Tăng cường các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông

(Baohatinh.vn) - Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh vừa có công điện gửi các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn tỉnh.

Công an TX Kỳ Anh xử lý các trường hợp đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm

Công an TX Kỳ Anh xử lý các trường hợp đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm

Nội dung công điện nêu rõ: Để đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh, giảm TNGT năm 2016 trên cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết và bị thương từ 5–10% theo mục tiêu đã đề ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã và thủ trưởng các cơ quan liên quan phải xem công tác đảm bảo trật tự ATGT là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, liên tục, vừa cấp bách, vừa cơ bản để đảm bảo phát triển KT-XH, là yêu cầu của phát triển bền vững; tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo trật tự ATGT theo Kế hoạch số 21/KH-UBND ngày 17/1/2014 của UBND tỉnh, Kế hoạch số 01/KH-BATGT ngày 8/1/2014 của Ban ATGT tỉnh, Công điện số 21/CĐ-UBND ngày 25/12/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh; đồng thời, tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện tốt các giải pháp sau:

1. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ATGT, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, thường xuyên đổi mới hình thức và phải tuyên truyền theo chiều sâu, liên tục, kiên trì, mọi lúc, mọi nơi, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, độ tuổi, giới tính. Tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, học sinh, sinh viên, đoàn viên, hội viên, các hộ gia đình ký cam kết không vi phạm trật tự ATGT, đến ngày 15/3/2016, việc tổ chức ký kết phải hoàn thành trên địa bàn toàn tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện cam kết, có hình thức xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm; tránh hình thức, chạy theo thành tích, số lượng.

2. UBND các huyện, thành phố, thị xã:

- Tổ chức đánh giá kết quả thực hiện trong thời gian qua, phân tích, tìm ra nguyên nhân các tồn tại, hạn chế; làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan để chấn chỉnh kịp thời; xác định các giải pháp cấp bách, căn cơ, xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Yêu cầu tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh phải giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí từ 5-10%. Địa phương nào không đạt phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Chỉ đạo công an huyện, thành phố, thị xã, công an xã, phường, thị trấn huy động lực lượng thường xuyên tuần tra, xử lý trên các tuyến đường, các bến đò ngang do địa phương quản lý; xử lý nghiêm, kịp thời, với mức cao nhất các trường hợp vi phạm, đặc biệt, các hành vi: không đội mũ bảo hiểm, uống rượu bia quá nồng độ quy định khi điều khiển phương tiện, xe máy chở 3, chở 4, lạng lách, đánh võng...

3. Công an tỉnh: Chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, công an huyện, thành phố, thị xã, công an xã, phường huy động tối đa quân số, phương tiện, trang thiết bị tổ chức tuần tra, kiểm soát việc chấp hành trật tự ATGT trên tất cả các tuyến đường, đặc biệt, chú trọng công tác tuần tra lưu động. Kiên quyết xử lý nghiêm, với mức xử phạt cao nhất đối với các hành vi vi phạm trật tự ATGT; đặc biệt, các hành vi vi phạm: chở quá số người quy định, phóng nhanh, vượt ẩu, nhồi nhét khách, tăng giá vé sai quy định, không đội mũ bảo hiểm, sử dụng rượu bia quá nồng độ quy định.

4. Sở Giao thông vận tải: Chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông và các phòng, ban liên quan tăng cường quản lý, siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô; kiểm tra chặt chẽ phương tiện và người lái trước khi xuất bến, kiên quyết không cho xuất bến đối với các trường hợp vi phạm; áp dụng biện pháp tước phù hiệu, tạm đình chỉ kinh doanh đối với những phương tiện, doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng; kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm đối với những xe, doanh nghiệp đã bị tước phù hiệu, đình chỉ kinh doanh nhưng vẫn hoạt động.

5. Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực thi nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT của các cán bộ, chiến sỹ, tổ công tác, phòng, ban chuyên môn; có biện pháp xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm, không hoàn thành nhiệm vụ; đồng thời, kịp thời tuyên dương, khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc.

6. Ban An toàn giao thông tỉnh:

- Thành lập đoàn kiểm tra công tác đảm bảo trật tự ATGT tại tất cả các địa phương để đôn đốc, kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, hạn chế. Tổng hợp báo cáo kết quả trước ngày 30/3/2016.

- Hàng tuần, hàng tháng, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh.

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, tính từ ngày 15/12/2015 – 15/2/2016, trên toàn tỉnh xảy ra 32 vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng, làm chết 28 người, bị thương 22 người, so với cùng kỳ năm 2015, tăng 3 vụ (+10,3%), tăng 1 người chết (+3,7%), tăng 7 người bị thương (+44,6%).

Tình hình TNGT những ngày trước, trong và sau tết diễn biến rất phức tạp, tăng cao, đặc biệt, trên QL 1A, 8A, 15A, các tuyến tỉnh lộ, đường huyện, liên xã, trục xã và các TNGT liên quan đến xe gắn máy và tình trạng sử dụng rượu bia quá nồng độ quy định.

Chủ đề Tai nạn giao thông

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast