P.V: Tháng 12/2024, Hà Tĩnh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 300 năm ngày sinh và đón nhận bằng vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Là người viết kịch bản văn học “Trăm năm ngàn năm Hải Thượng Lãn Ông” trong chương trình nghệ thuật tại lễ kỷ niệm, xin ông chia sẻ với bạn đọc Báo Hà Tĩnh về quá trình này?
Nhà văn Đức Ban: Trong viết văn có những điều lạ lắm. Anh có thể viết hàng chục, hàng trăm tác phẩm về một vấn đề, một sự kiện, một nhân vật... nào đó khởi thủy từ cảm giác, cảm xúc, ý tưởng nghệ thuật. Nhưng bảo có cơ duyên với vấn đề, sự kiện, nhân vật ấy thì hiếm. Ngẫm lại trong đời văn của mình, tôi có cơ duyên đẹp đẽ viết về Đại danh y Lê Hữu Trác.
Năm 2014, chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 290 năm Ngày sinh Đại danh y Lê Hữu Trác, Sở VH-TT&DL đề nghị tôi viết lời để nhạc sĩ Ngọc Thịnh làm ca khúc phục vụ lễ kỷ niệm. Tôi lên Hương Sơn mấy ngày, trở về viết ca từ. Và ca khúc “Trăm năm ngàn năm Hải Thượng Lãn Ông” với âm nhạc của Ngọc Thịnh ra đời, gây ấn tượng khá mạnh tại lễ kỷ niệm và mãi về sau. Đến đầu năm 2024, lại thêm một cơ duyên. Chuyện là một hôm, tôi ngồi cùng xe với ông Lê Ngọc Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, nguyên Giám đốc Sở Y tế, từng có nhiều trăn trở vận dụng y học cổ truyền vào khám chữa bệnh cho Nhân dân, từng chủ trì nhiều hội thảo khoa học về Hải Thượng Lãn Ông. Ông nói với tôi về kế hoạch tổ chức Lễ kỷ niệm 300 năm ngày sinh và đón nhận bằng vinh danh của UNESCO đối với Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác vào cuối năm 2024 với những băn khoăn, cả lo lắng của một bác sĩ, một người phụ trách lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật. Rồi ông nói với tôi: “Bác viết kịch bản nghệ thuật cho buổi lễ quan trọng ấy được không?”. Tôi im lặng. Một tháng sau, sau nhiều cân nhắc, nghĩ suy, tôi mới nhận lời...
P.V: Sao ông băn khoăn, lo lắng, nghĩ suy khá lâu vậy?
Nhà văn Đức Ban: - Ngợp!
P.V: Và đó là khó khăn của ông?
Nhà văn Đức Ban: Phải. Trước đây, tôi đã viết kịch dài về “La sơn Nguyễn Biểu” - một vị tướng tràn đầy nghĩa khí chống giặc Minh xâm lược và “Lửa Ngàn Trươi” viết về vị anh hùng, thủ lĩnh phong trào Cần Vương - Phan Đình Phùng cùng kịch bản một số chương trình nghệ thuật khác. Nhưng danh nhân Lê Hữu Trác thì khác. Ông là một trí thức thời quân chủ, chí khí giang hồ gặp thời tao loạn, quay lưng với công danh, phú quý về ẩn mình nơi thôn dã. Một mẫu hình danh y tận hiến. Một mẫu hình nhà văn sáng tạo. Một mẫu hình nhà nho - ẩn sĩ thanh cao. Một tấm lòng bao dung, trắc ẩn, ngổn ngang tâm sự trước thời thế và nhân tình… Tất cả đã trở thành giá trị phổ cập, thành ý tưởng khởi nguồn trong bản thể con người Lê Hữu Trác, nhìn đâu cũng thấy ra bản sắc văn hóa cá nhân Lê Hữu Trác giữa một thế giới hiện thực của một thời và mọi thời. Viết về ông, tài năng nhỏ bé như tôi không ngợp mới lạ.
P.V: Ông có thể tóm lược nội dung kịch bản “Trăm năm ngàn năm Hải Thượng Lãn Ông”?
Nhà văn Đức Ban: Kịch bản thể hiện chân dung Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, một Đại danh y, một nhà thơ, nhà văn xuất sắc, nhà văn hóa lớn của Việt Nam. Cuộc đời, sự nghiệp trước tác của ông đã để lại cho hậu thế một di sản y học, văn hóa, văn chương đồ sộ mang tầm quốc tế. Để khắc họa được chân dung một nhân vật độc đáo có một không hai trong lịch sử trung đại cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, tôi đã bố cục kịch bản thành 4 phần.
Phần 1: “Lời ru” với nội dung linh khí Hà Tĩnh, Hưng Yên, phẩm tính cha mẹ, dòng họ Lê Hữu đã nuôi dưỡng Lê Hữu Trác. Phần 2: “Y tông tâm lĩnh”: đạo làm thuốc và tài năng lỗi lạc về y, dược của Lê Hữu Trác. Phần 3: “Thượng kinh ký sự”: tài năng văn chương, tri thức văn hóa lỗi lạc của Lê Hữu Trác. Phần kết: “Thênh thang một cánh diều”: Lê Hữu Trác rời cõi tạm về trời trong tiếng sáo diều và lòng tiếc thương vô hạn của nhân quần. Xin nói thêm một cơ duyên của tôi khi viết kịch bản “Trăm năm ngàn năm Hải Thượng Lãn Ông” là gặp một đạo diễn tài năng, đầy kinh nghiệm - nhà viết kịch, đạo diễn Vũ Hải.
P.V: Cảm ơn nhà văn. Chúc ông trong đời viết văn tiếp tục gặp được nhiều cơ duyên!