Biển xanh hy vọng

(Baohatinh.vn) - Có người bạn của tôi nói rằng, nhắc đến Hà Tĩnh không thể không nhắc đến những địa danh lịch sử; những cảnh đẹp nức lòng và những món ăn dân dã. Và đặc biệt không thể không nhắc đến biển với những con sóng hiền hòa, dáng lưỡi liềm uốn cong.

Mỗi người nơi đây đều mang trong mình một mảnh hồn của biển xanh dịu dàng, của cát vàng, của tiếng sóng và bóng những con người vẫn lặng lẽ sống cùng biển…

bien xanh hy vong

Du khách đến với biển Lộc Hà

Có lẽ đúng như vậy, khi mỗi lần đi xa, tôi thường nhớ về biển. Tôi nhớ những ngày thơ bé lang thang trên biển, nhặt những vỏ sò hay đuổi bắt con còng gió với lũ trẻ cùng lứa. Mặc dù chỉ được ghé thăm biển vào những chiều cuối tuần nhưng tôi nhớ những chiều đi dọc bờ gió lồng lộng và trăng giữa tháng vời vợi, rực rỡ rải ánh sáng khắp mặt biển những vảy màu li ti, nhấp nhô như tấm khăn thủy tinh lôi cuốn, dẫn dụ. Dẫu đối diện với biển đến trăm lần nhưng vẫn là biển ấy, dù rằng không lần nào giống lần nào. Những cảm giác vừa xưa cũ muôn đời lại vừa mới mẻ mê hoặc tâm hồn.

Như trong một tiểu thuyết của John Banville, biển cùng với muôn lớp sóng là sự bao gộp của cả ba chiều thời gian: quá khứ, hiện tại, tương lai. Lặng nhìn mặt nước trong xanh, những con sóng cuộn mình vào bờ và đón lấy những cơn gió mát lành từ đại dương thổi lại, lòng tôi không khỏi tự hào về quê hương. Biển ở quê hương tôi lại mang dáng vẻ rất riêng. Bờ biển rộng dài, không tấp nập, xô bồ, luôn giữ được vẻ bình yên, dịu dàng, hết sức thơ mộng của nó. Cũng chính bởi biển mang một vẻ đẹp đậm chất Á Đông khiến biển trở nên rất đáng yêu, rất giàu thi vị.

Lắng tai nghe trong tiếng sóng có tiếng rì rào của những hàng phi lao đang nói với ta những lời của ngàn đời qua. Tôi đọc được ở đâu đó đoạn văn, rằng đặc trưng nghệ thuật của người Nhật, nếu có thể gói gọn trong câu thơ “Không lúc nào nghĩ đến bạn bè thân thiết nhiều như khi ngắm tuyết trăng hoa” thì đối diện với vẻ đẹp của biển, trong mỗi người lại nảy lên những xúc cảm và tình yêu thật nguyên sơ, trong sáng. Trước vẻ đẹp của biển, tôi hay nghĩ về những người thân, bạn bè, về những chuyện đã qua với mong muốn được chia sẻ và đồng cảm. Biển là không gian cho những khoảnh khắc lắng lòng khi vui, khi buồn với cả tấm lòng nhẫn nại, bao dung.

Mãi mãi biển là một màu xanh hy vọng. Mãi mãi sóng là những đứa trẻ con đêm ngày chạy đuổi nhau ngã vào bãi cát. Biển không có tuổi, cũng chẳng thuộc về bất kỳ ai. Nhưng với tôi, với mọi người nơi đây, đều tồn tại trong những hồi ức đẹp đẽ tuổi thơ một biển của riêng mình - biển của một thời để nhớ!

Đọc thêm

Văn hóa đọc trong thời đại số

Văn hóa đọc trong thời đại số

Có những người vẫn duy trì thói quen đọc truyền thống, nhưng cũng có nhiều người tiếp cận tri thức qua những phương tiện mới. Thay vì đọc sách giấy, họ tìm đến sách điện tử, audiobook...
Podcast truyện ngắn: Mùa trái dầu bay

Podcast truyện ngắn: Mùa trái dầu bay

Gió vẫn thổi. Trái dầu vẫn rơi từ thinh không, xoay tròn hai cánh chạm đất. Trái dầu có hai cánh nhưng gắn liền cùng một bầu. Hồi đó, trận đánh cuối trước giờ giải phóng cũng là mùa dầu bay ngợp trời đất này.
Tự do hay thiếu văn hóa?

Tự do hay thiếu văn hóa?

Những hành động xúc phạm Vua Hùng hay đùa cợt với hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh trên mạng xã hội là những hành vi phản cảm, thiếu văn hóa, vô ơn, cần bị lên án và tẩy chay.
Podcast tản văn: Tím mùa hoa cũ

Podcast tản văn: Tím mùa hoa cũ

Và tôi, mỗi năm, lại lớn thêm một chút, lại nhớ thêm một phần - như thể cả ký ức của tôi đều nở mùa hoa xoan cũ…
Podcast truyện ngắn: Những hạt mầm ký ức

Podcast truyện ngắn: Những hạt mầm ký ức

Xa xa, trên con đường mòn sắp được mở rộng, những người nông dân đang trở về nhà từ cánh đồng vừa cày ải. Họ nhìn ra phía đồi chè. Dù chưa ai biết mai này sẽ ra sao, nhưng lúc này, chỉ lúc này thôi, tất cả vẫn còn nguyên vẹn.
Phạm Quỳnh Như - thi sĩ của đồng quê và trẻ nhỏ

Phạm Quỳnh Như - thi sĩ của đồng quê và trẻ nhỏ

Đọc thơ ông đã nhiều nhưng có dịp về thăm ngôi nhà của ông ở thôn Trần Phú, xã Thạch Trị (TP Hà Tĩnh), tôi mới thật sự hiểu vì sao giới văn nghệ Hà Tĩnh gọi Phạm Quỳnh Như là “thi sĩ của đồng quê”.