Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực ATGT

Sáng ngày 22/2, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh có buổi làm việc với Phòng CSGT đường bộ, đường sắt - Công an tỉnh để giám sát việc thực hiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải. Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trần Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc.

Từ năm 2009-2011, các cấp, ngành và lực lượng chức năng mà nòng cốt là lực lượng CSGT đã có nhiều cố gắng, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm đảm bảo tình hình trật tự ATGT, kiềm chế TNGT, trong đó tập trung vào công tác xử phạt vi phạm hành chính về trật tự ATGT. Tuy vậy tình trạng vi phạm hành chính về trật tự ATGT vẫn xẩy ra khá phổ biến, đặc biệt là các hành vi vi phạm nguy hiểm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT như: chạy quá tốc độ, tránh, vượt, chuyển hướng sai quy định, đi không đúng phần đường, làn đường... và các lỗi làm tăng hậu quả thiệt hại trong các vụ TNGT như chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm.

Lãnh đạo Phòng CSGT tỉnh đề xuất với Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị cơ quan cấp trên tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm
Lãnh đạo Phòng CSGT tỉnh đề xuất với Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị cơ quan cấp trên tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm

Trong 3 năm (2009-2011), trên địa bàn toàn tỉnh xẩy ra 576 vụ TNGT đường bộ làm chết 658 người, bị thương 407 người, thiệt hại tài sản ước tính gần 3 tỷ đồng; 8 vụ TNGT đường sắt làm chết 9 người.

Ngoài ra, còn xẩy ra 885 vụ va quệt giao thông làm bị thương nhẹ 863 người, gây thiệt hại tài sản ước tính gần 1 tỷ đồng, khởi tố điều tra 174 vụ TNGT, 171 bị can.

Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự ATGT, trong 3 năm từ 2009-2011, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã phát hiện lập biên bản 204.478 trường hợp vi phạm các quy định về đảm bảo trật tự ATGT đường bộ, ra quyết định xử phạt 188.528 trường hợp, nộp kho bạc trên 50 tỷ đồng; tạm giữ 7.273 xe mô tô, 255 xe ô tô vi phạm; tước GPLX có thời hạn 1.200 trường hợp, thống báo về địa phương, cơ quan công tác 5.000 trường hợp vi phạm trật tự ATGT

Về công tác quản lý, sử dụng nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, hàng năm, đơn vị sử dụng nguồn kinh phí xử phạt được phân bổ đúng mục tiêu chi cho công tác đảm bảo trật tự ATGT như: chi cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT, chi mua sắm, sửa chữa phương tiện phục vụ cho công tác tuần tra kiểm soát, chi bồi dưỡng cán bộ chiến sỹ trực tiếp làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT...; hàng tháng, hàng quý đều có dự toán chi và báo cáo quyết toán đầy đủ về Công an tỉnh đúng thủ tục.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực GTVT còn gặp nhiều khó khăn như: Một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự ATGT đường bộ không còn phù hợp, do đó không có tác dụng răn đe, giáo dục đối với người vi phạm. Hiện nay, chưa có hành lang pháp lý bảo vệ lực lượng CSGT khi làm nhiệm vụ TTKS, xử lý vi phạm, nhiều trường hợp điều khiển xe mô tô chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách dánh võng nhưng hầu như không xử lý được...

Tại buổi làm việc Phòng CSGT cũng đã có một số kiến nghị đề xuất với đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh như: Đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định 34/CP theo hướng tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm; ban hành văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý bảo vệ lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT; tăng cường thêm lực lượng, đầu tư trang thiết bị, phương tiện chuyên dùng, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác xử phạt vi phạm hành chính về trật tự ATGT.

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trần Tiến Dũng ghi nhận các kiến nghị của Phòng CSGT tỉnh để tổng hợp trình lên cơ quan các cấp có thẩm quyền nghiên cứu và có quyết định sớm nhất nhằm bổ sung sửa đổi những vấn đề còn thiếu và bất cập trong các quy định về xử phạt vi phạm hành chính về trật tự ATGT.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast