phường Nam Hà - TP Hà Tĩnh) chia sẻ.
Thực tế cho thấy, một bộ phận khán giả vẫn không quay lưng với dòng nhạc truyền thống. Đó là “mảnh đất” màu mỡ để các nhạc sỹ trẻ khai thác, phát triển sự nghiệp; cũng là niềm hy vọng về sự xuất hiện những tên tuổi trong thời gian tới của âm nhạc Hà Tĩnh.