Trong một tuyên bố chung được xem là ít có tiền lệ được đăng tải trên trang web của Facebook đầu tuần, các công ty công nghệ lớn nhất thế giới là đang hợp tác trong một cuộc chiến chống tin giả xung quanh đại dịch COVID-19.
Facebook, Google và công ty con YouTube, Microsoft và công ty con LinkedIn, Reddit và Twitter đều đồng ý ký kết vào tuyên bố chung này.
“Chúng tôi đang giúp hàng triệu người kết nối đồng thời chống lại những thông tin sai lệch về virus corona chủng mới. Chúng tôi cũng cam kết nâng cao những nội dung được thẩm định trên các nền tảng của mình, đồng thời phối hợp với các cơ quan y tế của các chính phủ trên thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch này”, tuyên bố nêu rõ, “Chúng tôi cùng mời các công ty khác tham gia cùng, nhằm mục địch giữa cho công đồng chúng ta được khỏe mạnh và an toàn”.
Các đại gia công nghệ chung tay đối phó với tin giả về COVID-19
Tuyên bố này được đưa ra khi các công ty công nghệ và truyền thông, chịu áp lực rất lớn trước nạn tin giả, tin không xác thực tràn làn trên các mạng xã hội về dịch COVID-19. Các nền tảng mạng sau đó đã phải thực hiện nhiều biện pháp nhằm loại bỏ những thông tin này.
Facebook và Twitter đã thực hiện một số biện pháp để cấm các nội dung về virus Corona có thể gây hại cho cộng đồng. Cả hai nền tảng cũng cho biết sẽ cho nổi bật những thông tin chính thống từ các cơ quan của chính phủ khi người dùng tìm kiếm các thuật ngữ liên quan đến virus Corona.
Google mới đây đã công bố thành lập một nhóm phản ứng sự cố với đại dịch COVID-19. Nhóm này làm việc 24/24. Một trong những nhiệm vụ của nhóm là xóa các thông tin sai lệch khỏi kết quả tìm kiếm về đại dịch trên cả Google lẫn YouTube. Google cũng đang làm việc với Chính phủ Mỹ nhằm phát triển một trang web nhằm giúp người dân nước này có thể tìm kiếm và có câu trả lời cho hầu hết các câu hỏi liên quan đến COVID-19 như triệu chứng, các yếu tố rủi ro, các bước liên quan đến xét nghiệm…
Tin giả về COVID-19 được xem là bài “kiểm tra” xem liệu ngành công nghệ tin tức và các công ty công nghệ về khả năng đối phó với fake news
Khối lượng quá lớn những tin tức giả mạo trên các nền tảng truyền thông xã hội đang là bài “kiểm tra” xem liệu ngành công nghệ tin tức và các công ty công nghệ có khả năng hạn chế sự lan truyền của fake news một cách hiệu quả hay không.
Đầu tháng 3, Newsguard, công cụ xếp hạng các trang web theo độ tin cậy, cho biết “các trang web chăm sóc sức khỏe lừa đảo” được người dùng vào nhiều hơn 142 lần so với phương tiện truyền thông xã hội cũng như các trang web chính thức của của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh và Tổ chức Y tế thế giới cộng lại trong 90 ngày qua.
Ngay cả trước khi dịch COVID-19 bùng phát, Facebook, Google, Twitter và nhiều công ty công nghệ khác đã bị lên án vì không có những biện pháp mạnh tay nhằm ngăn chặn những nội dung có hại, gây hiểu lầm trong bối cảnh thế giới bị đe dọa vì bạo lực cực đoan, tấn công mạng và quảng cáo chính trị.
Tuần trước, Nhà Trắng đã có buổi họp nhằm kêu gọi sự hỗ trợ từ hàng loạt hãng công nghệ lớn như Amazon, Apple, Facebook, Google, Microsoft... trong cuộc chiến chống COVID-19.
Theo Giám đốc công nghệ Nhà Trắng, buổi họp này đã bàn luận về việc phát hành một cơ sở dữ liệu liên quan đến dịch COVID-19, ứng dụng các tiến bộ khoa học như trí tuệ nhân tạo AI để thu thập thông tin y tế.
Bên cạnh đó, các “ông lớn” công nghệ cũng được yêu cầu tăng cường phối hợp để cải thiện việc chia sẻ thông tin và ngăn chặn tin giả trên các nền tảng mạng xã hội. Hiện các công ty này đã có những cách thức phòng chống dịch như để nhân viên làm việc tại nhà, hủy bỏ các sự kiện lớn cũng như tuyên chiến với các thông tin sai lệch và giả mạo về dịch bệnh được lan truyền.