Chủ động đối phó với “giặc hỏa”

(Baohatinh.vn) - Ban quản lý (BQL) chợ TP Hà Tĩnh chịu trách nhiệm quản lý 4 chợ trên địa bàn, gồm: chợ trung tâm, Bắc Hà, Thạch Linh, chợ kinh doanh giết mổ gia cầm. Đây là nơi tập trung hàng ngàn quầy hàng kinh doanh lớn, trong đó có không ít mặt hàng dễ bắt lửa. Với chức năng nhiệm vụ của mình, thời gian qua, BQL chợ TP Hà Tĩnh đã chủ động các phương án phòng chống cháy nổ (PCCN), đặc biệt là trong đợt cao điểm nắng nóng kéo dài.

Anh Ngô Viết Trung - cán bộ BQL chợ thành phố cho biết: “Công tác phòng cháy, chữa cháy thường xuyên được đơn vị đặt lên hàng đầu. Chính vì thế, những ngày nắng nóng kéo dài, với BQL chợ là quãng thời gian căng thẳng bám trụ từng địa bàn được phân công với tinh thần sẵn sàng thường trực, ứng phó 24/24h đối với 69 cán bộ, công nhân viên.

Nhân viên Đội bảo vệ BQL chợ thành phố Hà Tĩnh kiểm tra thiết bị PCCC tại các điểm cố định.
Nhân viên Đội bảo vệ BQL chợ thành phố Hà Tĩnh kiểm tra thiết bị PCCC tại các điểm cố định.

Địa bàn quản lý rộng 48.000m2, với hàng ngàn hộ kinh doanh, hàng ngàn lao động và khách vào ra mỗi ngày, đặc biệt là khu vực chợ trung tâm, nơi tập trung nhiều đầu mối hàng hóa lớn trị giá hàng trăm tỷ đồng với hơn 2.200 hộ kinh doanh (trong đó hơn 1.000 quầy kinh doanh những mặt hàng dễ cháy như: quần áo may sẵn, bông vải sợi, hàng vàng mã và hơn 1.500 hộ sử dụng điện phục vụ kinh doanh), nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ rất cao. Để chủ động phương án, ngoài việc lập kế hoạch triển khai nhiệm vụ PCCN trong năm và trong đợt cao điểm, đối với khu vực trung tâm, BQL chợ tăng cường số lượng bảo vệ trực/ca.

Ngoài ra, BQL còn thành lập 1 tổ trực lãnh đạo và 1 tổ trực ban để tăng cường công tác đôn đốc, nhắc nhở anh em. Cùng với tổ chức ký cam kết PCCN, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh đến từng hộ kinh doanh và khách vào ra, đội ngũ cán bộ và lực lượng bảo vệ thường xuyên nhắc nhở, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh vi phạm cơi nới, giải phóng diện tích lối đi, hành lang…

Chị Nguyễn Thị Thanh - kinh doanh quần áo ở chợ trung tâm thành phố cho biết: “Phòng cháy chữa cháy đối với chúng tôi đã trở thành ý thức tự giác. Bởi việc chấp hành nghiêm túc quy định về PCCN cũng là cách để chúng tôi bảo vệ tài sản, bảo vệ nghiệp mưu sinh của gia đình”.

Những ngày này, dưới cái nóng hầm hập nhưng ở mỗi vị trí xung yếu, khu vực tiềm ẩn nguy cơ cao như: đình chợ tầng 1, tầng 2; đình chợ nông sản, thực phẩm khô, hàng mã, hàng thuốc Bắc, Nam, nhôm, nhựa,… chúng tôi thường xuyên bắt gặp lực lượng bảo vệ kiểm tra, nhắc nhở các chủ ki-ốt từ những việc nhỏ như: kiểm tra nguồn điện, xếp gọn hàng hóa theo quy định trước khi đóng cửa… Ngoài ra, việc kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng các phương tiện chữa cháy như máy phát điện, máy bơm xăng, máy bơm điện, hệ thống ống dẫn nước, van tự động, bình chữa cháy… cũng đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các tổ bảo vệ.

Đến thời điểm hiện tại, ở khu vực chợ trung tâm, hệ thống chữa cháy bằng nước bán tự động gồm gần 50 cuộn vòi, hệ thống báo cháy tự động, máy phát điện, hệ thống đường ống dẫn nước đều hoạt động tốt, các bể chứa ở khu vực tầng 2 và xung quanh chợ cũng thường xuyên đảm bảo lượng nước đầy; bổ sung thêm 40 bình để thay thế số lượng hư hỏng.

Cũng theo anh Ngô Viết Trung: “Những đợt cao điểm như thế này với anh em chúng tôi không có khái niệm ngày nghỉ lễ hay thứ 7, chủ nhật. Chế độ nghỉ phép cũng chỉ được bố trí trong trường hợp ốm đau và có lý do đặc biệt, còn lại đều phải tập trung vào nhiệm vụ với tinh thần không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác”.

Tinh thần chủ động đối phó với “giặc hỏa” của BQL chợ cùng với ý thức của người dân trong việc bảo vệ tài sản của chính mình là những lý do để 15 năm nay, chợ trung tâm của TP Hà Tĩnh và các khu chợ khác thuộc BQL chợ thành phố luôn được đảm bảo an toàn về cháy nổ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast