Ba MXH đang nhăm nhe vị trí của Facebook

Ngoài TikTok, Facebook còn đối mặt với cạnh tranh lớn từ các tên tuổi mạng xã hội mới nổi như Parler, Discord.  

Ba MXH đang nhăm nhe vị trí của Facebook

Sau cuộc bầu cử Mỹ, hàng triệu người nhanh chóng đăng ký tài khoản trên mạng xã hội Parler do họ tin rằng các cuộc thảo luận của mình bị Facebook, Twitter kiểm duyệt. Facebook và Twitter đã dán nhãn hoặc ẩn bài viết từ Tổng thống Mỹ Donald Trump và những nội dung khác tranh luận về kết quả bầu cử Tổng thống 2020.

Việc này giúp Parler nhanh chóng leo lên dẫn dầu bảng xếp hạng ứng dụng miễn phí của App Store đầu tuần trước. Nó cho thấy các startup đang cố gắng khai thác các thị trường trọng điểm mà Facebook còn thiếu sót, chẳng hạn Snapchat hay TikTok.

Truất ngôi Facebook không phải nhiệm vụ dễ dàng, nhiều người đã thất bại, kể cả Google. Facebook hiện có tổng cộng hơn 3 tỷ người dùng hàng tháng, trải dài trên các dịch vụ như Instagram và WhatsApp. Không một đối thủ nào tiệm cận Facebook về số liệu này. Ngoài ra, công ty còn thường bắt chước tính năng “hot” của đối thủ và dùng chúng để giữ chân người dùng.

Dù vậy, dưới đây là ba kẻ thách thức Facebook mới nhất và đáng theo dõi:

TikTok

TikTok có lẽ là nguy cơ lớn nhất đối với Facebook. Ứng dụng hiển thị dòng video dường như vô tận với hiệu ứng hình ảnh và âm thanh sống động. Chỉ trong vài năm, TikTok nổi lên như một trong các ứng dụng phổ biến nhất dành cho thanh thiếu niên trên mạng.

TikTok và Douyin – phiên bản tại Trung Quốc – có 980 triệu người dùng hàng tháng (MAU) tính đến tháng 9/2020, tăng từ 670 triệu một năm trước đó, theo dữ liệu của App Annie. Với đà tăng này, MAU của TikTok có thể vượt 1 tỷ vào năm 2021.

Facebook đã để ý đến tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của TikTok. Tháng 8, mạng xã hội của Mark Zuckerberg đáp trả bằng Reels, tính năng trên Instagram sao chép TikTok. Facebook đang dùng đúng cách tiếp cận như khi hủy hoại Snapchat bằng cách đưa Story lên Instagram.

Bên cạnh Facebook, TikTok còn đối diện với trở ngại pháp lý do công ty mẹ ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc. Dù thoát khỏi lệnh đóng cửa của Tổng thống Donald Trump, chưa rõ tương lai ứng dụng sẽ về đâu dưới thời Tổng thống Joe Biden.

Parler

Như đã đề cập ở trên, nhờ hiệu ứng của cuộc bầu cử Mỹ, Parler ghi nhận tổng số người dùng đăng ký tăng từ 4,5 triệu lên 8 triệu.

Cũng như Facebook và Twitter, Parler cung cấp các tính năng mạng xã hội tiêu chuẩn. Nó có một bảng tin, nơi bạn xem bài viết, ảnh và video từ người dùng mà bạn theo dõi. Nhược điểm lớn nhất của Parler là nó tự định vị như một mạng xã hội “anti” Facebook và Twitter.

Mô tả ứng dụng trên App Store viết “Parler là mạng xã hội tự do ngôn luận, không thiên vị, tập trung bảo vệ quyền lợi người dùng”. Parler không phải ứng dụng đầu tiên dành cho những người bảo thủ. 4 năm trước, Gab cũng có mục đích tương tự và tăng trưởng cho tới khi xảy ra vụ xả súng tại Pittsburg khiến 11 người thiệt mạng năm 2018. Tay súng Robert Gregory Bowers đã đăng thông tin lên tài khoản Gab 1 tiếng trước khi tấn công.

Sau vụ việc, Gab bị nhà cung cấp hosting và nhà cung cấp dịch vụ thanh toán “đá”, khiến dịch vụ phải dừng hoạt động và không bao giờ phục hồi. Với nền tảng người dùng bảo thủ lớn, Parler sẽ phải cân bằng giữa tự do ngôn luận và bảo đảm hoạt động trực tuyến của họ không gây ra sự kiện đáng tiếc như Gab dẫn đến đóng cửa.

Discord

Một ứng dụng mạng xã hội đang phát triển nhanh chóng khác là Discord, cho phép người dùng tạo ra các “máy chủ” nơi bạn bè trò chuyện trong phòng chat hay gọi thoại, video. Ứng dụng đặc biệt phổ biến trong giới game thủ, những người dùng tính năng gọi thoại, video để kết nối với bạn bè trong khi đang chơi game cùng nhau.

Discord hiện có hơn 100 triệu MAU, tăng gần 79% so với tháng 11/2019. Công ty khẳng định họ không phải mạng xã hội mà thiên về dịch vụ liên lạc hơn vì về cơ bản, nó hoạt động khác với các mạng xã hội khác. Nó không chạy quảng cáo hay dựa vào bảng tin để hiển thị nội dung. Thay vào đó, nó kiếm tiền từ thu phí người dùng 9,99 USD/tháng cho dịch vụ thuê bao Nitro.

Discord có thể không tự nhận là mạng xã hội song Facebook lại nghĩ khác. Công ty ngày càng xem video game là một phần quan trọng, cung cấp dịch vụ livestreaming, game đám mây, chat video 50 người.

Theo ictnews/(Theo CNBC)

Đọc thêm

Hàng hiếm iPhone không có logo Apple

Hàng hiếm iPhone không có logo Apple

Một nguyên mẫu iPhone được cho là phiên bản thử nghiệm tính năng nút cảm ứng, dùng logo biểu tượng Vesica Piscis thay quả táo.
Smartphone giá rẻ rồi cũng có AI

Smartphone giá rẻ rồi cũng có AI

Đến năm 2028, 90% smartphone giá trên 250 USD sẽ trang bị những tính năng AI tạo sinh, vốn chỉ đang có mặt trên các dòng cao cấp.
iPhone SE 4 có gây bất ngờ?

iPhone SE 4 có gây bất ngờ?

Dù chưa có tin đồn xác thực, ảnh chụp mô hình của iPhone SE 4 cho thấy có khả năng mẫu iPhone giá rẻ có thêm phiên bản màn hình lớn với kích thước 6,7 inch.
Giá cước 5G thế nào so với 4G?

Giá cước 5G thế nào so với 4G?

Gói 5G thấp nhất giá 135.000 đồng, cao gần gấp đôi mức 70.000 đồng của gói 4G, nhưng dung lượng nhiều gấp tám lần, kèm nhiều tiện ích.
'Cú lừa' mới của YouTube với quảng cáo

'Cú lừa' mới của YouTube với quảng cáo

YouTube đang thử nghiệm loại bỏ bộ đếm thời gian hình tròn hiển thị trước khi người dùng nhấn nút bỏ qua quảng cáo trên cả phiên bản máy tính và di động.
Nhiều khu vực xuất hiện sóng 5G

Nhiều khu vực xuất hiện sóng 5G

Thiết bị của người dùng tại nhiều khu vực ở Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh thành bất ngờ bắt được sóng 5G, dù công nghệ kết nối này chưa triển khai chính thức.
Chờ đợi gì ở M4 MacBook Pro?

Chờ đợi gì ở M4 MacBook Pro?

Người dùng đang chờ đợi nhiều cập nhật và thay đổi ở M4 MacBook Pro, chiếc máy tính sắp được Apple trình làng.