Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cùng lãnh đạo một số sở, ngành đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên.
Hiện nay, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến hết sức phức tạp tại Việt Nam. Tính đến ngày 9/6/2019, đã có 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phát hiện dịch bệnh. Tại Hà Tĩnh đã xuất hiện 8 ổ dịch bệnh tại 8 xã thuộc các huyện Cẩm Xuyên, Lộc Hà, tiêu hủy 381 con lợn, với trọng lượng 16.069 kg.
Dự báo tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, có chiều hướng lan rộng, ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến hoạt động chăn nuôi lợn, gây tổn thất lớn về kinh tế, tác động lớn đến môi trường, đời sống người dân.
Thực hiện các công điện của Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Công điện số 1407-CĐ/TU ngày 01/3/2019, Công điện số 1528-CĐ/TU ngày 17/5/2019; Ủy ban nhân dân tỉnh đã kịp thời chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách về phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Tuy vậy, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, có biểu hiện lơ là, chủ quan; chưa huy động hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt; người dân chưa nhận thức đầy đủ nguy cơ lây lan dịch bệnh; có nơi xử lý lợn bệnh không đúng quy trình, gây bức xúc trong dư luận nhân dân; ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ thịt lợn trên thị trường.
Để tăng cường công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm.
Vùng chưa có dịch phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, rắc vôi bột, tăng khẩu phần ăn giàu chất dinh dưỡng... để đảm bảo sức khoẻ cho đàn lợn.
Lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống, khống chế dịch bệnh theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 20/5/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Công điện số 667/CĐ-TTg, ngày 04/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Xác định công tác phòng, chống và tổ chức khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay với phương châm "phòng, chống dịch như chống giặc", “phòng là chính, cơ sở và người dân là chính”.
Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT, các sở, ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố, thị xã thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh; tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống, khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Kịp thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịch bản ứng phó với bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn với quan điểm phát hiện nhanh, xử lý đồng bộ, kịp thời.
Tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh, sát trùng phòng dịch, tăng cường các biện pháp an toàn sinh học, đảm bảo nguồn thức ăn hợp vệ sinh cho đàn lợn.
Rà soát, củng cố đội ngũ cán bộ thú y các cấp hiện có, tăng cường năng lực công tác thú ý đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh.
Kịp thời phát hiện, xử lý, tiêu hủy lợn bệnh, đảm bảo môi trường; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chính sách hỗ trợ của Nhà nước về tiêu hủy lợn bệnh để trục lợi.
Tập trung phun hóa chất tiêu độc khử trùng trên các tuyến giao thông nhằm hạn chế dịch lây lan
Bảo đảm kinh phí và các nguồn lực tổ chức triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế bệnh dịch. Quyết tâm khống chế, dập tắt bệnh dịch tả lợn Châu Phi trong thời gian sớm nhất.
Tuyên truyền, vận động người chăn nuôi giảm đàn tối đa để đảm bảo an toàn, phòng ngừa từ xa, đồng thời chú ý phòng, chống, bảo vệ đàn giống để tái đàn, tiếp tục phát triển ngành chăn nuôi lợn sau khi hết dịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; tổ chức quản lý chặt chẽ vận chuyển, giết mổ, quản lý an toàn dịch bệnh triệt để, tuyệt đối không được để lưu thông thịt lợn không rõ nguồn gốc; đồng thời tuyên truyền để khuyến khích người dân tiêu thụ thịt lợn an toàn dịch bệnh.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu, chỉ đạo đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp, Báo Hà Tĩnh, Đài PTTH tỉnh, các tạp chí, bản tin trong tỉnh, đại diện các báo Trung ương và các tỉnh đóng trên địa bàn tăng cường thời lượng, tin bài tập trung tuyên truyền đến tận các hộ gia đình, nhất là các hộ chăn nuôi lợn về tính chất, mức độ nguy hiểm của bệnh dịch; các biện pháp phòng, chống; phát huy vai trò, trách nhiệm của cộng đồng tích cực tham gia phối hợp, hỗ trợ công tác phòng, chống, khống chế bệnh dịch.
Thông tin kịp thời, chính xác cho người dân về tình hình bệnh dịch, vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, tránh gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.
Ban thường vụ các huyện, thành, thị ủy, trước hết là đồng chí bí thư cấp ủy, chủ tịch uỷ ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh; thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương cơ sở, tuyệt đối không được chủ quan.
UBMTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng phối hợp với các sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và người dân chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Các đồng chí Trưởng các đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công thành viên bám sát cơ sở, phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương chỉ đạo, đôn đốc, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương, cơ sở.
Văn phòng Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị, thường xuyên báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.