Bác Hồ và câu chuyện khen thưởng

(Baohatinh.vn) - Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm đến việc biểu dương và phát huy tác dụng người tốt, việc tốt. Tuy nhiên, Người luôn căn dặn, khen thưởng phải chính xác, kịp thời, đúng người, đúng việc. Có vậy mới có tác dụng giáo dục, cổ vũ tinh thần thi đua.

Bác Hồ và câu chuyện khen thưởng

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước (Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua lần thứ IV) diễn ra tại Hà Nội tháng 1/1967. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Ông Tô Công - nguyên Phó Viện trưởng Viện Huân chương nhớ lại, cuối tháng 8/1964, khi đơn vị trình Bác Hồ ký lệnh khen thưởng 225 Huân chương Lao động về thành tích thực hiện kế hoạch nhà nước, kịp công bố dịp Quốc khánh 2/9, Bác hỏi ngay đến việc kiểm tra.

Thấy viện báo cáo là chưa kịp kiểm tra, nhưng các bộ, UBND các tỉnh, thành phố đã xét kỹ và đề nghị, Bác bảo: “Bác tin ở Viện Huân chương. Viện không đi kiểm tra lại tin ở bộ, ở tỉnh. Nếu bộ, tỉnh cũng không đi kiểm tra lại tin ở quận, huyện và quận, huyện cũng không đi kiểm tra, thì từ Bác đến các cấp đều quan liêu. Ai bảo đảm để Bác ký khen thưởng cho đúng. Có công thì thưởng, có tội thì phạt. Thưởng, phạt phải nghiêm minh. Khen cái nào đích đáng cái ấy”.

Rồi Bác chỉ thị cho đi kiểm tra 3 đơn vị. Kết quả, cả 3 đều có khuyết điểm nghiêm trọng. Thế là Bác chỉ thị cho bộ, tỉnh đi kiểm tra lại hết. Cuối cùng chỉ còn 1/2 đơn vị, cá nhân được đề nghị khen thưởng. Đây là bài học nhớ đời cho các cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng và lãnh đạo các cấp.(1)

Bác Hồ và câu chuyện khen thưởng

Gắn thi đua với lòng yêu nước và lòng yêu nước với thi đua, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng lên phong trào thi đua của nhân dân ta sôi nổi, rộng khắp và mang đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam. Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nhà máy diêm Thống Nhất những năm đầu khôi phục kinh tế (1956). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Liên quan đến việc khen thưởng đúng người, đúng việc, những người biên tập, xuất bản sách “Người tốt việc tốt” do Bác Hồ sưu tầm, hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện vẫn thường kể lại câu chuyện về “người thủ kho trong sạch”.

Trong bài viết này có chi tiết: Có lần ông già giữ kho bị bệnh, thầy thuốc cho đơn nhưng cửa hàng thiếu đi mấy vị thuốc quý, trong khi ở kho dược phẩm của ông thì vẫn còn. Nhiều người nói ông cứ lấy dùng rồi giải quyết thủ tục sau nhưng ông già nhất quyết không chịu. Ông nói những vị thuốc này có phiếu xuất, nhập hẳn hoi, mình giữ kho không được tùy tiện. Ông thà uống thiếu thuốc còn hơn là vi phạm quy định đó.

Đọc đoạn này, Bác tỏ vẻ không vui, Bác nói: “Các chú xem lại chỗ này. Phẩm chất ông già rất đáng khen, nhưng cách giải quyết trong trường hợp này có điều chưa ổn. Mình không còn cách nào hay hơn sao? Sách người tốt việc tốt là nêu gương cho người ta học tập, làm theo. Người nước ngoài cũng có thể qua đó mà hiểu thêm con người Việt Nam. Đừng để người ta thấy mình tốt nhưng cứng nhắc, khó gần!”. Càng sau này chúng tôi càng hiểu ý Bác sâu xa biết nhường nào! (2)

Với Bác, dù trong hoàn cảnh nào, thi đua khen thưởng cũng phải làm nghiêm túc, đúng thực chất thì mới có tác dụng, cổ vũ động viên, phong trào. Và, người cán bộ, đảng viên bao giờ cũng phải đầu tàu gương mẫu về mọi việc, trong đó có công tác thi đua. Những câu chuyện về thi đua yêu nước của Người dù bình thường, giản dị nhưng đó là tư tưởng, tâm hồn, nhân cách và cả phương pháp làm việc của một vị lãnh tụ thiên tài, danh nhân văn hóa thế giới.

*Tài liệu tham khảo:

(1) Theo “Bác Hồ với công tác thi đua khen thưởng” - Tô Công, nguyên Phó Viện trưởng Viện Huân chương;

(2) Theo “Chúng ta có Bác Hồ” - NXB Lao động. Hà Nội 6/2001. Tr. 321-323.

Chủ đề ĐẠI HỘI THI ĐUA YÊU NƯỚC TỈNH HÀ TĨNH

Chủ đề QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Đọc thêm

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Hướng dẫn số 03-HD/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã hướng dẫn chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện cấp ủy viên; độ tuổi cấp ủy viên; cơ cấu, số lượng cấp ủy viên, ủy viên BTV và phó bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương, cấp cơ sở...
 [Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

[Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

Đại hội Đại biểu lần thứ V của Đảng diễn ra từ ngày 27 đến 31/3/1982, tại thủ đô Hà Nội, đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Tổng Bí thư. Ngày 14/7/1986, Ban Chấp hành Trung ương họp phiên đặc biệt, đồng chí Trường Chinh được bầu giữ chức Tổng Bí thư thay đồng chí Lê Duẩn (từ trần ngày 10/7/1986).