Báo cáo kinh tế - xã hội: 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo tình hình kinh tế-xã hội 2015 và dự kiến kế hoạch phát triển trong năm sau.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo "Tình hình kinh tế-xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015; Phương hướng nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và năm 2016". Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo "Tình hình kinh tế-xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015; Phương hướng nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và năm 2016". Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Sáng 20/10, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.

Kinh tế - xã hội tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ

Theo Báo cáo của Chính phủ, trong số 14 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đề ra cho kế hoạch năm 2015 tại Nghị quyết Quốc hội, dự kiến có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ che phủ rừng.

Báo cáo của Chính phủ nhận định, tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm 2015 tiếp tục đà phục hồi, có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực, nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế vĩ mô cơ bản được ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,4% so với tháng 12/2014, bình quân 9 tháng đầu năm tăng 0,74% so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm có mức tăng giá thấp nhất so với cùng kỳ 15 năm qua.

Tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 10,78% (cùng kỳ năm 2014 tăng 6,62%), cao hơn gần 1% so với tốc độ tăng tiền gửi; cho thấy có sự cải thiện khá rõ nét trong việc khai thông nguồn vốn tín dụng cho phát triển đầu tư, kinh doanh. Tổng thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) thực hiện 9 tháng ước đạt 683 nghìn tỷ đồng, bằng 75% dự toán năm, tăng 7% so với cùng kỳ. Thu dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt thấp, chỉ bằng 55,7% và 70,5% dự toán năm, chủ yếu do giá dầu thô và giá của một số mặt hàng xuất nhập khẩu giảm mạnh. Tổng chi NSNN thực hiện 9 tháng ước đạt 823,97 nghìn tỷ đồng, bằng 71,8% dự toán, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Bội chi NSNN ước khoảng 140,97 nghìn tỷ đồng, bằng 62,4% dự toán năm.

Chính phủ cũng thẳng thắn báo cáo về những tồn tại, khó khăn của kinh tế - xã hội đất nước. Năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp. Cân đối ngân sách khó khăn, bội chi còn cao; nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, nợ xấu còn lớn và xử lý nợ xấu còn nhiều vướng mắc; doanh nghiệp trong nước và khu vực nông nghiệp, xuất khẩu nông sản đang rất khó khăn; nhập siêu tăng trở lại. Thể chế kinh tế thị trường chậm được hoàn thiện, còn nhiều hạn chế, các loại thị trường vận hành chưa thông suốt. Một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều mặt hạn chế, yếu kém về văn hóa, xã hội khắc phục còn chậm; đạo đức xã hội ở một bộ phận không nhỏ xuống cấp; tình trạng tham nhũng chưa được đẩy lùi…

Trên cơ sở đánh giá tình hình thời gian qua và triển vọng sắp tới, căn cứ mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020, Chính phủ hoạch định một số mục tiêu tổng quát đề ra cho năm 2016 với định hướng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2015, chú trọng cải thiện chất lượng tăng trưởng, bảo đảm phát triển bền vững. Theo đó, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội quyết định chỉ tiêu 2016 với tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7% so với năm 2015. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng dưới 5%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,3-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%. Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 24,5 giường. Tỷ lệ dân số tham gia Bảo hiểm y tế đạt 76%...

Cử tri mong muốn nền kinh tế tiếp tục phát triển bền vững

Tiếp đó, Quốc hội đã nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII.

Theo đó, chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 4.492 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.

Quang cảnh lễ khai mạc kỳ họp thứ 10. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN

Quang cảnh lễ khai mạc kỳ họp thứ 10. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN

Báo cáo cho thấy, bên cạnh những kết quả kinh tế - xã hội được đánh giá cao, cử tri và nhân dân vẫn còn nhiều tâm tư, lo lắng trước tình hình kinh tế phát triển chưa thực sự bền vững; cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước còn chậm, chưa đạt tiến độ đề ra; chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động chưa cao; giá một số sản phẩm nông nghiệp giảm; ô nhiễm môi trường chưa được giải quyết tốt; an toàn vệ sinh thực phẩm chưa đảm bảo; tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông vẫn diễn ra phức tạp; tình hình cháy, nổ xảy ra ở nhiều nơi gây thiệt hại lớn về người và tài sản; thiên tai, mưa lũ gây ngập lụt ở nhiều địa phương; hiện tượng nước biển ngày càng dâng cao và xâm nhập sâu vào đất liền, nhất là các tỉnh ven biển khu vực Tây Nam bộ ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân; tình trạng tham nhũng chưa được đẩy lùi. Cử tri và nhân dân bày tỏ sự bất bình trước việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo, bồi đắp, xây dựng trái luật pháp quốc tế các công trình tại các đảo chìm, bãi đá thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm đến việc chuẩn bị nhân sự của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, mong muốn những người được bầu giữ các chức vụ chủ chốt trong Đảng, chính quyền có đủ đức, đủ tài để xây dựng Đảng, Nhà nước ngày càng trong sạch vững mạnh, đồng thời cần kiên quyết loại trừ những trường hợp thoái hóa, biến chất, có biểu hiện tham nhũng, lợi ích nhóm tham gia vào bộ máy lãnh đạo các cấp. Cử tri và nhân dân mong muốn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, MTTQ Việt Nam tiếp tục đề cao trách nhiệm giám sát, yêu cầu các bộ, ngành thực hiện nghiêm túc việc giải quyết và trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành trong việc thực hiện trách nhiệm này.

Điều hành linh hoạt hơn đối với chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa

Cuối buổi làm việc sáng 20/10, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và khái quát kết quả 5 năm 2011-2015; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.

Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có chuyển biến tích cực và đạt những kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực, cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát năm 2015, Báo cáo thẩm tra cũng cho rằng, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; nông nghiệp là ngành đóng góp xuất khẩu lớn và xuất siêu khoảng 10 tỷ USD/năm nhưng giảm cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu, chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu tình trạng được mùa mất giá, khó khăn tiêu thụ sản phẩm ảnh hưởng quá lớn đến thu nhập của người sản xuất nhất là nông dân.

Năm 2015 nhập siêu trở lại sau 3 năm 2012-2014 xuất siêu, mặc dù nằm trong chỉ tiêu Quốc hội nhưng nhiều ý kiến cho rằng khu vực kinh tế trong nước luôn ở tình trạng nhập siêu. Tình hình trật tự an toàn xã hội còn một số tồn tại, một số lễ hội thiếu lành mạnh, kém văn minh gây phản cảm; một số vụ án hình sự nghiêm trọng, một số vụ sát hại nhiều người gây lo lắng trong nhân dân. Bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, đảo đang đứng trước những khó khăn, thách thức mới. Cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên nhiều lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản tán thành với đề xuất nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 trong Báo cáo của Chính phủ. Ủy ban này cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục cụ thể hóa và triển khai Hiến pháp 2013, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chấm dứt tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ điều hành các chính sách kinh tế linh hoạt hơn đối với chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ thị trường; có giải pháp cải thiện mạnh mẽ sự mất cân đối trong quan hệ thương mại với Trung Quốc; xử lý hiệu quả nợ xấu; kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ ứng trước vốn đầu tư xây dựng cơ bản; tiếp tục rà soát các nhiệm vụ chi, triệt để thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên; tập trung thu hút các dự án đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ cao, tăng giá trị gia tăng đối với sản xuất hàng hóa xuất khẩu; đẩy mạnh triển khai gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội 30 nghìn tỷ đồng vừa đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân vừa hỗ trợ phục hồi thị trường bất động sản.

Theo TTXVN

Đọc thêm

Hà Tĩnh sẽ có thêm 2 khu đô thị hơn 3.900 ha

Hà Tĩnh sẽ có thêm 2 khu đô thị hơn 3.900 ha

Khu đô thị Kỳ Nam và Kỳ Ninh sẽ được xây dựng thành những khu vực dân cư đô thị văn minh, hiện đại, phù hợp với định hướng quy hoạch chung của thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
Khai trương showroom VinFast Hà Tĩnh 2

Khai trương showroom VinFast Hà Tĩnh 2

Showroom VinFast Hà Tĩnh 2 không chỉ là nơi trưng bày và kinh doanh sản phẩm mà còn là cầu nối giữa VinFast với khách hàng nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thị trường.
Ra mắt toà chung cư cao cấp mang phong cách châu Âu tại Hà Tĩnh

Ra mắt toà chung cư cao cấp mang phong cách châu Âu tại Hà Tĩnh

Dự án toà căn hộ D' Metropole - Luxury Apartments hứa hẹn sẽ chinh phục được trái tim người mua nhà nhờ vị trí đắc địa, thiết kế sang trọng, tiện ích đẳng cấp, đáp ứng trọn vẹn nhu cầu sống nghỉ dưỡng – tiện nghi của khách hàng.