Cách trở Phú Lâm

(Baohatinh.vn) - Ở thôn Phú Lâm (Phú Gia, Hương Khê), ngoài cái tình, cái nghĩa thì chẳng có gì có thể gọi là “phú”. Phú Lâm còn nghèo lắm! Đến cả rừng cũng “nghèo”...

Từ thị trấn Hương Khê, vượt chừng 30 cây số, qua dăm bảy ngọn núi không rõ tên, chúng tôi mới đặt chân đến Phú Lâm. Khoảng 2/3 quãng đường là rừng núi, nhưng cây rừng ở đây chỉ còn độc mỗi keo. Tiếng chim chóc cũng hiếm. Có người dân nói với chúng tôi: “Sống ngay giữa rừng mà kiếm cây giang, cây mây làm dây buộc cũng khó, nói chi đến chặt gỗ”. Chợt thắt lòng tiếc nuối những cánh rừng phong phú “không thiếu cây gì”, “không thiếu con gì”. Rồi lại đặt câu hỏi: Phải chăng, những con người của rừng không còn yêu rừng, giữ rừng?

Từ đầu thôn, chúng tôi hỏi nhà ông trưởng thôn thì được hướng dẫn phải qua một ngọn núi nữa. “Chú cứ đi qua cái dốc cao kia sẽ thấy một cái làng nữa, rồi vô đó mà hỏi” – một chị vai quàng đôi gánh hướng dẫn. Từ cầu tràn Rào Rải đến nhà Trưởng thôn Lê Văn Hòe dài hơn 7 km và đến hết thôn cũng phải 3-4 km nữa.

Nhiều em học sinh học xong sẽ phải trú tạm nhà bạn vì chưa có cầu để về nhà (Trong ảnh: lớp ghép 4 + 5 của cô giáo Bùi Thị Hồng Hoài)

Dù rất muốn nhưng vì cây cầu gỗ bắc qua sông Rào Rải ở đoạn này mới bị nước cuốn trôi nên chúng tôi không thể qua bờ bên kia. Chưa kể, để đến những nhà cuối thôn lại phải qua một đoạn sông khác nữa. Ở đây, mỗi khi mưa lớn, nước dâng rất nhanh và chảy xiết trong khi những cây cầu tạm bằng gỗ hễ cứ lũ lớn là lại trôi theo dòng nước.

Hôm chúng tôi đến, cầu cũ cũng mới bị trôi và giờ thì người dân chuyển sang làm cầu phao. Người chặt nứa, người xẻ gỗ, người buộc, nối... dần dần, cây cầu phao cũng được hình thành. Đến chiều, người dân đã nối được 26 phao nứa, mỗi phao khoảng 30 cây, ước chừng chỉ khoảng 5–6 phao như thế nữa là sang được sông. Các phao nứa được nối bằng những cây gỗ dài, đường kính 40–50 cm, mặt cầu được lát bằng ván, xe máy cũng qua được. Cây cầu được người dân coi là “hoàn hảo” nhất từ trước đến nay sẽ được buộc vào những cây lớn 2 bên bờ sông, nước cao đến đâu thì cầu nổi theo đến đấy... Nhưng, trông vẫn chông chênh lắm!

Thôn Phú Lâm có 117 hộ, 430 nhân khẩu, trong đó 58 hộ, 230 nhân khẩu là người dân tộc Lào. Đầu những năm 40 của thế kỷ trước, vì nghèo, đói nên nhiều người Lào sang đây kiếm sống; về sau, họ lấy vợ, sinh con rồi định cư và trở thành công dân Việt Nam. Đến nay, những người dân tộc Lào ở Phú Lâm vẫn qua lại, thăm người thân bên kia biên giới. Mỗi lần sang bản Triều, bản Vạng Chạng, người Phú Lâm phải đi bộ, vượt rừng ròng rã 2-3 ngày. Ngược lại, người Lào cũng thường sang Phú Lâm thăm thân mỗi khi có lễ lạt, ma chay…

26 nhịp phao bằng tre nứa của cây cầu tốt nhất thôn Phú Lâm từ trước đến nay.

Diện tích tự nhiên của thôn rất lớn nhưng đất sản xuất chưa đến 21 ha, tính ra, mỗi khẩu chỉ được vài thước đất ruộng. Nhưng đất đai ngày một cằn cỗi, đến mùa gieo cấy lại thường thiếu nước nên việc sản xuất hết sức khó khăn. Phú Lâm vẫn chưa có chợ, người dân phải đi gần 20 km ra chợ ngoài trung tâm xã Phú Gia. Với người dân nơi đây, mỗi tuần một lần đi chợ đã là “nhiều lắm rồi”!

Trước nay, kinh tế của người dân Phú Lâm chủ yếu dựa vào rừng như hái lá đọt (lá làm nón), lấy mây, giang, mật ong…, nhưng nay rừng đã sẻ phát và trồng keo nên kinh tế càng khó khăn hơn. Gia đình anh Ngô Văn Sửu (3 nhân khẩu) chỉ có 6 thước đất ruộng nhưng không có trâu cày nên cho người khác mượn sản xuất. “Trước đi rừng còn kiếm được nhiều thứ bán, chứ giờ thì chịu rồi. Vợ chồng tôi cũng được Nhà nước giao cho 3 ha đất rừng, nhưng không có vốn, không biết kỹ thuật nên nhượng lại cho người khác. Chúng tôi chủ yếu trồng ngô trong vườn và phát rẫy thuê kiếm sống, nuôi con” - anh Sửu nói.

“Có nghèo đến mấy cũng không để con em thất học”, đó là lời tâm sự của Trưởng thôn Lê Văn Hòe và cũng là quyết tâm của người dân Phú Lâm. Thôn hiện có 1 điểm trường mầm non và một điểm trường tiểu học. Điểm trường Cây Trồ có 3 giáo viên phụ trách 5 lớp (2 lớp ghép và 1 lớp đơn). 5 lớp có 35 học sinh, trong đó, 26 em là người dân tộc Lào. Cô giáo Bùi Thị Hồng Hoài - Tổ trưởng điểm Trường Tiểu học Cây Trồ chia sẻ: Bây giờ, người dân bắt đầu coi trọng việc học hành của con cái, cha mẹ đã biết hỏi giáo viên về học lực, xếp loại, chứ trước đây mời phụ huynh đi họp cũng khó. Những ngày đầu, chúng tôi còn vất vả vận động phụ huynh cho con đi học, mượn nhà dân để dạy chứ chưa có trường lớp như bây giờ”.

Đường về Phú Lâm với những đoạn đường bi sạt nghiêm trọng.

Phú Gia là xã thuộc chương trình 135, khu vực biên giới, kinh tế còn nhiều khó khăn. Học sinh tiểu học có nhà cách điểm trường từ 4 km trở lên được hỗ trợ 15 kg gạo/tháng (theo Quyết định 36/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Nhiều em nhà cách trường chưa đầy 4 km, giao thông trắc trở, phải đi bộ, vượt sông, suối, rất khó khăn nhưng không đủ điều kiện để nhận gạo. Lại chợt nặng lòng, mong chính quyền địa phương linh động hơn, đánh giá khách quan về mức độ khó khăn các em phải trải qua để xem xét hỗ trợ, bởi “một ngày đường không bằng một gang nước”. Đây không chỉ là sự giúp đỡ thiết thực về vật chất mà còn có ý nghĩa to lớn động viên các em vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập.

Khói chiều đã lên xám cả một vùng núi đồi heo hút. Anh Sửu vẫn nằng nặc mời khách ở lại dùng bữa cơm rau, nhưng chúng tôi phải nói lời tạm biệt. Chia tay Phú Lâm mà lòng nặng trĩu. Lo nhất là đất sản xuất đang bị thu hẹp bởi thiên nhiên khắc nghiệt, người dân trong tay chẳng có một thứ nghề.

Phú Lâm còn xa xôi, cách trở đến bao giờ !?

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói