Xử lý sai quy trình vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật: Hiểm họa khôn lường!

(Baohatinh.vn) - Bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là một trong những loại rác thải nguy hại, cần được xử lý đúng quy định. Tuy nhiên, tại một số địa phương ở Hà Tĩnh, vỏ thuốc BVTV đã qua sử dụng vẫn chưa được thu gom, xử lý đúng cách.

Xử lý sai quy trình vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật: Hiểm họa khôn lường!

Hiện còn tình trạng vỏ bao bì thuốc BVTV bị vứt bừa bãi trên các cánh đồng.

Hiện nay, các loại thuốc BVTV sử dụng trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh chủ yếu là thuốc trừ sâu bệnh và diệt cỏ. Theo thống kê, trung bình ở Hà Tĩnh, mỗi năm có khoảng 220 tấn thuốc BVTV được sử dụng Trong đó, có khoảng 81 tấn thuốc diệt cỏ, 65 tấn thuốc trừ sâu…

Theo Sở TN&MT Hà Tĩnh, trong mỗi vỏ bao bì thuốc BVTV đã sử dụng vẫn còn 1-2% lượng thuốc còn sót lại. Chính vì vậy, việc thu gom, xử lý nếu không được thực hiện triệt để sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường.

Bao bì thuốc BVTV được liệt vào nhóm các chất thải nguy hại, ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe con người, thậm chí, nếu đốt chung với rác thải thông thường sẽ gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái. Chính vì vậy, bao bì thuốc BVTV sau khi thu gom phải xử lý và tiêu hủy đúng quy trình với nhiệt độ cao tại các đơn vị được cấp phép.

Xử lý sai quy trình vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật: Hiểm họa khôn lường!

Vỏ thuốc BVTV vẫn thường được đốt chung với các loại rác thải khác.

Thời gian qua, hội nông dân các cấp đã tích cực tham mưu, tổ chức thực hiện nhiều hoạt động thu gom bao bì, vỏ thuốc BVTV. Đến nay, nhiều mô hình ở các huyện Thạch Hà, Lộc Hà, Hương Sơn... đã bước đầu hoạt động có hiệu quả.

Ông Lê Đình Phước - Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện Hương Sơn chia sẻ: Ở mỗi cánh đồng, các chi hội đặt 3 - 5 thùng chứa rác ở vị trí gần các tuyến đường nội đồng và ở những đoạn mương, kênh trên đồng ruộng để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thu gom. Thông qua các mô hình này, nhận thức của người dân được nâng lên, từ đó thay đổi được thói quen trong việc cho bao bì thuốc BVTV vào các thùng chứa rác để hạn chế ô nhiễm môi trường.

Xử lý sai quy trình vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật: Hiểm họa khôn lường!

Thời gian qua, nhiều chi hội nông dân đã xây dựng các hố rác trên đồng để thu gom vỏ thuốc BVTV.

Tuy vậy, trên thực tế, mặc dù các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho bà con nông dân sử dụng và thu gom bao thuốc BVTV đúng cách nhưng tình trạng lạm dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn khá phổ biến.

Thực tế cho thấy, ở nhiều vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh, vỏ bao bì thuốc BVTV vẫn chưa được thu gom, xử lý đúng quy định.

Theo giải thích của nhiều người dân, mặc dù biết vỏ chai, bao bì thuốc BVTV là rác thải nguy hại nhưng vì thiếu giải pháp xử lý nên buộc phải vứt tại ruộng hoặc đốt. Đáng nói hơn, vẫn còn tình trạng một số địa phương huy động người dân thu gom bao bì thuốc BVTV rồi đem đốt chung với các loại rác thải khác, việc này có thể dẫn đến những hệ lụy đối với môi trường, sức khoẻ con người.

Xử lý sai quy trình vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật: Hiểm họa khôn lường!

Nông dân thị xã Hồng Lĩnh bỏ vỏ bao thuốc BVTV vào hố rác trên đồng.

“Khi phun thuốc, thực ra chúng tôi cũng không tìm ra chỗ để vứt vỏ chai, bao bì thuốc trừ sâu, trừ cỏ nên đành gom lại để đốt cho sạch. Nếu nói đốt vỏ thuốc trừ cỏ cũng gây ô nhiễm thì chúng tôi cũng không biết cách xử lý như thế nào cho đúng nữa", ông Đinh Văn D. ở xã Hương Trạch (Hương Khê) phân trần.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh Trần Trung Thành cho biết, thời gian tới, Tỉnh hội tiếp tục chỉ đạo hội nông dân các cấp thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho người dân về tác hại của chất thải từ bao bì thuốc BVTV đã sử dụng.

Nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng liều lượng thuốc và thu gom đúng nơi quy định các bao bì thuốc BVTV. Tiếp tục nhân rộng các mô hình thu gom vỏ bao bì, thuốc BVTV; tổ chức cho hội viên nông dân tham quan các mô hình hoạt động hiệu quả.

Xử lý sai quy trình vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật: Hiểm họa khôn lường!

Việc thu gom các loại rác thải vẫn đang tập kết cùng một điểm, chưa có sự phân loại để xử lý, cần có công nghệ xử lý phù hợp.

Ông Thành cũng cho rằng, hiện nay, ở nông thôn, chủ yếu việc thu gom các loại rác thải vẫn đang tập kết cùng một điểm, chưa có sự phân loại để xử lý, nhất là đối với bao bì thuốc BVTV. Vì thế, đề nghị các cấp, ngành sớm xây dựng cơ chế chính sách ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, xử lý phù hợp từng loại chất thải để góp phần bảo vệ môi trường.

Chủ đề Bạn đọc viết

Chủ đề Tài nguyên – môi trường

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast