Bao giờ cho đến ngày xưa...

Cuốn sách tái hiện lại một miền ký ức trong veo của những ai lớn lên nơi đồng quê nắng cháy và cho những ai lớn lên ở đô thị biết đến một miền quê bình yên đến lạ.

bao gio cho den ngay xua

Cuốn sách Bao giờ cho đến ngày xưa của tác giả Tuyền Nguyễn.

Tác phẩm Bao giờ cho đến ngày xưa của Tuyền Nguyễn kể về những ngày tháng ngắn ngủi của cô bé Tuyền sống nhờ nhà chú Sáu khi bố mẹ đi làm ăn xa.

Căn nhà của chú Sáu nằm trong một xóm nhỏ ở ven sông, nơi đây Tuyền đã gặp gỡ rất nhiều người bạn thôn quê hồn hậu, chân chất. Ở đây, cô bé được trải qua những ngày tháng tuổi thơ êm đềm với nhiều kỷ niệm, người bạn không thể nào quên.

Có thể nói Bao giờ cho đến ngày xưa là cỗ máy đưa độc giả quay ngược về quá khứ, tìm lại miền ký ức tuổi thơ. Về những ngày nắng rơi trên sông; những trái trâm mướt rượt, căng mọng; viên kẹo ú tan chảy ngọt đường những đậm đà... Hay những ngày nực dông bọn trẻ đi gánh nước, ngày mùa khô nứt nẻ thửa ruộng, ngày trời mưa đường làng trơn như bôi mỡ...

Tuy tuổi thơ có người lớn lên nơi phồn hoa đô thị, người sinh ra nơi cao nguyên đất đỏ hay cả thời niên thiếu lặn ngụp giữa những kênh rạch, sông ngòi… Nhưng tất cả tuổi thơ của chúng ta đều có chung những khoảnh khắc vui mừng, phấn khởi lúc nhận bao lì xì, buồn bã khi bị cha mẹ rầy la, rung động đầu đời của những trái tim mới lớn...

Tất cả những cung bậc cảm xúc ấy đều được tái hiện lại một cách sinh động qua ngòi bút của Tuyền Nguyễn. Thông qua cuốn sách, hình ảnh nhân vật Tuyền, tác giả đã khơi gợi lại một phần tuổi thơ đã ngủ vùi trong ta.

Và những mẩu chuyện nhỏ trong Bao giờ cho đến ngày xưa, tác giả không bao giờ kể hết về tuổi thơ. Bởi ở đó luôn có hình bóng của những tình cảm chưa đủ chín để gọi là tình yêu, chưa đủ lớn để gọi là thương mến, nhưng cũng không quá nhỏ để có thể vô cớ đi vào lãng quên.

Với nhân vật Tuyền, những tình cảm, rung động ấy được hình tượng hóa bằng bó hoa hành, cành hoa ổi, trái xoài bói để dành riêng hay bằng cái “hun” lên má nhưng “hun” xong là co giò chạy biến đi vì xấu hổ. Nhưng những tình cảm trẻ thơ ấy chỉ vĩnh viễn nằm lại thuở ngày xưa.

Bên cạnh kỷ niệm về những người bạn Tú, Thắm, Thúy, Toàn, Kha… sự trưởng thành của cô bé Tuyền sau nhiều năm trở lại làng quê cũ, Bao giờ cho đến ngày xưa còn mang đến cho bạn đọc cái nhìn mới về thiên nhiên vùng quê. Đây cũng là một yếu tố quan trọng trong trong tác phẩm, nó được ví như một "người bạn" đặc biệt của ký ức tác giả.

Những hàng keo, bụi chuối đang uốn mình đón nắng trong ngày công đầu tiên, mùa nực dông bắt đầu bằng nắng tháng 3 cháy da cháy thịt, hình ảnh lũ trẻ đánh trận giả ngoài đồng cỏ cháy, những ngày mưa khi nước về ngập đồng và cũng là lúc cua bắt đầu sinh sôi...

Với những hình ảnh đặc trưng đó của miền quê, Tuyền Nguyễn đã thành công trong việc dẫn dắt bạn đọc trở về thời thơ ấu. Trở về với những người nông dân chân chất thật thà, về lại với khung cảnh miền quê yên bình. Có thể nói tác giả khá thành công trong việc phục dựng một quá khứ êm ả, mở ra trước mắt chúng ta một “ngày xưa” chân thật đến thế.

Trong cuộc sống hiện đại, ta mệt mỏi trong cuộc sống, hãy tìm đến Bao giờ cho đến ngày xưa để được trở về với tuổi thơ, trở về những ngày tháng yên bình và tươi đẹp nhất của cuộc đời.

Theo Zing.vn

Đọc thêm

Podcast truyện ngắn: Mùa trái dầu bay

Podcast truyện ngắn: Mùa trái dầu bay

Gió vẫn thổi. Trái dầu vẫn rơi từ thinh không, xoay tròn hai cánh chạm đất. Trái dầu có hai cánh nhưng gắn liền cùng một bầu. Hồi đó, trận đánh cuối trước giờ giải phóng cũng là mùa dầu bay ngợp trời đất này.
Tự do hay thiếu văn hóa?

Tự do hay thiếu văn hóa?

Những hành động xúc phạm Vua Hùng hay đùa cợt với hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh trên mạng xã hội là những hành vi phản cảm, thiếu văn hóa, vô ơn, cần bị lên án và tẩy chay.
Podcast tản văn: Tím mùa hoa cũ

Podcast tản văn: Tím mùa hoa cũ

Và tôi, mỗi năm, lại lớn thêm một chút, lại nhớ thêm một phần - như thể cả ký ức của tôi đều nở mùa hoa xoan cũ…
Podcast truyện ngắn: Những hạt mầm ký ức

Podcast truyện ngắn: Những hạt mầm ký ức

Xa xa, trên con đường mòn sắp được mở rộng, những người nông dân đang trở về nhà từ cánh đồng vừa cày ải. Họ nhìn ra phía đồi chè. Dù chưa ai biết mai này sẽ ra sao, nhưng lúc này, chỉ lúc này thôi, tất cả vẫn còn nguyên vẹn.
Phạm Quỳnh Như - thi sĩ của đồng quê và trẻ nhỏ

Phạm Quỳnh Như - thi sĩ của đồng quê và trẻ nhỏ

Đọc thơ ông đã nhiều nhưng có dịp về thăm ngôi nhà của ông ở thôn Trần Phú, xã Thạch Trị (TP Hà Tĩnh), tôi mới thật sự hiểu vì sao giới văn nghệ Hà Tĩnh gọi Phạm Quỳnh Như là “thi sĩ của đồng quê”.