Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Nguyễn Thị Gái; các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Nguyễn Thị Nữ Y, Trương Thanh Huyền; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Dương Tất Thắng, Đặng Ngọc Sơn cùng dự.
Tại phiên họp, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Thắng đã giải trình một số nội dung liên quan đến công tác cải cách tư pháp. Theo đó, trong thời gian qua, Tòa án hai cấp tiếp tục đổi mới thủ tục hành chính tư pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý; giảm bớt thời gian, hạn chế việc xử lý đơn không đúng quy trình.
Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Thắng giải trình các nội dung tại phiên họp.
Chú trọng việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp. Việc tổ chức các phiên toà đảm bảo nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.
Trưởng ban Pháp chế (HĐND tỉnh) Nguyễn Huy Hùng: Trong cải sửa án, phần lớn đều có lợi cho bị cáo, các tình tiết giảm nhẹ đều rất đơn giản như: Gia đình chính sách, hộ nghèo... nhưng tại sao cấp sơ thẩm không phát hiện ra.
Liên quan đến cải sửa án, trong năm 2019, Tòa án Nhân dân tỉnh đã cải sửa 110 vụ án do Tòa án cấp huyện xét xử sơ thẩm, trong đó có 97 vụ cải sửa do nguyên nhân khách quan và 13 vụ do nguyên nhân chủ quan của cấp sơ thẩm.
Chủ nhiệm UBKT Nguyễn Thị Gái: Việc cải sửa án, quan điểm của Viện Kiểm sát là y án nhưng theo tòa phúc thẩm thì lại cải sửa theo hướng giảm. Vậy quan điểm và trách nhiệm của các bên trong vấn đề này như thế nào?
Hầu hết các vụ cải sửa đều do tòa cấp phúc thẩm xét thấy có tình tiết mới hoặc các tình tiết chưa được cấp sơ thẩm xem xét như: Bồi thường, khắc phục hậu quả; có thành tích trong đấu tranh phòng chống tội phạm có cơ quan chức năng xác nhận; gia đình hộ nghèo; gia đình chính sách, có công với cách mạng…
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y: Trách nhiệm của tòa khi có nhiều vụ án bị tạm đình chỉ trong một thời gian dài nhưng đến nay vẫn chưa được xem xét giải quyết.
Chất vấn tại phiên họp, các đại biểu băn khoăn liên quan đến việc trong cải sửa án phần lớn đều được giảm án, các tình tiết giảm án còn đơn giản; xử lý trách nhiệm thẩm phán khi để xảy ra cải sửa án do lỗi chủ quan; chất lượng hội thẩm nhân dân…
Cũng tại phiên họp, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức rút kinh nghiệm kỳ họp thứ 12 của HĐND khóa XVII và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Kết luận phiên họp, Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn cho rằng, đối với phần giải trình của Tòa án Nhân dân tỉnh dù đã có nhiều ý kiến trao đổi, song nhiều nội dung vẫn chưa ngã ngũ. Vì vậy, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh hoàn chỉnh các nội dung theo yêu cầu của các ban HĐND nhất là số vụ án cải sửa của từng địa phương, chỉ ra nguyên nhân gắn với đó là trách nhiệm của từng cá nhân cụ thể để kiểm điểm đảng viên.
Chủ tịch HĐND tỉnh cũng cho rằng, việc án cải sửa từ sơ thẩm lên phúc thẩm theo hướng giảm án là chủ yếu, trong khi, các ban HĐND cho rằng, nhiều trường hợp không đủ căn cứ để giảm và Viện Kiểm sát cũng không thay đổi quan điểm. Vậy vấn đề đặt ra là gì? Để làm rõ vấn đề, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và các ban HĐND chọn và nghe kỹ một vài vụ việc điển hình.
Đề nâng cao hiệu quả xét xử, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị ngoài việc nâng cao chất lượng đội ngũ, thượng tôn pháp luật thì cần phải xử lý nghiêm cán bộ có vi phạm; rà soát bộ máy để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Về kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh vừa qua, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng việc chuẩn bị tài liệu còn chưa kỹ, chưa chủ động; việc tổ chức tiếp xúc cử tri chưa thực sự đổi mới; kết quả giải quyết các kiến nghị cử tri chưa nhiều; trả lời chất vấn một số nội dung vẫn chưa đạt yêu cầu.
Rút kinh nghiệm ở kỳ họp vừa qua, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành dồn sức hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch kinh tế - xã hội để kịp trình kỳ họp HĐND sắp tới; tập trung cụ thể hóa các nghị quyết, chính sách HĐND vừa ban hành; khẩn trương chuẩn bị các nội dung trình kỳ họp bất thường.
Cùng đó là tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng, nhất là khiếu nại, tố cáo; chú ý công tác an sinh xã hội, an ninh trật tự trong dịp Tết.