Khu vực bán vé và phòng chờ cho hành khách tại bến xe Hà Tĩnh vắng tanh những ngày cận Tết.
Kỳ nghỉ tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đã đến gần nhưng bến xe Hà Tĩnh vẫn đang trong tình trạng đìu hiu, vắng vẻ. Khu vực bán vé của hàng chục doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách chỉ có một nữ nhân viên ngồi chờ khách. Thi thoảng mới có vài người đến các quầy hỏi dò thông tin về thời gian, giá vé của các tuyến nhưng cũng chỉ mua vé đi trong ngày. Số lượng hành khách hỏi vé xe Tết chỉ “đếm trên đầu ngón tay”
Khu vực làm thủ tục xuất bến cho phương tiện cũng vắng tanh. Hàng ghế ở phòng chờ trống trơn, không có ai ngồi. Căng-tin phục vụ hành khách cũng đã trùm kín bạt, nghỉ bán lâu nay. Đặc biệt, tại bãi đậu, hàng chục xe giường nằm đắt tiền xếp hàng dài. Có những phương tiện, tài xế phải dùng khúc gỗ lớn kê lên cao, tránh hư hỏng bánh xe do không hoạt động từ nhiều tháng nay.
Xe khách chạy tuyến cố định vẫn đậu dài ở bãi đỗ.
Những năm trước, vé xe tết Nguyên đán tuyến Hà Tĩnh đi/về Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng... luôn “nóng” từ ngày 15 tháng Chạp cho tới rằm tháng Giêng, nhất là các ngày 24 đến 29 tháng Chạp và mùng 3 tới mùng 6 tháng Giêng. Năm nay, không cần đặt trước, người dân vẫn có thể mua được vé ở bến xe.
Theo các doanh nghiệp vận tải, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên nhiều người chọn cách ở lại nơi làm việc để đón Tết, thay vì về quê sum vầy với gia đình như mọi năm.
Nhu cầu sử dụng xe khách về quê ăn tết của người dân trong tết Nguyên đán Nhâm Dần này không tăng cao.
“Những năm trước, từ giữa tháng Chạp trở đi, người dân đã bắt đầu về quê ăn Tết khiến các nhà xe chạy không kịp nghỉ, xe cứ về bến là quay đầu để chạy tiếp. Còn năm nay, dù cận Tết rồi nhưng dịch COVID-19 vẫn phức tạp, nên người dân gần như không có nhu cầu đi lại”, tài xế Lê Tiến Dũng nhà xe Hồng Thịnh chạy tuyến Hà Tĩnh – Tuyên Quang chia sẻ.
Thời gian qua, dù lượng hành khách giảm sút mạnh, nhưng nhiều nhà xe vẫn chạy bù lỗ để cố gắng duy trì luồng tuyến với hy vọng việc kinh doanh dịp tết Nguyên đán sẽ khởi sắc hơn. Tuy nhiên, với tình trạng ảm đạm như hiện nay, nhiều nhà xe chỉ hoạt động cầm chừng bởi sợ nhu cầu về quê của người dân không cao.
Bến xe Hà Tĩnh có rất ít hành khách trong những ngày qua.
“Cận tết rồi mà mỗi ngày chúng tôi chỉ có 2 xe đi và về, thậm chí trên mỗi xe còn chưa đủ khách, phải bù lỗ rất nhiều. Chưa năm nào mà khách đi lại dịp tết Nguyên đán giảm mạnh như thế này, chắc chỉ bằng 10 - 20% so với mọi năm...”, ông Trần Văn Sỹ - Giám đốc Công ty CP Vận tải ô tô Hà Tĩnh - đơn vị có 7 phương tiện chạy tuyến Hà Tĩnh – Hà Nội cho hay.
Trong khi đó, ông Bùi Văn Viện - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại vận tải Hiếu Viện nói rằng, đơn vị có 10 đầu xe chạy tuyến Hà Tĩnh – TP Hồ Chí Minh nhưng hiện các phương tiện chủ yếu vẫn đậu ở bến. Tết đến, doanh nghiệp luôn mong muốn anh em có thêm tiền lương, thưởng nhưng tình trạng kinh doanh cứ kéo dài thế này thì các doanh nghiệp rất khó duy trì hoạt động, chứ chưa nói gì tới lương, thưởng.
Nhà xe phải kê phương tiện lên cao, tránh hỏng bánh do lâu không hoạt động.
Phó Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Tĩnh Bùi Phan Lương cho biết: Dù đã cận Tết nhưng việc kinh doanh của các đơn vị vận tải hành khách tuyến cố định vẫn gặp vô vàn khó khăn. Hiện nay, trung bình mỗi ngày chỉ có 30 lượt phương tiện xuất bến, giảm tới 80% so với thời điểm này những năm trước.
Bến xe khách “đìu hiu” dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Đánh giá về tình hình vé xe khách dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Nhâm Dần, ông Bùi Phan Lương cho rằng, gần như không xảy ra tình trạng khan hiếm vé, bởi ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19 khiến nhu cầu đi lại của người dân giảm đi và việc các hãng máy bay, tàu hỏa cũng tung ra chương trình khuyến mãi giảm giá nên các doanh nghiệp vận tải thêm phần hạn chế khách đi. Điều này cũng dẫn tới không có tình trạng nhồi nhét, “bán khách” hay tăng giá vé đối với hành khách.
Cũng theo Phó Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Tĩnh, dù việc kinh doanh gặp khó nhưng thời gian qua, các doanh nghiệp vận tải hành khách vẫn chấp hành khá tốt các quy định phòng chống dịch COVID-19 trong quá trình vận chuyển như: cung cấp đầy đủ thông tin hành khách (số điện thoại, nơi lên/điểm xuống, tiêm mấy mũi vắc-xin); khuyến cáo tài xế, nhân viên luôn đeo khẩu trang, xịt khuẩn, hạn chế tiếp xúc với người khác trong suốt hành trình và chủ động xét nghiệm COVID-19 nếu bản thân có biểu hiện mệt mỏi...