Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các đơn vị liên quan.
Sau khi nghe các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị báo cáo, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sau khi Hoa Kỳ áp thuế đối ứng đối với Việt Nam, chúng ta vẫn bình tĩnh, thể hiện bản lĩnh kiên cường, nỗ lực vượt khó.
Theo Thủ tướng, suốt chiều dài lịch sử đất nước đã cho thấy, chúng ta liên tục gặp những khó khăn, thách thức to lớn. Nhiệm kỳ này cũng liên tục có những cú sốc khách quan từ bên ngoài (đại dịch Covid-19, xung đột Nga-Ukraine, đứt gãy chuỗi cung ứng...). Tuy nhiên, những điều này càng làm tăng thêm bản lĩnh, tự tin vượt qua khó khăn, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội vươn lên, vượt qua giới hạn chính bản thân.

Thủ tướng khẳng định, các phản ứng chính sách của Việt Nam cho đến nay cơ bản phù hợp; Chính phủ đã kịp thời báo cáo Bộ Chính trị vấn đề này, trong đó đề ra các giải pháp để ứng phó tình hình, được Bộ Chính trị cơ bản đồng tình. Theo đó, Việt Nam đã giải quyết cơ bản những vấn đề Hoa Kỳ quan tâm, đặc biệt là chủ động giảm thuế một số mặt hàng bằng Nghị định 73/2025/NĐ-CP; điều này cho thấy chúng ta đã phản ứng linh hoạt, kịp thời, phù hợp tình hình bên ngoài; chính điều này làm yên lòng dân; những lúc khó khăn này cần có điểm tựa là sự đoàn kết toàn dân tộc, là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan liên quan.

Thủ tướng nêu rõ, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ hết sức đặc biệt, quan hệ thương mại hai nước là lớn nhất trong ASEAN, quan hệ thương mại Việt Nam với Hoa Kỳ đứng trong top đầu thế giới, điều này có lợi cho Việt Nam và có lợi cho nền kinh tế, người tiêu dùng Hoa Kỳ. Các mặt hàng trong quan hệ thương mại hai nước có tính bổ trợ, hỗ trợ lẫn nhau chứ không phải cạnh tranh, triệt tiêu nhau; quan hệ này đều đem lại lợi ích cho hai bên.
Quán triệt mục tiêu lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ trong quan hệ với các nước liên quan đầu tư, thương mại, kinh tế trong đó có Hoa Kỳ. Thủ tướng khẳng định, việc dự kiến áp thuế đối ứng của Hoa Kỳ làm ảnh hưởng lớn xuất khẩu của Việt Nam, làm ảnh hưởng các thị trường khác của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, ASEAN, đồng thời làm ảnh hưởng chính người tiêu dùng Mỹ.

Thủ tướng yêu cầu phải nắm chắc tình hình, giữ vững bản lĩnh, sáng suốt, sáng tạo, khôn khéo, linh hoạt trong điều hành, quản lý, kiên định, kiên trì những nguyên tắc cơ bản như bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; vừa tiếp cận xử lý vấn đề, vừa có tính trước mắt, vừa lâu dài; vừa có trực tiếp, vừa gián tiếp; vừa có tổng thể, vừa có cụ thể; có cả vấn đề liên quan trọng điểm và cả liên quan diện rộng; cả phi thuế quan và thuế quan; có tính cân đối tổng thể chung của quan hệ kinh tế đối ngoại với Việt Nam.
Tiến hành cả biện pháp chính trị, ngoại giao, kinh tế, đầu tư, thương mại; tranh thủ doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, doanh nghiệp Hoa Kỳ, doanh nghiệp FDI tại Việt Nam; vừa thoả hiệp, đàm phán, nhân nhượng và đấu tranh phù hợp tình hình. Dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên nghiên cứu kỹ các chính sách của Hoa Kỳ, tập hợp thêm các tư liệu cần thiết.
Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu chiến lược là vẫn phải ổn định đất nước, khu vực, góp phần vào hòa bình, hợp tác, phát triển của đất nước; ổn định để phát triển, phát triển để ổn định, đây vừa là mục tiêu vừa là quan điểm; nhân dân được tự do, ấm no, hạnh phúc, tự do kinh doanh; phải phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số những năm tới.

Về giải pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quán triệt, thực hiện tốt các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị liên quan tình hình thế giới, hội nhập quốc tế, đặc biệt là Nghị quyết 59-NQ/TW, quán triệt quan điểm chỉ đạo trong bài viết “Vươn mình trong hội nhập quốc tế” của Tổng Bí thư Tô Lâm mới đây.
Thủ tướng lưu ý phải biến khó khăn, thách thức thành cơ hội, càng áp lực thì càng có động lực vượt qua khó khăn vươn lên; tìm ra các sáng kiến cân bằng thương mại hai nước, phục vụ lợi ích hai nước; tìm kiếm thêm các mặt hàng mà Việt Nam có nhu cầu để tăng cường nhập khẩu từ Hoa Kỳ; nêu rõ những nỗ lực của Việt Nam giải quyết các dự án đầu tư cụ thể của Hoa Kỳ tại Việt Nam; tiếp tục giải quyết các quan tâm của phía Hoa Kỳ trên tinh thần đôi bên cùng có lợi.
Bộ Tài chính rà soát ngay các sắc thuế mà chúng ta hướng đến thực hiện theo thỏa thuận tại cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tối 4/4 gồm những nhóm nào và có các phương án thực hiện; tiếp tục mở rộng diện giảm thuế theo tinh thần Nghị định 73/2025/NĐ-CP để tiệm cận thỏa thuận cấp cao này.
Theo Thủ tướng, hướng giải quyết là cần có danh mục thỏa thuận giữa hai bên; bảo đảm cân bằng, quyền và lợi ích hợp pháp hai bên, cân đối với các nước khác, không ảnh hưởng các cam kết quốc tế. Các bộ, ngành, tập đoàn, doanh nghiệp khẩn trương, xem xét lại, tập hợp danh mục những mặt hàng có thể nhập khẩu được từ Hoa Kỳ. Thủ tướng cũng nêu rõ, để phục vụ đàm phán với Hoa Kỳ cần có kịch bản, kế hoạch, đề án cụ thể; phối hợp chặt chẽ giữa đoàn đàm phán với nhóm công tác ở trong nước…
Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương tiếp tục giao thiệp bằng nhiều cách khác nhau để đề nghị phía Hoa Kỳ hoãn việc áp dụng thuế đối ứng với Việt Nam trong lúc đang chờ đàm phán. Quá trình đàm phán phải lưu ý các quan hệ khác, nhất là Quy chế tối huệ quốc (MFN) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tránh việc gây phức tạp tình hình; phải khôn khéo, mềm dẻo.
Thực hiện tốt nhóm giải pháp về thuế, phí, lệ phí, thuế VAT để hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong nước; kết hợp hài hoà giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khoá; yêu cầu Bộ Tài chính chú trọng thúc đẩy số hoá trong thu thuế, tích cực thu thuế bằng hoá đơn khởi tạo bằng máy tính tiền; kiên quyết xử lý hình sự các trường hợp cố tình trốn thuế, găm hàng, đội giá; kiểm soát tốt xuất xứ của hàng hoá, thương hiệu, các vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ.
Về các nhiệm vụ giải pháp lâu dài, cần tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nhanh, bền vững, xanh, số hoá, kinh tế sáng tạo, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn. Tái cơ cấu lại thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng theo hướng đa dạng hoá hơn, không phụ thuộc một thị trường; khai thác những thị trường tiềm năng các thị trường như Trung Đông, Trung Á… Chúng ta phải khẳng định, đây cũng là cơ hội để đất nước, doanh nghiệp vươn mình, càng khó khăn thì càng nỗ lực, đổi mới, bứt phá, vươn lên phát triển; tái cơ cấu nền kinh tế. Vấn đề là phải có giải pháp hỗ trợ kịp thời người dân, doanh nghiệp trong lúc khó khăn. Bộ Tài chính cũng phải có phương án chuẩn bị hỗ trợ doanh nghiệp trong trường hợp khó khăn.
Thủ tướng lưu ý cần xúc tiến đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ (BTA). Về truyền thông, cần bám sát các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị với tinh thần kịp thời phù hợp, hiệu quả để củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp, không gây căng thẳng, đối đầu. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp Bộ Công thương xây dựng kế hoạch tuyên truyền vấn đề này cũng như các lĩnh vực khác. Các cơ quan thông tấn báo chí xây dựng kế hoạch, bố trí thời lượng tuyên truyền thích hợp để tạo khí thế, sức mạnh cho đất nước, dân tộc; đánh giá khách quan những thành tựu của đất nước, nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cả hệ thống chính trị để từ đó tạo niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư. Bộ Ngoại giao gặp gỡ các đối tác để trao đổi, tìm hiểu tình hình, kinh nghiệm, sáng kiến…