Theo ước tính, tỉnh ta hiện có khoảng 165.000 ha rừng tự nhiên, chủ yếu được phân bố ở vùng núi cao, trong đó, khoảng 100.000 ha được quy hoạch rừng sản xuất, số còn lại là rừng phòng hộ. Lâu nay, công tác bảo vệ và phát triển vốn rừng này đã được chủ rừng, lực lượng kiểm lâm, chính quyền các cấp và cơ quan hữu quan vào cuộc. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên hiệu quả chưa như mong đợi, “máu” của rừng vẫn chảy.
Việc bắt giữ, xử lý các vụ khai thác, vận chuyển, tàng trữ, chế biến, sử dụng lâm sản và động vật rừng trái phép được thực hiện đều đặn hàng năm nhưng tình trạng phá rừng vẫn tiếp diễn. 5 năm qua, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 2.847 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu 4.470 m3 gỗ các loại, 7.893 kg động vật rừng và thu giữ hàng trăm phương tiện, công cụ phạm pháp. Qua theo dõi cho thấy, thời gian qua, ở nhiều địa phương như: Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh, Vũ Quang đã xẩy ra những vụ vi phạm lâm luật có tính chất nghiêm trọng, mật độ diễn ra khá dày, hành vi khá tinh vi, gây tổn hại lớn về tài nguyên rừng.
Công tác tuần tra, bảo vệ rừng của cán bộ Hạt Kiểm lâm Kỳ Anh và BQL Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn do địa hình rộng lớn và phức tạp. |
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi mục đích sử dụng quỹ đất rừng cũng tác động không nhỏ đến diện tích rừng tự nhiên. Theo số liệu thống kê, từ năm 2010 đến nay, tỉnh ta đã chuyển đổi 1.042 ha rừng tự nhiên sang sản xuất, gần 4.465 ha sang trồng cao su và phá bỏ hơn 447 ha để làm 2 nhà máy thủy điện. Tuy nhiên, đây chưa phải là những con số cuối cùng bởi nhu cầu sử dụng đất phục vụ phát triển KT-XH, đảm bảo QPAN trong những năm tới tiếp tục tăng cao và việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng là điều không thể tránh khỏi. Ước tính, trong 5 năm tới, toàn tỉnh sẽ tiếp tục chuyển đổi khoảng 22.049 ha rừng tự nhiên sang rừng trồng và đất ở nông thôn, gần 5.000 ha để trồng cao su cùng hàng ngàn ha khác phục vụ các công trình thủy điện, giao thông, khai thác khoáng sản...
Hành vi lấn chiếm, đốt rừng làm nương rẫy của các hộ dân cũng gây tổn hại nghiêm trọng đến rừng tự nhiên. Những năm gần đây, ở nhiều địa phương đã xẩy ra 180 vụ xâm hại rừng với diện tích lên tới hàng trăm ha, tuy nhiên, con số này chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Dù chủ rừng, chính quyền các cấp, lực lượng chức năng đã tập trung vào cuộc nhưng vẫn không thể chấm dứt được tình trạng này.
Ông Nguyễn Ngọc Lâm - Phó trưởng BQL Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh phản ánh: “Bên cạnh phối hợp với các lực lượng chức năng, đơn vị đã tập trung chỉ đạo các trạm bảo vệ rừng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, đẩy đuổi các đối tượng và hành vi vi phạm lâm luật trên lâm phần được giao quản lý. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên công tác bảo vệ rừng, nhất là rừng phòng hộ còn gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp. Đặc biệt, do thiếu đất canh tác, nhận thức chưa đầy đủ, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe nên nhiều hộ dân đã vào sẻ phát, lấn chiếm trái phép cả rừng phòng hộ và tình trạng này có dấu hiệu gia tăng”.
Theo nhiều nhà chuyên môn, việc bảo vệ, phục hồi và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên cũng đang gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí. Mặc dù Nhà nước đã bố trí kinh phí cho công tác khoán bảo vệ, khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng nhưng mức khoán quá thấp nên chưa đáp ứng được yêu cầu. Phản ánh điều này, nhiều chủ rừng cho rằng, diện tích rừng tự nhiên đa phần nằm ở vùng núi cao, địa hình rộng lớn và phức tạp, giao thông cách trở, do đó, với mức khoán chỉ 200.000 đồng/ha/năm đối với rừng phòng hộ và 100.000 đồng/ha/năm đối với rừng tự nhiên được quy hoạch để sản xuất thì rất khó trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là với những vùng rừng nhạy cảm, dễ bị xâm hại.
Do nguồn kinh phí hạn hẹp nên chỉ mới dừng lại ở khâu bảo vệ, chủ yếu tập trung cho rừng phòng hộ, đặc dụng. Ở một góc độ khác, hiệu quả kinh tế từ những cánh rừng này chưa đủ sức hấp dẫn nên các doanh nghiệp không mặn mà đầu tư theo hướng lâu dài và bền vững, nhất là trong việc làm giàu rừng tự nhiên là rừng sản xuất, trồng các loại cây gỗ lớn có giá trị kinh tế và phòng hộ cao gắn với chế biến đồ gỗ cao cấp...
Để khắc phục vấn đề này, cần có nhiều nguồn lực, các cơ chế, chính sách sát đúng, đồng bộ và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành chức năng, chủ rừng và cả người dân...