Khi không “mua” được… láng giềng!

Hàng xóm, láng giềng thường “tối lửa, tắt đèn” có nhau và đôi khi, nó quan trọng đến mức “bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Tuy nhiên, chuyện giữa 2 gia đình hàng xóm Trương Quang Lộc và Lê Doãn Kiệm ở thôn Yên Thọ, xã Hộ Độ (Lộc Hà) lại đi ngược với truyền thống xưa nay.

Điều tra theo thư bạn đọc

Do không tìm được tiếng nói chung nên gia đình ông Trương Quang Lộc phải chịu cảnh hàng xóm là ông Lê Doãn Kiệm đặt móng xây nhà choán hết mặt tiền nhà mình. Và, bức xúc hơn khi bể phốt, công trình phụ được người hàng xóm bố trí ngay trước phòng khách của nhà ông Lộc! “Cay cú”, ông làm đơn khiếu nại lên chính quyền nhưng UBND xã Hộ Độ cũng đang rất lúng túng, không biết xử lý như thế nào…

Ông Trương Quang Lộc bức xúc vì hệ thống bể phốt, công trình phụ được ông Kiệm bố trí ngay trước nhà mình.
Ông Trương Quang Lộc bức xúc vì hệ thống bể phốt, công trình phụ được ông Kiệm bố trí ngay trước nhà mình.

Vợ chồng ông Trương Quang Lộc - bà Lê Thị Tăng có một mảnh vườn nằm sát tuyến đường ngã ba Thạch Long đi mỏ sắt Thạch Khê. Kể từ khi tuyến đường này được triển khai xây dựng, nền đường cao hơn nền nhà nên thường bị ngập vào mùa mưa lũ. Bên cạnh đó, do nhu cầu tách hộ cho con trai đã lập gia đình, năm 2012, ông Lộc đã xây một ngôi nhà ngay trong vườn của mình. Nhà hướng ra mặt đường nhưng oái oăm ở chỗ, phía trước căn nhà mới lại có một lô đất chừng

50 m2 tiếp giáp với mặt đường của ông Lê Doãn Kiệm đã lâu không sử dụng. Ông Lộc cho biết: Thửa đất này trước đây của cố Thắng, sau này thuộc quyền sử dụng của cháu ông Lê Doãn Kiệm. Tuy nhiên, ông Kiệm chưa làm thủ tục, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thửa đất này lâu nay không sử dụng. Sau khi đền bù, GPMB, diện tích còn lại rất nhỏ. Hơn nữa, ông Kiệm đã có nhà ở nơi khác, nghĩ rằng không ai sử dụng nữa nên ông Lộc đã làm nhà ngoảnh mặt ra hướng này. Thế nhưng, đầu năm 2013, ông Lê Doãn Kiệm đã bỏ móng làm nhà choán hết nhà ông Lộc. Hệ thống bể phốt, công trình phụ được bố trí ngay phía sau, tiếp giáp với mặt tiền phòng khách ông Lộc. Ông Lộc và ông Kiệm đã đề cập với nhau chuyện đổi đất hoặc thương thảo mua bán nhưng không thống nhất quan điểm giá cả. Ông Lộc bức xúc: “Thửa đất này ông Kiệm đã cho con rể là Hoàng Hải Đường - cán bộ tư pháp xã Hộ Độ. Lẽ ra cán bộ xã lại phụ trách pháp luật như anh Đường thì phải hiểu và có cách xử lý hợp lý, hợp tình, gia đình ông Kiệm làm thế là để ép chúng tôi với giá cao hơn”.

Gia đình ông Trương Quang Lộc trình bày những bức xúc của mình
Gia đình ông Trương Quang Lộc trình bày những bức xúc của mình

Theo bản đồ địa chính 371 và sổ mục kê tại UBND xã Hộ Độ, thửa đất hiện nay ông Kiệm đang làm nhà có diện tích 124 m2, mang tên ông Lê Thắng (đã mất). Thực hiện dự án đường ngã ba Thạch Long - mỏ sắt Thạch Khê, ông Lê Doãn Cần (bố ông Lê Doãn Kiệm) nhận tiền đền bù, GPMB; diện tích thực tế của lô đất này còn lại 49,5 m2. Sau khi ông Cần mất, ông Lê Doãn Kiệm quản lý và làm nhà trên lô đất này. Ông Phan Đình Hinh - Phó Chủ tịch UBND xã Hộ Độ cho biết: Thửa đất này đúng là chưa chuyển quyền sử dụng đất nhưng việc ông Lê Doãn Kiệm sử dụng, làm nhà là hợp pháp theo quy định pháp luật về thừa kế. Về thông tin ông Kiệm cho, tặng anh Hoàng Hải Đường xã chưa biết, chưa làm thủ tục gì. Ông Hinh cũng thừa nhận: Diện tích đủ cho xây dựng nhà ở theo quy định, bên cạnh có lối đi cho nhà ở phía sau nên gia đình ông Lê Doãn Kiệm làm nhà trên lô đất đó là hợp lý. Tuy nhiên, do diện tích nhỏ, hướng nhà phải bố trí công trình phụ phía sau, ngay sát mặt tiền nhà ông Lộc (cách mái hiên khoảng 70 cm) là không hợp tình, trông rất chướng, nhất là với quan niệm và phong tục của người dân nông thôn. UBND xã đã tổ chức hòa giải, tìm hướng giải quyết nhưng chưa được. Hiện gia đình ông Kiệm đã tự giác đình chỉ việc xây dựng nhà.

Vậy là từ những cuộc thương thảo đổi đất, mua bán đất bất thành, ông Trương Quang Lộc và ông Lê Doãn Kiệm đã không “mua” được tình láng giềng của nhau. Sự căng thẳng của 2 gia đình ngày càng thêm nghiêm trọng. “Bán anh em xa, mua láng giềng gần” là sự đúc kết đầy triết lý của người xưa. Nên chăng, gia đình ông Kiệm và ông Lộc ngồi lại với nhau để bàn bạc tìm hướng giải quyết hợp lý, hợp tình. Về phía cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức hòa giải để tìm ra hướng xử lý “trong ấm - ngoài êm”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast