Công an Hà Tĩnh quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người

(Baohatinh.vn) - Trước thực trạng tội phạm mua bán người có chiều hướng gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, Công an Hà Tĩnh phối hợp với các đơn vị có liên quan nỗ lực triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả.

Công an Hà Tĩnh quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người

Người nhà nạn nhân ở Can Lộc tới Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Tĩnh trình báo về việc người thân bị khống chế, đòi tiền chuộc khi sang nước bạn làm việc.

Cách đây 5 tháng, lực lượng chức năng Hà Tĩnh nhận được đơn trình báo của một số gia đình ở Can Lộc về việc có người thân bị khống chế, đe dọa tại Lào.

Qua làm việc với các gia đình nạn nhân và kết quả công tác điều tra, xác minh, lực lượng chức năng xác định, thông qua các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, các đối tượng đăng tải quảng cáo tuyển người đi làm việc tại Lào đối với lao động trong độ tuổi từ 15 – 35 tuổi.

Tin tưởng từ lời chào mời “việc nhẹ lương cao”, một số lao động ở Hà Tĩnh đã sang Lào làm việc. Thời gian đầu, các nạn nhân vẫn liên lạc về gia đình bình thường, được các đối tượng bố trí nơi ăn nghỉ, việc làm và trả lương trong 3 tháng đầu.

Công an Hà Tĩnh quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người

Các nạn nhân vui mừng trở về Hà Tĩnh sau khi được lực lượng chức năng giải cứu.

Tuy nhiên, những tháng tiếp theo, các đối tượng bắt đầu yêu cầu nạn nhân liên lạc về gia đình để gửi các nhu yếu phẩm sang Lào, sau đó vu khống cho nạn nhân trộm cắp tài sản rồi khống chế, đánh đập và yêu cầu họ liên lạc về gia đình phải chuyển tiền chuộc với mức 500 triệu đồng/người.

Từ thông tin có được, Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh, Công an tỉnh Hà Tĩnh gửi văn bản tới Tổng cục An ninh, Tổng cục Cảnh sát (Bộ An ninh nước CHDCND Lào), Cơ quan đại diện Bộ Công an Việt Nam tại Lào và Cục Cảnh sát hình sự phối hợp xác minh, lên phương án giải cứu.

Các nạn nhân sau đó đã được lực lượng chức năng giải cứu khi đang bị khống chế tại đặc khu kinh tế Bò Kẹo (Lào).

Công an Hà Tĩnh quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người

Tháng 5/2023, TAND tỉnh tổ chức phiên tòa trực tuyến xét xử sơ thẩm và tuyên phạt 2 bị cáo Nguyễn Tiến Dũng (SN 1998, trú thôn Đông Vĩnh, xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc), Nguyễn Ngọc Tuyền (SN 1994, trú xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) 54 năm tù giam về tội “Mua bán người”.

Vào đầu năm 2023, Công an Hà Tĩnh tiếp nhận đơn trình báo của 2 gia đình ở xã Thạch Lạc (huyện Thạch Hà) về việc có người thân bị khống chế, đánh đập ở sòng bạc gần cửa khẩu giáp biên giới giữa Thái Lan và Campuchia. Các đối tượng yêu cầu gia đình nạn nhân đóng 100 triệu đồng/người mới có thể chuộc người thân về.

Trước đó, thông qua trò chuyện với một người không rõ lai lịch trên Facebook, 2 nam thanh niên 19 tuổi ở xã Thạch Lạc được giới thiệu sang Campuchia làm công việc nhàn hạ nhưng lương cao và dẫn tới sự việc nêu trên.

Công an Hà Tĩnh quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người

Tháng 2/2023, đoàn cán bộ Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN Hà Tĩnh đến thăm, động viên và trao gói hỗ trợ hơn 23 triệu đồng cho chị N.T.H., nạn nhân tromg vụ buôn bán người trú ở xã Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên).

Theo Công an Hà Tĩnh, hoạt động mua bán người mang lại nguồn thu bất hợp pháp lớn, do đó, loại tội phạm này ngày càng có nhiều thủ đoạn mới hòng lừa được nhiều nạn nhân. Cùng với đó, với sự bùng nổ của mạng xã hội (Facebook, Zalo), các loại tội phạm mua bán người càng có cơ hội gia tăng hoạt động.

Các đối tượng triệt để lợi dụng không gian mạng để tiếp cận “con mồi”, thay vì gặp trực tiếp khiến việc phát hiện, phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn của các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. Nhiều đối tượng dùng chiêu bài dụ dỗ “việc nhẹ, lương cao”, tổ chức cho nạn nhân vượt biên, sau đó ép buộc làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài. Nếu nạn nhân muốn về nước phải trả hàng trăm triệu đồng tiền chuộc.

Công an Hà Tĩnh quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người

Để ngăn chặn loại tội phạm liên quan đến hoạt động mua bán người cần sự chung tay của các ngành chức năng và phối hợp của các tầng lớp nhân dân.

Trong thời gian qua, Công an Hà Tĩnh đã khởi tố 9 vụ, 20 bị can về các tội danh liên quan đến hoạt động mua bán người. Cụ thể: 1 vụ với 2 bị can về tội mua bán người; 2 vụ, 9 bị can về tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép; 6 vụ, 9 bị can về tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.

Ngoài ra, cơ quan chức năng phục hồi điều tra 3 vụ, 3 bị can về tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép. Tòa án nhân dân 2 cấp cũng đưa ra xét xử 7 vụ, 15 bị cáo về các tội danh liên quan đến hoạt động mua bán người.

Dù công tác đấu tranh hiệu quả nhưng qua công tác dự báo, nắm tình hình, Công an Hà Tĩnh đánh giá, tội phạm mua bán người vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Loại tội phạm này hoạt động dưới hình thức có tổ chức, xuyên quốc gia với thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Công an Hà Tĩnh quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người

Công an Hà Tĩnh làm việc với Nguyễn Tiến Dũng (SN 1998, trú xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc), đối tượng chuyên dẫn dụ lao động Hà Tĩnh xuất cảnh trái phép sang Campuchia tìm việc.

Đại tá Nguyễn Hồng Phong – Giám đốc Công an tỉnh cho hay: Để tiếp tục tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm mua bán người nói riêng.

Công an tỉnh tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người; thông báo rộng rãi phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm kết hợp với kết quả đấu tranh của lực lượng chức năng để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành trong các tầng lớp nhân dân, vận động người dân vừa chủ động phòng ngừa, vừa tích cực tham gia tố giác tội phạm.

Công an Hà Tĩnh quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người

Diễu hành cổ động “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7”.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước và tổ chức thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực dễ phát sinh tội phạm mua bán người, nhất là lĩnh vực xuất, nhập cảnh; ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; lao động ngoài nước; cho – nhận con nuôi; kết hôn có yếu tố nước ngoài.

Khai thác, phát huy tối đa giá trị, hiệu quả của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân và kết quả triển khai Đề án 06 phục vụ công tác phòng, chống tội phạm mua bán người. Thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên các tuyến, địa bàn trọng điểm.

Chủ đề Phòng chống tội phạm

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast