Bác Hồ với Truyện Kiều

(Baohatinh.vn) - Chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy một người uyên thâm như Bác Hồ, trên 30 năm xa nước, đi khắp bốn biển năm châu, thông thạo rất nhiều thứ tiếng nước ngoài, lại vẫn nhớ kỹ và vận dụng tài tình ca dao, tục ngữ Việt Nam trong khi nói, khi viết, kể cả khi viết bằng ngoại ngữ.

Đối với vốn văn chương bác học của dân tộc, Bác cũng hiểu kỹ, thấu đáo. Bác kính trọng các nhà thơ, nhà văn lớn chẳng kém các vị anh hùng, các nhà yêu nước, cách mạng. Bác yêu mến đến say mê các tác phẩm cổ điển ưu tú: Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm... Riêng Truyện Kiều, chẳng những Bác thuộc lòng, hiểu sâu, đánh giá cao mà Bác luôn nhắc nhở những người xung quanh phải xem, phải đọc và giúp đỡ họ học, hiểu.

T.Lan, trong cuốn “Vừa đi đường, vừa kể chuyện” thuật lại rằng: trên đường đi công tác, Bác Hồ đã đọc cho họ nghe và dạy những người đi theo học từng đoạn, giải thích ý nghĩa từng câu, từng chữ trong Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm...

Trong nhiều hồi ký, các cán bộ có may mắn gần Bác trên chiến khu Việt Bắc cũng kể tương tự như vậy. Hàng ngày, Bác thường dùng những câu phỏng Kiều, tập Kiều, làm cho người nghe, người đọc vừa thích thú, vừa hiểu sâu sắc thêm ý nghĩa của bài nói, bài viết.

Dưới đây là một số câu phỏng Kiều, tập Kiều của Bác.

Trong một bức thư gửi cụ Phan Châu Trinh năm 1911, lúc ở nước ngoài, Nguyễn Tất Thành từng viết:

“Chọc trời khuấy nước tiếng đùng đùng,

Phải có kiên cường mới gọi hùng…”

Câu thơ 7 chữ, thể luật thi, nhưng đọc lên vẫn phảng phất như một câu Kiều. “Chọc trời khuấy nước mặc dầu…”.

Khi về nước hoạt động, trong các bài ca tuyên truyền cách mạng, Bác Hồ cũng dùng nhiều câu tập cổ như vậy. Bài “Lịch sử nước ta” viết năm 1942, do Việt minh tuyên truyền bộ xuất bản, có nhiều câu na ná văn Kiều:

“Anh hùng thay ông Lý Bôn,

Tài kiêm văn võ sức hơn muôn người”.

“Hai lần đại thắng nguyên binh,

Làm cho Tàu phải thất kinh rụng rời…”.

“Mấy phen sông Nhị núi Lam,

Thanh gươm yên ngựa Bắc Nam ngang tàng…”

Trong “Bài ca sợi chỉ” có câu:

“Mạnh gì sợi chỉ con con,

Khuôn thiêng biết có vuông tròn cho chăng?”

Về sau, trong thơ ca, bài nói, bài viết của Bác ta càng gặp nhiều câu phỏng Kiều, tập Kiều hơn. Vào dịp tết năm Bính Tuất (1946), nữ sĩ Hằng Phương gửi cam biếu Hồ Chủ Tịch, kèm theo bài thơ với 4 câu đầu là:

“Cam ngon Thanh Hóa vốn dòng,

Kính dâng Chủ tịch tỏ lòng mến yêu.

Đắng cay cụ nếm đã nhiều,

Ngọt bùi trời trả đủ điều từ đây…”.

Đọc bài thơ phỏng Kiều trên, Bác Hồ liền làm bài thơ 4 câu “Cảm ơn người tặng cam” với câu kết tập Kiều:

“Cảm ơn người biếu gói cam,

Nhận thì không đúng, từ làm sao đây?

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai?”

Câu thơ Kiều vừa dí dỏm, vừa chân thật, là một câu hỏi mà cũng là một câu đáp, là niềm tin, là lời khẳng định thắng lợi của cách mạng.

Nói chuyện trong các cuộc họp của Quốc hội, của Đảng hay trước cán bộ, nhân dân, Bác vẫn dùng những câu như vậy.

Câu phỏng Kiều này còn được Bác dùng khi trở về Kim Liên sau 50 năm xa quê. Gặp bà con làng xóm, Bác xúc động đọc:

“Quê hương nghĩa nặng tình sâu,

Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”.

Trong lời khai mạc Đại hội Đảng lần thứ III, Bác dùng trọn một câu Kiều:

“Đến bây giờ mới thấy đây

Mà lòng đã chắc những ngày một hai”.

Lên đường đi thăm 9 nước bạn trong 1 tháng, Bác tươi cười nói với cán bộ, đồng bào ra tiễn Người ở sân bay:

“Tiễn đưa nhớ buổi hôm nay,

Vui mừng xin đợi ngày này tháng sau”.

Ngay cả khi giao tiếp với bạn bầu quốc tế, Bác Hồ cũng dùng những câu thơ phỏng Kiều, gây thêm không khí vui vẻ, thân mật.

Lần tiễn đại biểu các Đảng anh em dự đại hội lần thứ III của Đảng ta lên đường về nước, trong lời chào, Bác đọc: “Quan san muôn dặm một nhà/Bốn phương vô sản đều là anh em” làm cho các đại biểu vừa vui, vừa xúc động.

Bác Hồ của chúng ta rất thuộc Kiều, hiểu Kiều và vận dụng những câu Kiều vào thơ ca, bài nói của mình cũng tự nhiên, tinh tế như vận dụng ca dao, tục ngữ vậy.

Khác với lối phỏng Kiều của các cụ ngày xưa, những câu phỏng Kiều, lẫy Kiều của Bác Hồ chứa đựng nội dung tư tưởng, tình cảm hoàn toàn mới. Đồng thời, cấu trúc câu, cách sử dụng ngôn ngữ cũng mới mẻ, phóng khoáng, nhưng đọc lên vẫn phảng phất câu thơ Kiều, vẫn mang nét đậm đà, ý vị của thơ ca truyền thống Việt Nam. Ngay cả khi Bác dùng nguyên một câu Kiều, thì câu thơ ấy cũng chứa đựng nội dung mới, vì nó nằm trong văn cảnh của bài nói, bài viết.

Bác Hồ yêu thích và trân trọng vốn văn hóa của ông cha, trong đó có Truyện Kiều. Như con ong hút nhụy của hoa thơm, làm nên mật ngọt, Bác thâu thái cái tinh, bắt lấy cái thần của tâm hồn dân tộc trong thơ xưa, trong thơ Kiều, sáng tạo nên những câu thơ, câu ca hiện đại mà không xa lạ với nhân dân.

Đọc lại câu văn vần – hay câu thơ trong Di chúc thiêng liêng của Bác:

“Còn non, còn nước, còn người,

Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.

Ta thấy rõ đây là câu văn rất mới, hiện đại: “Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”, như là một khẩu hiệu, như là một lời dặn, một lời hứa, một lời thề. Nhưng lại làm ta liên tưởng đến một câu Kiều:

“Còn non, còn nước, còn dài

Còn về còn nhớ đến người hôm nay”.

Thật là kỳ diệu. Câu văn vần của Bác rất Việt Nam, rất “Cụ Hồ”.

Đọc thêm

'Săn' mai anh đào nở sớm

'Săn' mai anh đào nở sớm

Thời điểm này, trên khắp các diễn đàn mạng xã hội, người dân và du khách đã bày tỏ sự vui mừng khi hoa mai anh đào đã bắt đầu nở rộ tại khắp các vùng ngoại ô TP Đà Lạt.
Kịch bản 'Táo quân 2025' bị lộ?

Kịch bản 'Táo quân 2025' bị lộ?

Theo bảng phân vai "Táo quân 2025" được NSƯT Chí Trung đăng tải, buổi chầu năm nay của các Táo sẽ thay bằng hình thức cuộc thi.
Podcast truyện ngắn: Hơi ấm đêm xuân

Podcast truyện ngắn: Hơi ấm đêm xuân

Tim tôi như đứng lặng trong lồng ngực. Cớ gì mọi thứ lại trùng hợp đến vậy. Tôi khẽ nhìn khuôn mặt anh Ba qua kính chiếu hậu, thấy anh hiền, chân chất, lương thiện, nhân hậu như má, như ba...
VTV tung những hình ảnh đầu tiên về 'Táo quân 2025'

VTV tung những hình ảnh đầu tiên về 'Táo quân 2025'

Mới đây, chương trình "VTV Kết nối" đã thực hiện phóng sự đột nhập phòng tập "Táo quân" lúc nửa đêm. Các nghệ sĩ Chí Trung, Quang Thắng, Vân Dung... cũng có những chia sẻ đầu tiên về chương trình.
Podcast tản văn: Mùi của tết

Podcast tản văn: Mùi của tết

Những ngày cuối đông, tiết trời hao hao rét. Giữa khung cảnh ngược xuôi tấp nập của phố phường, ta thoảng nghe trong gió lạnh một mùi vị rất quen thuộc...
Dân ca Quan họ Bắc Ninh lời cổ: Vui bốn mùa

Dân ca Quan họ Bắc Ninh lời cổ: Vui bốn mùa

Tiết mục Vui bốn mùa (dân ca quan họ Bắc Ninh lời cổ), phối khí: NSƯT Quang Hưng, biên đạo: NSƯT Khánh Toàn, do Đoàn nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Podcast truyện ngắn: Hoa muộn

Podcast truyện ngắn: Hoa muộn

Bên trong vẫn ồn ào náo nhiệt, ngoài này tĩnh lặng bất thường. Chú nắm tay Thụy, ấm áp và yêu thương. Đêm bỗng nở hoa. Muộn mằn nhưng nồng nàn...
Podcast: Bức họa tháng Chạp

Podcast: Bức họa tháng Chạp

Thế là tháng Chạp đã trở về trong sự dùng dằng của đất trời buổi cuối đông. Lòng người vào Chạp cũng trở nên khác lạ với những hối hả để gói ghém lại một năm dài, với những chậm rãi, níu kéo trong sự ươm ủ đón chờ năm mới…
Podcast truyện ngắn: Chiếc khăn xanh

Podcast truyện ngắn: Chiếc khăn xanh

Tôi không biết điều kỳ diệu nào đã giữ bà tôi gắng gượng ở lại đón cái Tết cuối cùng với gia đình năm đó. Nhưng mãi về sau này, trên những hành trình xuôi ngược, tôi luôn giữ bên mình chiếc khăn len màu xanh bà trao cho tôi ngày ấy...