Ân tình bến Lách, rú Cơm...

Tôi không nhớ đã bao nhiêu lần mình trở lại Nghi Xuân theo cách ấy. Không chỉ là bằng những con đường trên mặt đất mà bằng cả những ký ức hỗn tạp được lưu giữ trong tâm hồn sau những chuyến về đi tất tả. Ở miền quê giàu văn hóa này, mỗi khúc sông, bến đò hay ngọn rú nhỏ bên sông từ bao lâu nay đã lặng lẽ trôi sâu vào miền tâm tưởng khiến lòng tôi không thôi lưu luyến, vấn vương…

Bến Lách nhìn từ cầu Bến Thủy
Bến Lách nhìn từ cầu Bến Thủy

Một buổi sáng tháng 5 xao xác gió mùa, trong êm êm, hư ảo của làn mưa bụi đến muộn, bến Lách như cũng trở nên trầm mặc và cổ xưa hơn. Dường như bến sông nào cũng mang dáng vẻ ấy trong ngày trời đổ mưa. Bến Lách là tên gọi cũ còn ngày nay người ta gọi là Bến Thủy. Chuyện xưa kể rằng trên bến đò có cây đa rất to, tiếng địa phương gọi là da nên bến Lách còn có tên là Da Lách, về sau nó còn là tên thường gọi của cả một vùng đất. Bến Lách thời chiến tranh được chia thành 5 bến phà làm nhiệm vụ thông đường cho các chuyến xe tiếp viện hàng cho tiền tuyến miền Nam. Giờ đây, vết tích các bến phà ấy không còn nhưng hẳn là trong ký ức nhưng người lính năm nào, khung cảnh ấy đã trở thành cuốn phim âm bản.

Những chiến binh cảm tử trấn giữ phà Bến Thủy thời kỳ chống Mỹ. Ảnh Internet
Những chiến binh cảm tử trấn giữ phà Bến Thủy thời kỳ chống Mỹ. Ảnh Internet

Từ bến nhìn lên ngọn rú Cơm thấy như trước mắt mình là một tấm bia đá vững chãi giữa không gian. Rú Cơm tên chữ là Phong Phạn, nằm trên bờ Nam sông Lam. Ngọn rú này gắn với huyền thoại ông Đùng khổng lồ, có khả năng dời núi ngăn sông. Một lần sông Lam nổi giận, dâng nước cuốn trôi làng mạc, ông Đùng đã vật lộn chống đỡ chinh phục con nước đến mức bỏ quên gói cơm bên bờ sông. Sáng mai ra thì gói cơm đã biến thành hòn rú, góp sức cùng ông chặn dòng nước lũ. Rú Cơm gắn với truyền thống kiên cường, dũng cảm của con người Hà Tĩnh. Có lẽ cũng chính vì vậy mà trong những năm kháng chiến ác liệt, rú Cơm cũng gắn liền với nhiều sự kiện, là chứng tích chiến tranh quan trọng của vùng đất này. Lịch sử ghi rằng, ngày Quốc tế lao động 1- 5 – 1930, để hưởng ứng phong trào công nông Vinh – Bến Thủy, một số đảng viên Hà Tĩnh được giao nhiệm vụ đã bí mật rải truyền đơn và cắm cờ đỏ búa liềm trên đỉnh núi. Và sáng hôm sau khi bên bờ Bắc sông Lam dậy lên khí thế sục sôi đòi tự do cơm áo thì bên này cờ đỏ búa liềm cũng hiên ngang tung bay cổ vũ. Đây được coi là sự kiện mở đầu báo hiệu lửa cách mạng sục sôi trên địa bàn Hà Tĩnh thời kỳ ấy.

Về sau, trong chiến tranh chống Mỹ, bến Lách – rú Cơm một lần nữa lại là chứng tích với những ký ức đau thương mà rất đỗi anh hùng. Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc, bến Lách – rú Cơm đã sát cánh bên nhau, hiên ngang hứng chịu hàng ngàn tấn bom đạn, hàng trăm quả thủy lôi, hàng nghìn quả pháo sáng của giặc Mỹ. Để giữ mạch máu giao thông, đảm bảo cho từng chuyến phà vượt sông nối liền đường chi viện cho chiến trường miền Nam, bộ đội chủ lực đã bố trí 1 đài quan sát và 1 trung đội phòng không tầm thấp trên đỉnh rú Cơm. Và hẳn là trong những ngày ác liệt đó, linh hồn của ngọn rú cũng đã yểm trợ cho bộ đội ta như năm xưa từng hỗ trợ ông Đùng nên dẫu giặc Mỹ bắn phá ác liệt đến đâu, bộ đội ta vẫn kiên cường bám trụ và giành được nhiều thắng lợi. Từ trên đỉnh rú, bộ đội ta đã cùng lưới lửa thành phố Vinh bảo vệ bến phà, nhà máy và đặc biệt là đã bắn rơi 1 máy bay Mỹ. Không những thế, lòng núi còn trở thành nơi ẩn giấu người, xe và khí tài đạn được một cách an toàn.

Từ bến Lách, tôi đi dọc theo triền cát, ngoái nhìn lên ngọn rú huyền thoại, anh hùng và không thôi tự hỏi có mối tình nào keo sơn hơn tình sông núi. Ngọn rú này, khúc sông này đã từng thấm đẫm máu xương của bao nhiêu cô chú công nhân, bao nhiêu chiến sĩ bộ đội, an ninh và anh chị thanh niên xung phong ngày đêm bảo vệ phà, cho những chuyến xe an toàn ra Bắc vào Nam trong những năm chiến tranh chống Mĩ gian khổ, ác liệt. Và rú Cơm – bến Lách chính là chứng nhân ôm trọn vào lòng những tháng ngày lịch sử ấy. Sau khi làm tròn sứ mệnh lịch sử, bến phà Da Lách được thay bằng cây cầu lớn, rú Cơm cũng trở lại vẻ yên bình, hiền hòa vốn có của mình. Tuy nhiên trong hoài niệm của bao người vẫn có hình ảnh những chiếc phà mang cái tên rất đặc biệt đã chở cả một thế hệ, chở cả chặng đường lịch sử quê hương trên dòng Lam xanh.

Giữa đất trời vô thủy vô chung, nước trôi ra biển, rú có thể mòn nhưng tôi tin rằng mỗi hạt cát, mỗi hồn cây, mạch đá sẽ biết cách lưu giữ những giá trị lịch sử thiêng liêng của dân tộc để đời tiếp đời càng thấm thía sâu hơn truyền thống kiên cường chống đỡ mọi tác nhân gây hại cho đời sống con người. Dẫu vậy, tôi vẫn thầm ao ước ở bến Lách – rú Cơm sẽ có một công trình kiến trúc khắc họa lại những câu chuyện lịch sử năm nào như một sự tri ân với ân tình sông núi nơi đây…

Đọc thêm

Lệch chuẩn ngôn ngữ

Lệch chuẩn ngôn ngữ

Kho từ vựng của gen Z đang mang đến làn sóng sáng tạo mới trong ngôn ngữ, tạo dấu ấn, phong cách của người trẻ trong giao tiếp nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ lệch chuẩn nếu lạm dụng.
Tiết mục: Đêh Kô – Nhắn gửi yêu thương

Tiết mục: Đêh Kô – Nhắn gửi yêu thương

Tiết mục Đêh Kô – Nhắn gửi yêu thương (dân ca K’Ho Lạch) do Đoàn nghệ thuật Nam Tây Nguyên - tỉnh Lâm Đồng biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Những chiếc bánh độc lạ tại Cuộc thi đầu bếp bánh tài năng quốc tế tại Việt Nam

Những chiếc bánh độc lạ tại Cuộc thi đầu bếp bánh tài năng quốc tế tại Việt Nam

Ngày 11/12 tại TP Hồ Chí Minh, Liên chi hội Bánh Việt Nam (Hiệp hội Du lịch Việt Nam) và Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn (Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh) đã tổ chức Cuộc thi đầu bếp bánh tài năng quốc tế tại Việt Nam - The Vietnam Bakery Cup 2024 (VNBC), thu hút gần 500 đầu bếp trong và ngoài nước tham gia.
Đồng dao, múa phụ họa: Pàm - đi bắt tôm xúc cá

Đồng dao, múa phụ họa: Pàm - đi bắt tôm xúc cá

Đồng dao, múa phụ họa: Pàm - đi bắt tôm xúc cá của tác giả Y Soái (phát triển dân ca K’Ho Lạch), do đoàn nghệ thuật Nam Tây Nguyên - tỉnh Lâm Đồng biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Podcast truyện ngắn: Nẻo chênh vênh

Podcast truyện ngắn: Nẻo chênh vênh

Đèo Gió có bao nhiêu là gió, sao không thể cuốn hết chuyện cũ đi để mỗi lần nhìn vào mắt chồng, Hạnh lại thấy mình rơi tõm vào cái hố buồn sâu hun hút...
Diễn xướng dân ca ví, giặm: Gửi tình ta vào đất

Diễn xướng dân ca ví, giặm: Gửi tình ta vào đất

Diễn xướng dân ca ví, giặm: Gửi tình ta vào đất. Soạn lời: Nghệ sỹ Nhân dân An Ninh. Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Podcast tản văn: Ký ức gió mùa

Podcast tản văn: Ký ức gió mùa

Gió mùa về phố rồi tan vào mặt hồ, vào những con đường xa tít tắp để cả mùa đông ta cứ bâng khuâng tha thiết nhớ, một ký ức mang tên gió mùa…
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cay gừng trầu Nghệ

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cay nồng trầu Nghệ

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cay nồng trầu Nghệ do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.