"Ao làng" Ngoại hạng Anh: Ai cũng muốn tắm

Premier League của nước Anh càng giàu có, hào nhoáng, CLB của họ lại càng thất thế khi tham dự các cúp châu Âu, đội tuyển quốc gia của họ thì mãi mãi là con hổ giấy. Chuyện đó không còn mới lạ nữa. Và rồi sẽ đến lúc, họ xem điều này là... bình thường.

Khi Anh tách khỏi Liên minh châu Âu với từ khóa “Brexit” cách đây ít lâu, nhiều người đã tỏ ra lo âu cho Premier League, bởi vì luật lao động của họ có thể sẽ ảnh hưởng đến việc các cầu thủ nước ngoài đến Anh thi đấu. Nhưng những người đang làm bóng đá Anh không hề lo âu. Bóng đá không phải là chính trị và luật lệ đều do con người đặt ra.

Huống chi, việc Anh tự tách mình ra càng thể hiện một thái độ rất rõ ràng của người Anh. Họ tự nhận thấy mình khác biệt. Premier League rõ ràng cũng là một nguyên nhân khiến họ nghĩ như thế. Lần cuối cùng nước Anh có một đội vô địch Champions League đã là nửa... thập kỷ trước (Chelsea năm 2012). Nhưng đâu có sao, những cầu thủ hàng đầu vẫn kéo về đó. Năm nay, khi chạy các chương trình quảng cáo, hình ảnh các ngôi sao ngoài sân cỏ đã được thay thế bởi những ngôi sao... trên đường pitch, tức các HLV. Premier League giờ đã trở thành môi trường của những HLV xuất sắc nhất thế giới.

Với các HLV này, vô địch Premier League mới là thành tựu cao nhất, sau đó rồi mới đến Champions League. Danh giá của Premier League đang ngày càng tăng cao. Tiền thưởng từ nó quá cao, những hợp đồng quảng cáo, hợp đồng truyền hình càng khiến cho các CLB giàu thêm. Những gì từng xảy ra với Serie A những năm chuyển giao thế kỷ đang tái hiện ở nước Anh, nhưng với một cấp độ cao hơn gấp bội. Quả bom tài chính sẽ phát nổ, Premier League sẽ khủng hoảng như Serie A? Đấy là chuyện xa rất xa.

Champions League không còn là sân chơi của người Anh

Người Anh từng nghĩ đến chuyện... nghỉ chơi Champions League. Họ sẽ lập ra một giải đấu mới, quy tụ những CLB mạnh nhất Premier League, rồi mời một số CLB khách mời tham gia với họ. Nếu giải đấu đó có tiền thưởng và bản quyền truyền hình cũng cao ngất ngưởng như chính Premier League, những Bayern Munich, Real Madrid, Juventus liệu có dám nói “không”? Và một ngày nào đó, liệu Champions League có phải khổ sở vì chính cái giải đấu mới toanh mà người Anh lập ra, ban đầu chỉ để khỏa lấp cho việc sớm bị loại ở Champions League?

Champions League tất nhiên vẫn là một giải đấu truyền thống. Nhưng chúng ta đang sống trong một thời đại mà truyền thống đang giảm dần giá trị. Man City làm gì có cái gọi là truyền thống. Pep Guardiola vẫn đến đó, vẫn hồn nhiên phát biểu là “tôi đã muốn chơi bóng ở đây từ khi còn là cầu thủ, vì thế đến Anh là một giấc mơ”. Juergen Klopp nghỉ ngơi sau khi rời Dortmund, suy nghĩ nát nước rồi cũng đến Liverpool ngay giữa mùa bóng. Bao nhiêu người có thể nói không với các đội bóng Anh?

Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay, đấy là triết lý của những tỷ phú ở Man City và Chelsea, cũng như những nhà tài phiệt sẽ ngày càng xuất hiện đông đảo ở Anh. Leicester City của các ông chủ Thái Lan vài năm trước còn đá ở giải hạng Nhất, lập tức vô địch Premier League ngay sau một mùa suýt rớt hạng.

Kịch tính ấy càng làm tăng giá trị cho giải Ngoại hạng. Các nhãn hàng vẫn luôn hướng đến sự khác biệt, kêu gọi mọi người hãy mạnh dạn ước mơ, hô hào “không gì là không thể” lại càng mê mẩn giải đấu ấy. Rồi sẽ có lúc, các CLB Anh không còn cảm thấy buồn hay xấu hổ vì bị loại ở Champions League. Cứ “ta về ta tắm ao ta” thôi. Mà đấy đâu phải là ao thường, mà là ao vàng, ao bạc, một cái ao mà ai cũng... muốn tắm.

Theo Bongda+

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói