Bia trị thủy hiện đang được lưu giữ tại đền thờ Trương Quốc Dụng ở xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh.
Trước đây, đê Hữu Ngạn chưa được đắp nên vào mùa mưa lũ, nước sông Rào Cái đâm thẳng vào xã Phong Phú (nay là xã Thạch Khê). Nước từ các bàu phía Động Phủ theo các khe chảy vào, nước mặn từ phía biển dòng hải lưu mạnh theo hướng Bắc Nam kết hợp triều cường chảy lên, kết hợp với nhau gây ra hiện tượng dòng chảy xoắn ốc mạnh, làm xói lở và ngập mặn nghiêm trọng.
Sông Rào Cái đoạn chảy qua xã Phong Phú, lòng sông uốn cong, dòng chảy mạnh làm sạt lở lấn sâu vào bờ. “Chưa đầy trăm năm nay mà bờ đê trước đã sập đổ đến nơi này” (trích văn bia). Hàng năm, dòng nước lũ đã cuốn trôi hàng chục mẫu ruộng và có nguy cơ làm mất nơi sinh cơ lập nghiệp của dân làng.
Hiểu được nỗi thống khổ đó, gia đình 4 thế hệ của Tiến sĩ Trương Quốc Dụng gồm: Quan Thị nội - Hương cống Trương Quốc Kỳ (1730-1789), Thiêm sự phủ quân - Tú tài Trương Quốc Bảo (1772-1854), Thượng trụ quốc Đông các Đại học sĩ - Tiến sĩ Trương Quốc Dụng (1797-1864) và Chủ sự - Cử nhân Trương Quốc Quán (1827-1862) đã khởi xướng và góp tiền của, cùng với các quan chức đồng liêu, Nhân dân xã Phong Phú và các xã lân cận góp tiền của đắp đê, xây các mỏ hàn (dân quen gọi là cánh hàn) ngăn lũ xâm thực nước mặn, chấm dứt sạt lở đồng ruộng và đê sông Rào Cái, đem lại bình yên và ấm no cho Nhân dân.
Một mặt bia khắc năm 1863.
Theo nội dung văn bia, người khởi xướng đắp đê là Trãi Hiên tiên sinh Trương Quốc Kỳ (ông nội Trương Quốc Dụng), người có tầm nhìn xa trông rộng, với khả năng và điều kiện của mình, ông đã cung tiến 2 sở ruộng cho xã làm ruộng văn chỉ (ruộng phục vụ cho việc khuyến học và thờ tự nơi tôn vinh đạo học). Về sau, thân sinh của Trương Quốc Dụng là Trương Quốc Bảo tiếp tục tích góp tiền của để chuẩn bị cho việc đắp đê trị thủy. Sau hơn 20 năm tích lũy cộng với sự đóng góp của dân làng, Trương Quốc Bảo đã cùng với Nhân dân tiến hành khai thác đá ở núi Nam Giới đem về làm kè hộ đê. Lấy niên hiệu Tự Đức thứ hai (1849) khởi công. Từ già đến trẻ đều gắng sức để làm xong kè. Các xã ở bên cạnh cũng kéo đến góp sức.
Làm kè xong, bờ bãi không còn bị phá nát, đất ruộng được hồi sinh. Sau 6 năm đã hoàn thành được 6 cánh hàn đê, đoạn từ bãi tràn Hòa Lạc, miếu Đài Hai về hói ông Hương. Công việc dang dở thì Tú tài Trương Quốc Bảo mất. Thực hiện ý nguyện và công việc của ông và cha của mình, Tiến sỹ Trương Quốc Dụng trong thời gian về chịu tang cha đã cùng với con trai là Chủ sự - Cử nhân Trương Quốc Quán tiếp tục kè sông đắp đê được thêm 3 cánh hàn nữa. Công trình hoàn thành trong sự vui mừng khôn xiết và biết ơn của dân làng, mang lại lợi ích cho cả cộng đồng dân cư địa phương, bảo vệ xã Phong Phú vào mùa mưa lũ từ đó cho đến khi đắp đê Hữu Ngạn (1966) như hiện nay.
Khuôn viên đền thờ Đông các đại học sĩ Trương Quốc Dụng tại Thạch Khê
Để ghi lại sự kiện lịch sử này, Trương Quốc Dụng đã xây dựng, trực tiếp soạn văn bia và tổ chức khánh thành vào năm Quý Hợi (1863) tại vị trí vườn nhà bà Nhương, ông Hoàn Nhu (thôn Tân Hương, xã Thạch Khê ngày nay), trước khi ông đi nhận nhiệm vụ chống bọn phản động và hy sinh ngày 26 tháng 6 năm Giáp Tý (1864) trên vùng biển Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.
Bia được tạo tác hình vuông, Nhân dân địa phương thường gọi là “Bia Quan Thượng”, “Bia Cụ Thượng”. Bia có kích thước cao 0,9m, rộng 0,6m, đế hình vuông giật cấp 0,4m, 3 mặt khắc chữ Hán, chữ khắc chân phương sắc nét. Trải qua thời gian, lại không được bảo quản chu đáo, cho nên các mặt bia hiện nay đã bị bào mòn. Trước đây, bia dựng tại bờ sông nơi kè đá đắp đê nhưng do nhiều nguyên nhân, hiện bia đá này đang nằm trong khuôn viên đền thờ Trương Quốc Dụng.
Năm 2020, Đảng bộ và Nhân dân xã Thạch Khê cùng với hậu duệ nội ngoại dòng họ Trương Quốc, với sự giúp đỡ của các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa đã tổ chức phục dựng tấm bia này tại địa điểm cũ cách đây 157 năm, nhằm giới thiệu cho toàn thể Nhân dân trong và ngoài địa phương cùng hiểu và ghi nhớ công lao trị thủy to lớn của gia đình danh nhân Trương Quốc Dụng và Nhân dân xã Phong Phú xưa, Thạch Khê ngày nay.