Vấn đề với cáp quang biển IA được phát hiện từ ngày 18/2. Theo đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet Việt Nam, lỗi xảy ra trên hướng kết nối đi Hong Kong và việc khắc phục dự kiến kéo dài một tuần, tức sẽ hoàn thành vào cuối tháng 2.
IA còn có tên gọi khác là cáp Liên Á (Intra Asia), được sử dụng từ năm 2009 và có chiều dài hơn 6,7 nghìn km, kết nối Singapore, Việt Nam, Philippines, Hong Kong. Ở Việt Nam, IA cập bến tại Vũng Tàu.
Sự cố với IA diễn ra trong giai đoạn hai tuyến cáp quang biển khác là AAG và APG vẫn chưa được xử lý. Theo một nguồn tin trong ngành, APG gặp sự cố trên phân đoạn cách Hong Kong khoảng 125 km từ ngày 13/12 nhưng dự kiến quá trình khắc phục chỉ hoàn thành vào ngày 24/2.
Trong khi đó, AAG đang gặp lỗi trên nhánh S1I và các đơn vị liên quan sẽ tiến hành khắc phục từ ngày 25/2 đến 13/3.
Tốc độ Internet đo vào chiều 23/2 tại một địa điểm ở Cầu Giấy, Hà Nội.
Nhiều người phản ánh thường xuyên gặp tình trạng truy cập đến các dịch vụ quốc tế bị chậm, nhất là các dịch vụ lưu trữ hoặc phát video như Google Drive, Netflix... hoặc gặp hiện tượng “ping cao” khi chơi game online. Một số cho biết vấn đề này kéo dài trong những ngày gần đây, đặc biệt vào buổi tối.
Theo ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), việc ba tuyến cáp biển cùng gặp sự cố khiến dung lượng đi quốc tế của Việt Nam bị ảnh hưởng. Tuy nhiên sự ảnh hưởng sẽ có tính chất cục bộ và ở một số giai đoạn nhất định.
“Các nhà mạng ở Việt Nam thực tế đã quen ứng phó với các tình trạng này. Họ sẽ từng bước bổ sung dung lượng qua các hướng cáp biển còn lại và các hướng cáp đất liền”, ông Bình nói.
Về lâu dài, theo đại diện hiệp hội, các nhà mạng lớn đều đã có lộ trình đầu tư thêm các tuyến cáp biển khác để mở rộng kết nối và dung lượng kết nối quốc tế của Việt Nam nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng tăng, đặc biệt là phục hồi kinh tế sau đại dịch. Ông Bình cũng cho biết các nhà mạng đang tăng cường các giải pháp như Caching, CDN, để đưa dữ liệu về gần người dùng hơn, giảm phụ thuộc nhiều vào lưu lượng quốc tế, cũng như tìm cách cổ vũ các ứng dụng, nội dung nội địa.
Tinh trạng ba tuyến cáp cùng gặp sự cố từng xảy ra cuối năm 2019. Khi đó, các tuyến AAG, IA và AAE-1 bị lỗi hoặc đứt, khiến truy cập Internet quốc tế của người dùng trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Cáp quang biển tại Việt Nam hiện vẫn được đánh giá là thiếu và yếu. Tại sự kiện Internet Day cuối năm 2021, đại diện Viettel Networks cho biết cáp quang biển tại Việt Nam gặp sự cố 10 lần mỗi năm , mỗi lần sửa kéo dài cả tháng. Điều này khiến nhà mạng chỉ khai thác sử dụng được 3/4 khả năng của tuyến cáp đó.
Việt Nam hiện có 7 tuyến cáp quang biển phục vụ hơn 97 triệu dân, tức trung bình 14 triệu dân trên một tuyến cáp. Con số này ở mức thấp so với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, trong khi nhu cầu sử dụng Internet tại Việt Nam ngày càng tăng.
Theo đại diện Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông, để nâng cao chất lượng Internet băng rộng, doanh nghiệp viễn thông cần thực hiện bốn giải pháp: nâng cấp băng thông với mục tiêu phủ đại trà hơn 70% người dùng gói cước 100 Mb/giây năm 2022; thay thế modem/router cũ bằng mẫu mới hỗ trợ băng tần kép 2,4 và 5 GHz; tăng cường tuyến cáp quốc tế, sửa đổi quy chuẩn để nâng cao chất lượng.
Ngoài ra, người dùng được khuyến nghị đẩy mạnh sử dụng các sản phẩm công nghệ trong nước để hạn chế ảnh hưởng khi kết nối quốc tế có vấn đề.