BHXH và Y tế “thắng” thì người bệnh “thua”

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi: 2 ngành Y tế và BHXH “áp đặt” nhau như hiện nay sẽ dẫn đến người bệnh rất khổ. Họ bị o ép từ hai phía.

Cuộc đối thoại giữa ngành Bảo hiểm Xã hội và Y tế diễn ra khá căng thẳng, thẳng thắn đi đến tận cùng của vấn đề, giúp người dân được hưởng lợi nhiều hơn.

bhxh va y te thang thi nguoi benh thua

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội

Trao đổi với báo chí sau khi dự cuộc đối thoại này, ĐBQH Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, người có nhiều năm nghiên cứu về BHXH cho biết: “Tôi nghĩ trách nhiệm của chúng ta là vì nhân dân. Bộ trưởng Bộ Y tế và Tổng giám đốc BHXH VN đều có trách nhiệm cao. Bộ Y tế gánh trọng trách chăm lo sức khỏe cho nhân dân phải chăm lo bằng cả trái tim, khối óc và trí tuệ. Còn BHXH VN gánh trên vai trọng trách giữ tiền cho dân phải gánh cho chắc để chăm lo sức khỏe của nhân dân”.

Ông Lợi nhấn mạnh: “Không được nói trước Quốc dân đồng bào là Quỹ BHXH và quỹ BHYT của chúng ta sẽ không còn và sẽ bị mất”. Điều đó sẽ khiến cho người dân lo ngại, vì BHXH của chúng ta gần 500.000 tỉ. Và nguyên tắc của BHXH là số người đóng đủ để chi trả cho số người thực hiện trong năm đó kết dư chúng ta vẫn còn. Quỹ BHYT vẫn còn 47.000 tỉ, năm nay mất cân đối 10.000 tỉ vẫn còn 37.000 tỉ.

Vì vậy, chúng ta hết sức bình tĩnh nói cho dân và xử lý cho dân hiểu. Trong luật BHXH nói rằng, Quỹ BHXH là do nhà nước bảo trợ, những người về hưu cũng được nâng lương chứ không chỉ những người còn đương chức. Còn BHYT nếu không may có mất cân đối thì ngân sách nhà nước sẽ đưa ra để đảm bảo chi trả cho nhân dân. Hội nghị TW 6 vừa bàn mấy đề án rất lớn, trong đó có 2 đề án quan trọng là tăng trưởng phát triển dân số và đề án nâng cao chăm sóc sức khỏe nhân dân. Và kèm theo đó là đề án đổi mới cơ chế quản lý tổ chức bộ máy đơn vị sự nghiệp.

Khi người dân tham gia BHYT khám, chữa bệnh, theo quy định của pháp luật, họ được hưởng những lợi ích tối đa và tốt nhất. Hiện nay, chúng ta đang đổi mới cơ chế quản lý, tính đúng, tính đủ các khoản chi phí khám, chữa bệnh kể cả tiền lương và chi phí khác cũng được chi từ quỹ BHXH. Vì thế, ngành y tế hoàn toàn có trách nhiệm để đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho nhân dân một cách tốt nhất. Nếu chăm sóc tốt nhất cho người dân tức là đã nâng cao thu nhập của chính mình. Anh phải cải cách chăm sóc sức khỏe như thế nào để tạo ra độ hấp dẫn. Có như vậy, người dân mới tham gia BHYT".

Trong bài phát biểu để “xoa dịu” căng thẳng, ông Lợi đã nói 2 ngành Y tế và BHXH VN đang có “vấn đề”. Lý giải điều này, ông Lợi nêu rõ: “Đó là do cơ chế, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát và xử lý cả 2 ngành đều chưa thực hiện tốt.

Từ khó khăn của 2 ngành “áp đặt” nhau như vậy sẽ dẫn đến người bệnh rất khổ. Họ bị o ép bởi anh chi trả BHYT và chi trả không sòng phẳng hoặc chi trả có vấn đề”.

“Nếu 2 ngành “thắng” chỉ có người dân là “thua”. Cho nên, trách nhiệm của ngành BHXH VN là giữ tiền cho đúng, trúng và chắc chắn. BHXH phải thanh quyết toán đầy đủ cho người bệnh để đáp ứng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Ngành Y tế phải bằng hết sức mình để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tốt nhất với trách nhiệm cao nhất và phải có tâm, có đức. Bằng y đức, anh kê đơn cũng phải đáp ứng được nhu cầu, đảm bảo chữa bệnh cho người dân chứ không nên quá lạm dụng”, ông Lợi góp ý.

Theo ông Lợi, hiện nay, ngành Y tế có nhiều văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước hướng dẫn chưa đồng bộ, còn thiếu, chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tế. Cần phải xem xét, sửa đổi kịp thời. Ngành y tế phải nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, để tạo ra sự hấp dẫn nhân dân đối với công tác khám chữa bệnh. Đặc biệt, ngành y phải tiếp tục đầu tư, nâng cao trình độ kỹ thuật, chống quá tải và quan trọng hơn là đảm bảo chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân tốt nhất.

Đối với ngành BHXH, đây là cơ quan quản lý đồng tiền nhân dân, mục tiêu là giữ tiền để chăm sóc sức khỏe nhân dân. Vì thế ngành phải cải cách thủ tục hành chính, thanh toán kịp thời, quản lý chặt chẽ không được vi phạm, đảm bảo quỹ và thành toán chi trả đúng theo quy định của pháp luật.

UB các vấn đề xã hội của Quốc hội đã yêu cầu từ nay đến năm 2020, ngành phải hoàn thiện CNTT để kiểm soát trên hệ thống, như thế sẽ minh bạch. Mỗi một người dân tham gia BHYT, đều có một mã số định danh để theo dõi, kiểm soát./.

Theo Thu Thủy/VOV.VN

Đọc thêm

Kỳ vọng từ việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Kỳ vọng từ việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Việc kịp thời sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 97/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hà Tĩnh về một số chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong triển khai hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.