Người là Cha, là Bác, là Anh
Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ
(Tố Hữu)
Bác Hồ với công nhân ngành Đường sắt. Ảnh tư liệu
Có lần đồng chí Vũ Kỳ - Thư ký riêng của Bác kể: Bác tuy bận trăm công nghìn việc, nhưng khi nghe cục phục vụ báo cáo có một đồng chí cán bộ phục vụ tốt, tận tình với công việc, nhưng không an tâm công tác, vì vợ của thủ trưởng hay chê bai về ăn uống. Trong mấy năm phục vụ, cô chưa nhận được một lời động viên, mặc dù đã cố gắng hết sức.
Khi nghe xong câu chuyện, chờ đến chủ nhật, Bác nói với nhà bếp chuẩn bị cho Bác thức ăn của 3 người, rồi cho anh em phục vụ nghỉ, để Bác tiếp khách. Thấy anh em băn khoăn, Bác bảo: “Các chú không phải lo, Bác đã có người nấu nướng”. Rồi Bác bảo Đồng chí Vũ Kỳ sang mời vợ chồng chú X. chiều sang ăn cơm với Bác, nhưng 3h chiều phải có mặt.
Khi khách đến, Bác hỏi thăm sức khỏe vị phu nhân, hỏi thăm công việc của cô có bận lắm không? Có vất vả lắm không? Sau đó Bác nói: “Chiều nay, Bác mời cô chú đến ăn cơm, nhưng cấp dưỡng Bác cho nghỉ, Bác và cô chú cùng vào bếp tự nấu lấy ăn”.
Thế rồi Bác đi trước xuống bếp. Bác bảo: “Thức ăn các đồng chí cấp dưỡng đã chuẩn bị sẵn, chúng ta chỉ nấu thôi”. Vị phu nhân chưa vào bếp bao giờ nên tay long ngóng, làm việc vất vả, mồ hôi nhễ nhại. Sau bữa cơm. Bác cảm ơn 2 người đã sang ăn cơm với Bác, rồi nói: “Làm bếp cũng khó khăn và vất vả đấy cô X. nhỉ”.
“Bác làm Chủ tịch nước có cái vất vả của Bác, chú X là bộ đội có cái vất vả của một người lính, cô làm cán bộ có cái vất vả của cán bộ, người phụ nữ ngoài công việc ở cơ quan còn công việc gia đình, chăm lo con cái. Người cấp dưỡng có cái vất vả của họ. Họ còn đứng bếp rất nóng, về nhà còn việc nhà, chăm sóc chồng con... »
Khi lên xe, ông X. nói với vợ: “Hôm nay, Bác giáo dục em đấy, cũng là một bài học sâu sắc em cần rút kinh nghiệm…”. Sau một thời gian Bác hỏi lại, cục phục vụ báo cáo với Bác: “Sau buổi gặp Bác về, chị X. luôn gần gũi, vui vẻ, thân tình, cởi mở với người phục vụ, có khi còn động viên anh chị em nữa”.
Bác Hồ nói chuyện về tình hình cách mạng trong nước và thế giới với cán bộ, chiến sỹ bảo vệ và phục vụ những ngày ở Chiến khu Việt Bắc (Ảnh tư liệu)
Một câu chuyện khác: Hồi ở chiến khu Việt Bắc, có lần Bác nghe: Một cán bộ cao cấp trong quân đội đánh giặc giỏi, phẩm chất tốt, nhưng rất nóng tính, hay mắng cấp dưới, Bác mời lên gặp và yêu cầu mười giờ sáng phải có mặt. Sau đó Bác dặn bảo vệ: “Hôm nay Bác có việc đột xuất nên khi chú T. đến bảo ngồi chờ Bác 12h mới vào”.
Đồng chí T. đến đúng giờ, bảo vệ nói như lời Bác dặn. Đồng chí cán bộ thấy khó chịu nhưng đành phải chờ. Đúng giờ, ra tận cửa đón khách, Bác bảo: “Chú đi đường xa có mệt không, trời hôm nay hơi nóng”. «Chú ngồi, để Bác đi lấy nước cho chú uống ». Rồi Bác lấy một cốc nước sôi đưa cho khách và một cốc nước nguội cho mình. Khi khách dơ tay định lấy cốc nước nguội uống, Bác bảo: “Ấy, cốc này của Bác”. Đồng chí cán bộ liền nói: “Nóng như vậy ai mà chịu được”. Bác liền bảo: “Nóng như vậy thì cấp trên, cấp dưới đều không chịu được chú nhỉ?”
Sau một lúc nói chuyện, đồng chí cán bộ xin phép Bác ra về. Bác nói: « Chú đừng nóng, Bác cũng bận nhiều việc, chú cũng nhiều việc, hôm nay Bác mời chú lên để hỏi tình hình của đơn vị. Bác sẵn sàng ngồi nghe chú nói, tuy có quá giờ, nhưng Bác rất cần nghe tình hình của đơn vị ». Đồng chí cán bộ nói: “Thưa Bác, hôm nay Bác gọi cháu lên đây để sửa cái nóng tính của cháu đối với cấp dưới, cháu đã thấm lắm rồi, Bác yên tâm, từ hôm nay cháu xin sửa khuyết điểm”.
Bác cười đôn hậu rồi đứng dậy bắt tay tiễn khách. Bác nói: “Bác đã bảo văn phòng chuẩn bị cơm trưa cho đoàn của chú rồi, sang ăn cơm rồi về kẻo đói”…
Khoảng một tuần sau Bác nhận được tin đồng chí T. khi về đến đơn vị họp cơ quan, kể lại chuyện gặp Bác và cốc nước nóng Bác mời, cả hội trường không nhịn được cười. Thủ trưởng T. xin lỗi anh chị em trong đơn vị và hứa từ nay sẽ sửa khuyết điểm nóng tính của mình…