Thạch Hà là một trong những điểm sáng về thực hiện công tác giáo dục QP-AN khi hằng năm, Hội đồng Giáo dục QP-AN huyện chủ động phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, địa phương, đơn vị khảo sát tình hình, nắm chắc đối tượng, đăng ký chỉ tiêu để cập nhật kiến thức cho các đối tượng đúng, đủ, kịp thời, đông nhất toàn tỉnh.
Riêng năm 2023, huyện đã bồi dưỡng, cập nhật kiến thức QP-AN cho 1.883 đối tượng 3 và đối tượng 4 (lãnh đạo cấp phòng, đảng viên), mở 1 lớp cho 65 chức việc tôn giáo, lồng ghép trong chương trình của 18 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị với 2.406 học viên, thường xuyên giảng dạy bộ môn giáo dục QP-AN cho 4.216 học sinh THPT...
Thượng tá Phan Huy Tiệp - Chính trị viên Ban CHQS huyện Thạch Hà cho biết: “Giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN là yếu tố quan trọng để hun đúc, bồi đắp truyền thống yêu nước, lòng tự tôn dân tộc và nâng cao ý thức cảnh giác, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân vững mạnh. Vì vậy, chúng tôi đã tổ chức giáo dục QP-AN thường xuyên, trách nhiệm, hiệu quả, bằng nhiều hình thức, sát với thực tiễn để tạo sức mạnh tổng hợp trong việc bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”.
Những năm gần đây, Cẩm Xuyên là một trong những huyện nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng, giáo dục kiến thức QP-AN. Đáng chú ý, các địa phương thường xuyên tổ chức các lớp cho chức sắc, chức việc, trưởng họ tộc, người uy tín trong cộng đồng và ưu tiên giáo dục kiến thức đại trà về QP-AN cho toàn dân. Không những thế, hằng năm, Cẩm Xuyên tổ chức giáo dục QP-AN cho ngư dân (riêng năm 2023 mở 1 lớp có 110 chủ tàu và ngư dân tham gia) nên nhận thức của bà con có nhiều chuyển biến.
Ngư dân Nguyễn Văn Việt (thôn Xuân Nam, xã Cẩm Nhượng) chia sẻ: “Năm nào cũng được vận động tham gia bồi dưỡng kiến thức QP-AN nên chúng tôi hiểu biết nhiều hơn, có trách nhiệm cao hơn về bảo vệ chủ quyền biển đảo và tham gia đánh bắt hải sản đúng quy định. Chúng tôi cũng được cung cấp thông tin để nâng cao nhận thức về phòng, chống chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc và các nội dung cơ bản Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ, Luật Lực lượng dự bị động viên...”.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, cơ quan quân sự đã vào cuộc tích cực cùng hội đồng giáo dục QP-AN các cấp để bồi dưỡng, trang bị đầy đủ, kịp thời, khoa học các kiến thức mới, cần thiết, gần gũi cho từng đối tượng. Năm 2023, toàn tỉnh đã tổ chức 169 lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 19.529 người, đạt 103% kế hoạch năm (chủ yếu là cán bộ thuộc đối tượng 2, 3, 4, chức việc tôn giáo, trưởng họ tộc, ngư dân, doanh nghiệp); phối hợp cùng các sở, ngành liên quan tổ chức giảng dạy, huấn luyện cho 50.520 học sinh THPT và sinh viên các trường chuyên nghiệp trên địa bàn; tăng cường phổ biến kiến thức QP-AN cho toàn dân với 557 phóng sự trên truyền hình, 643 bài phát thanh, 743 tin, bài trên các báo...
Đại tá Võ Quang Thiện - Chính ủy Bộ CHQS tỉnh cho biết: "Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn còn tiềm ẩn các yếu tố phức tạp, nhất là các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị... làm ảnh hưởng đến phát triển KT-XH, đời sống Nhân dân và thực hiện nhiệm vụ QP-AN. Vì vậy, chúng tôi đã tích cực tham mưu, đồng hành, vào cuộc cùng hội đồng giáo dục QP-AN các cấp tăng cường nhiều biện pháp, giải pháp để đẩy mạnh công tác giáo dục QP-AN, nâng cao nhận thức cho toàn quân, toàn dân về chủ trương, đường lối, định hướng của Đảng, Nhà nước, Quân đội về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Trong quá trình thực hiện có nhiều địa phương làm tốt như: Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh, TX Kỳ Anh... Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu, đồng hành cùng các cấp, địa phương, đơn vị tăng cường thực hiện đồng bộ, hiệu quả nội dung quan trọng này nhằm nâng cao trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới".