Ba kịch bản chấm dứt cuộc chiến tại “chảo lửa” Idlib

Thổ Nhĩ Kỳ vừa muốn ngăn cản sự tiến công của các lực lượng Chính phủ Syria, nhưng đồng thời không thể mạo hiểm đối đầu với Nga.

Ba kịch bản chấm dứt cuộc chiến tại “chảo lửa” Idlib

Đoàn xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tại làng Hazano tiến gần tới Idlib, Syria ngày 11/2/2020. Ảnh: Reuters

Theo báo Aljazeera, trong một vài tuần trở lại đây, chảo lửa Idlib tại Tây Bắc Syria dường như bước vào giai đoạn mới. Lực lượng quân đội của chính phủ nước này, được Nga hậu thuẫn, đã đẩy mạnh chiến dịch giành lại các tuyến đường cao tốc chiến lược M4 và M5, nối liền thành phố Latakia và thủ đô Damascus tới Aleppo.

Chiến thắng của quân đội Chính phủ Syria là kết quả của chiến dịch không kích nhằm vào thành trì cuối cùng của lực lượng đối lập Syria. Chiến dịch không kích này đã khiến hàng chục tay súng đối lập và 13 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng, cũng như hàng trăm nghìn người dân chạy tháo chạy về phía biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này đã buộc Ankara phải hành động.

Trước đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã cử một vài đoàn xe quân sự sang lãnh thổ Syria, tăng cường các đồn quan sát ở phía Tây Bắc và hình thành những đồn quan sát mới trong khu vực do lực lượng đối lập Syria kiểm soát.

Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại mục tiêu cuối cùng của Nga là bao vây phe đối lập và cắt đứt các tuyến tiếp tế chính từ lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria. Giờ đây, Ankara phải cân nhắc các lựa chọn để ngăn chặn sự thất bại hoàn toàn của các đồng minh Syria đồng thời không tạo ra một cuộc đối đầu với Nga.

Vùng giảm leo thang cuối cùng

Idlib là 1 trong 4 vùng giảm leo thang căng thẳng trước đó nằm trong thỏa thuận của Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được vào năm 2017. Hiện Idlib thuộc quyền kiểm soát của phe đối lập vũ trang, trong khi 3 vùng giảm leo thang khác là Đông Ghouta, Rastan và Talbiseh đã được quân đội Chính phủ Syria giành lại sau hơn 1 năm giao tranh.

Năm 2018, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đạt được một thỏa thuận với Nga thiết lập vùng phi quân sự tại Idlib. Đổi lại, Ankara cam kết sẽ thu hồi vũ khí và đưa nhóm vũ trang Hay"et Tahrir al-Sham (HTS) có liên quan đến tổ chức khủng bố al-Qaeda ra khỏi vùng phi quân sự. Hai bên cũng nhất trí mở lại tuyến đường cao tốc M4 và M5 cho các hoạt động giao thương.

Tuy nhiên, thỏa thuận này chưa bao giờ được thực hiện hoàn toàn. Thổ Nhĩ Kỳ không thể bắt các tay súng HTC tuân thủ quy định rời khỏi, trong khi Moskva không ngăn được các cuộc tiến công của lực lượng Chính phủ Syria.

Với tình hình này, leo thang tại Idlib là không thể tránh khỏi. Nhưng không giống như những lần giành lại các vùng lãnh thổ đợt trước, thất bại tại Idlib sẽ là một thảm họa cho Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này đồng nghĩa với việc phe đối lập vũ trang Syria đã bị đánh bại hoàn toàn và không có tư cách tham gia vào các vòng đàm phán dẫn tới một giải pháp cuối cùng cho Syria hậu chiến tranh. Tất nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ bị gạt sang một bên, không có tiếng nói trong các cuộc đàm phán và đây sẽ là thiệt hại ngoại giao nặng nề đối với Ankara sau từng đấy năm tham gia xung đột.

Bên cạnh đó, một khi Chính phủ Syria tiếp quản Idlib, ba triệu dân thường tại khu vực này sẽ đổ về phía biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Do thái độ thù địch trong nước ngày càng tăng đối với người tị nạn Syria, Thổ Nhĩ Kỳ không đủ khả năng tiếp nhận thêm nhiều người Syria trên lãnh thổ của mình.

Mối quan hệ Thổ - Nga

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ từ chối một giải pháp quân sự tại Tây Bắc Syria, song nước này cũng không thể mạo hiểm đối đầu với Nga. Năm 2015, Ankara đã từng phải trả giá đắt khi quân đội nước này bắn hạ một máy bay chiến đấu Nga ở gần biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ. Điện Kremlin đã cấm nhập khẩu các mặt hàng Thổ Nhĩ Kỳ và khuyến cáo người dân không tới Thổ Nhĩ Kỳ du lịch, gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế nước này.

Cùng lúc, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ không hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ trong thời kỳ căng thẳng với Nga. Bị đồng minh lâu đời cô lập, Ankara xuống thang, cải thiện mối quan hệ với Moskva bằng lời xin lỗi của Tổng thống Erdogan.

Ba kịch bản tại Idlib

Dưới sức ép ngăn cản sự tiến công của quân đội chính phủ Idlib và mong muốn giữ mối quan hệ với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ không có nhiều lựa chọn. Trong thời điểm này, dường như chỉ có 3 kịch bản khả quan.

Kịch bản đầu tiên có lợi nhất cho Thổ Nhĩ Kỳ là Nga nhất trí duy trì thỏa thuận khu vực giảm leo thang ở Idlib và kêu gọi lực lượng quân đội chính phủ Syria quay trở lại vị trí trước đó. Động thái này có thể kết hợp với sự khôi phục quá trình chính trị và mở lại các cuộc họp của ủy ban hiến pháp, được giao nhiệm vụ soạn thảo sửa đổi hiến pháp Syria trước đó được chính quyền Damascus, phe đối lập vũ trang và cộng đồng quốc tế nhất trí. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá cơ hội này khá mong manh.

Kịch bản thứ hai là Thổ Nhĩ Kỳ phải chấp nhận một hiện thực mới với sự tiến công của quân đội Chính phủ Syria giành được quyền kiểm soát hai tuyến đường cao tốc M4, M5. Tuy nhiên, Ankara vẫn có thể thiết lập một “khu vực an toàn” tại Idlib bằng cách tăng cường các vị trí phòng thủ dọc theo tiền tuyến và hậu thuẫn phe đối lập Syria thêm nhiều vũ khí hạng nặng, đặc biệt là tên lửa phòng không. Dường như Ankara đang áp dụng chính sách này khi mới đây, hai trực thăng của quân đội Syria được cho là bắn hạ bởi vũ khí phòng không.

Kịch bản thứ 3 – và là kịch bản Thổ Nhĩ Kỳ không mong muốn nhất – là một cuộc đối đầu căng thẳng với Nga. Sự hiện diện của vũ khí phòng không Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Syria làm tăng nguy cơ máy bay Nga bị bắn hạ. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắt buộc phải cận trọng để tránh không lặp lại sai lầm như sự kiện 2015.

Theo Báo Tin tức

Đọc thêm

Bước chân người lính tràn đầy niềm tin

Bước chân người lính tràn đầy niềm tin

Với chất lượng tuyển chọn cao, những thanh niên Hà Tĩnh đang thực hiện khát vọng và trách nhiệm với quê hương, đất nước, sẵn sàng cống hiến sức trẻ, trí tuệ, làm tròn trách nhiệm của công dân với Tổ quốc.
Tiếp bước cha anh, hát vang khúc quân hành…

Tiếp bước cha anh, hát vang khúc quân hành…

Tiếp bước cha anh, 1.568 người con ưu tú trên quê hương Hà Tĩnh đã nô nức lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Hành trang của những người lính trẻ mang theo là hình bóng quê hương thân yêu, những lời hứa danh dự với người ở lại, dòng máu cách mạng luôn sục sôi, sức trẻ đầy khát khao cống hiến và quyết tâm bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng…
Tổ quốc gọi thanh niên sẵn sàng

Tổ quốc gọi thanh niên sẵn sàng

Trong không khí trang trọng, các tân binh Hà Tĩnh bịn rịn chia tay gia đình, người thân, nhưng ánh mắt rạng ngời quyết tâm. Những cái ôm chặt, những lời dặn dò đầy yêu thương tiếp thêm động lực để họ vững bước lên đường, sẵn sàng cống hiến cho Tổ quốc.
Nâng mức hưởng các chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ

Nâng mức hưởng các chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ

Nghị định số 16/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ.
Thanh niên Hà Tĩnh háo hức chờ ngày lên đường tòng quân

Thanh niên Hà Tĩnh háo hức chờ ngày lên đường tòng quân

Ngày 14/2 tới, 1.300 công dân trúng tuyển nghĩa vụ quân sự ở 12 huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh sẽ lên đường làm nhiệm vụ. Qua nắm bắt, hầu hết công dân trúng tuyển đã cơ bản thu xếp xong việc riêng, háo hức chờ ngày lên đường trong tâm thế sẵn sàng.
Biên cương bình yên

Biên cương bình yên

Dưới sự bảo vệ của những người lính quân hàm xanh, biên cương Hà Tĩnh đón xuân Ất Tỵ 2025 trong đầm ấm, yên bình. Năm mới, khí thế mới, quân và dân vùng “phên dậu” tiếp tục đoàn kết, chung sức phát triển, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Những người lính đón Tết giữa trùng khơi

Những người lính đón Tết giữa trùng khơi

Dù đón Tết giữa trùng khơi, song những người lính Hải đội 102 (đóng tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vẫn hạnh phúc, tự hào, sát cánh cùng nhau bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.
Tết của lính cảnh sát biển ở Hà Tĩnh

Tết của lính cảnh sát biển ở Hà Tĩnh

Tết nơi đầu sóng của các cán bộ, chiến sỹ Hải đội 102 - Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 1 (đóng tại xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) dù có phần đơn sơ, giản dị nhưng lại tràn ngập niềm tự hào, chan chứa tình đồng đội, tình quân dân.