Những chiếc “két sắt” không an toàn

(Baohatinh.vn) - Với nhiều người, chiếc ô tô vừa là phương tiện đi lại, vừa là “cái két di động” để họ tống vào đó bao nhiêu thứ, thậm chí là tài sản đắt tiền. Để rồi, hệ lụy của tính chủ quan, mất cách giác là tình trạng trộm cắp trong xe ô tô xảy ra. Nhiều người khóc dở, mếu dở vì mất của.

Năm nay được nghỉ tết dài, Hà (phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh) chạy ô tô từ Hà Nội về quê để đi chơi nội ngoại, bạn bè cho thoải mái. Nhà mặt đường, không có gara nên tối đến, vỉa hè được trưng dụng thành bãi đậu xe. Yên chí vì hệ thống đèn đường tương đối sáng, nhưng khi ngủ dậy, Hà và gia đình “tá hỏa” khi 2 chiếc bánh “không cánh mà bay”. Nhìn chiếc ô tô “què chân”, trục trước và sau được bọn trộm “cẩn thận” gác lên chồng gạch để lấy thăng bằng, Hà lắc đầu ngán ngẩm: “Không ngờ về đây cũng lại gặp tình cảnh này. Những chiếc bánh đã qua sử dụng bán ra không đáng bao nhiêu nhưng phải thay mới thì cả đống tiền”.

Một vụ trộm bánh xe tại số nhà 177, đường Nguyễn Du, TP. Hà Tĩnh vào ngày 12/5/2015

Một vụ trộm bánh xe tại số nhà 177, đường Nguyễn Du, TP. Hà Tĩnh vào ngày 12/5/2015

“Đau” hơn Hà, trước đó, gia đình anh H. ở phường Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh) vừa mua chiếc Kia Morning chưa kịp đăng ký, sau 1 đêm đậu ngoài vỉa hè thì cả 4 chiếc bánh đều “bốc hơi”. Không mất bánh xe nhưng cú ra tay của bọn đạo chích cũng khiến D. ở đường Hải Thượng Lãn Ông “choáng váng”. Số là hôm đó tổng kết cơ quan, nhận lương thưởng và “thu hồi nợ” được hơn 20 triệu đồng, D. gọi vài người bạn đi “nhậu tất niên”. Về đến nhà, do chếnh choáng hơi men, D. chỉ kịp đậu ngoài vỉa hè, khóa xe và lao vào nhà ngủ. Sáng sớm tỉnh rượu thì hỡi ôi, cửa xe đã mở tự bao giờ! Ngoài ví đựng tiền, chiếc điện thoại Iphone 6 vừa mới “tuyển” còn có chiếc áo da mới sắm cũng đã “không cánh mà bay”. Điều lạ là, cánh cửa bị mở tung nhung không có dấu hiệu cạy, phá hay đập vỡ kính. Cứ như kẻ trộm “mọc ra” từ trong xe vậy.

Đó là những phi vụ “đập hộp” chuyên nghiệp, mỗi vụ trộm đều được tính toán, lựa chọn, lên phương án, có cảnh giới kỹ càng và theo “quy trình” chặt chẽ. Để “thuổng” những chiếc bánh xe, bọn trộm chỉ cần kê gạch dưới trục bánh, mở ốc, xì hơi cho lốp xẹp là có thể nhấc ra gọn gàng. Còn việc mở cửa xe, theo một chuyên gia thì: quá đơn giản, chỉ cần quả bóng tenis cắt đôi, sợi dây thép, chiếc dao rọc giấy, bật lửa ga là “rẹc rẹc 30 giây”! Còn có nhiều vụ mất trộm các loại phụ kiện như logo, biểu tượng, cần ăng-ten hay thậm chí là gương chiếu hậu thì đôi khi kẻ ra tay chỉ để “cho vui”.

Để tài sản giá trị trong xe ô tô không hề an toàn. Ảnh minh hoạ từ internet

Để tài sản giá trị trong xe ô tô không hề an toàn. Ảnh minh hoạ từ internet

Hiện tượng mất cắp phụ tùng, phụ kiện và tài sản trong xe ô tô trên địa bàn TP Hà Tĩnh xảy ra không phải là hiếm. Chỉ có điều, những người bị mất trộm thường không trình báo với các cơ quan chức năng hay muốn im lặng để mong chuộc lại được phụ kiện bị mất hoặc “mật phục, bắt lần khác”.

Nguyên nhân của hiện tượng này là do thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố, số lượng xe ô tô cá nhân tăng đột biến. Trong khi đó, việc đầu tư xây dựng gara riêng hay gara dịch vụ chưa đáp ứng. Vì thế, nhiều gia đình đành phải lấy vỉa hè làm “chốn qua đêm” cho chiếc xe của mình. Xe để ngoài trời, luôn là “miếng mồi béo bở” cho bọn đạo chích. Bên cạnh đó, nhiều người ngây thơ tin rằng, xe ô tô là “chiếc két sắt an toàn” nên vô tư bỏ tài sản, tiền bạc trong đó. Thế là, vô hình trung họ tự biến chiếc xe của mình thành miếng mồi cho trộm cắp.

Hiện tượng trộm cắp đối với xe ô tô đã đến hồi báo động. Giờ đây, những chiếc ô tô không còn là chiếc “két sắt di động” an toàn và tiện dụng. Mỗi người dân hãy nâng cao cảnh giác, tự biết bảo vệ tài sản của mình, không tạo cơ hội cho tội phạm phát sinh để rồi xảy ra những tình huống “dở khóc, dở cười”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast