Trụ sở Bộ Tài chính Mỹ tại Washington, DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 30/11, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) đã để ngỏ khả năng Bộ Tài chính nước này sẽ cạn kiệt ngân sách trước cuối tháng 12 nếu Quốc hội không nâng mức trần nợ công.
Trần nợ là giới hạn số tiền mà chính phủ liên bang Mỹ được phép vay. Tuy nhiên, báo cáo của CBO cho thấy Mỹ đã chạm trần nợ công mới là 28.900 tỷ USD và hiện Bộ Tài chính không còn khả năng đi vay mới để trả các khoản vay cũ đến hạn, dẫn tới nguy cơ chính phủ vỡ nợ.
Bộ Tài chính đang sử dụng “các biện pháp đặc biệt” để cho phép cơ quan này tiếp tục đi vay mới trong thời gian nhất định.
CBO dự báo nếu mức trần nợ công vẫn giữ nguyên và Bộ Tài chính chuyển 118 tỷ USD cho Quỹ tín thác đường cao tốc vào ngày 15/12 như đã lên kế hoạch, nhiều khả năng cơ quan này sẽ cạn kiệt ngân sách trước cuối tháng 12.
Nếu kịch bản trên xảy ra, Chính phủ Mỹ sẽ không còn đủ nguồn lực để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán và sẽ phải trì hoãn cấp tiền cho một số hoạt động, vỡ nợ hoặc cả hai.
CBO đã đưa ra cảnh báo trên trong bối cảnh Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trong thời gian qua đã liên tục hối thúc Quốc hội nâng mức trần nợ công trước ngày 15/12.
Phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng thượng viện ngày 30/11, bà Yellen nhấn mạnh điều quan trọng là Quốc hội cần nhận ra sự cần thiết phải nâng trần nợ công.
Mức trần nợ công là tổng số tiền mà Chính phủ Mỹ được vay để thực hiện nghĩa vụ pháp lý trên lĩnh vực công, bao gồm an sinh xã hội, phúc lợi y tế, trả nợ và lãi suất cùng các khoản thanh toán khác.
Ngày 14/10 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành luật tạm thời nâng mức trần nợ công lên 28.900 tỷ USD, qua đó phần nào giảm áp lực vỡ nợ liên bang.
Luật trên cho phép nâng giới hạn nợ công thêm 480 tỷ USD.
Một khi hai đảng Dân chủ và Cộng hòa không tìm ra tiếng nói chung trong vấn đề trần nợ công, nguy cơ vỡ nợ và ngừng hoạt động của Chính phủ Mỹ có thể xảy ra. Nếu vỡ nợ, nền kinh tế đầu tàu thế giới có thể rơi vào suy thoái.