Cảm động bộ ảnh “Di sản quý giá” của Việt Nam

Bộ ảnh “Di sản quý giá” được thực hiện bởi một nhiếp ảnh gia người nước ngoài - Rehahn, người dành nhiều tình cảm với di sản văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam. Rehahn đã thực hiện một cuộc hành trình 10 năm để đến với các bản làng xa xôi nhất…

Bộ ảnh “Di sản quý giá” ngay khi sắp hoàn tất đã được tờ tạp chí kinh doanh Business Insider (Mỹ) giới thiệu trên chuyên mục du lịch. Tác giả của bộ ảnh này không ai khác chính là tay máy người Pháp vốn rất quen thuộc trên mặt báo Việt Nam - Rehahn. Ngoài ra, những bức ảnh tuyệt đẹp của Rehahn còn luôn được đăng tải trên nhiều tờ tạp chí uy tín khác.

Rehahn đã trở thành một tay máy có tiếng trong giới nhiếp ảnh du lịch với những khoảnh khắc nhiếp ảnh đầy cảm xúc và chiều sâu, phản ánh tâm hồn của cả người chụp và người được chụp.

Trong vòng 10 năm qua, nhiếp ảnh gia Rehahn đã đi đến khắp các vùng miền của Việt Nam để chụp hình các dân tộc thiểu số trong trang phục truyền thống và nơi sinh sống đặc trưng của họ. Tình yêu dành cho nhiếp ảnh đã đưa Rehahn đến với hơn 35 quốc gia, để rồi cuối cùng anh lựa chọn Hội An để gắn bó dài lâu.

Rehahn đã gặp gỡ người dân của 40 dân tộc thiểu số tại Việt Nam chỉ trong vòng 5 năm. Quãng thời gian 5 năm còn lại, anh phải rất kỳ công đi tìm kiếm gặp gỡ những dân tộc đặc biệt ít người, sinh sống ở những vùng xa xôi, hẻo lánh. Những chặng hành trình vất vả mà Rehahn đã thực hiện đưa lại cho anh những bức ảnh đặc tả sự đa dạng văn hóa của các dân tộc thiểu số.

Mỗi khi đến với một bản làng xa xôi, việc đầu tiên mà Rehahn thực hiện, đó là tìm gặp những người già trong bản, những người có những câu chuyện giàu có nhất, hấp dẫn nhất về bản sắc văn hóa. Lắng nghe những câu chuyện, chụp lại những khoảnh khắc, tất cả những việc ấy đã tạo nên một hiệu ứng đặc biệt đối với Rehahn.

Khi người già trong các bản làng nói về văn hóa đặc trưng của họ, Rehahn nhận thấy đôi mắt đã mờ đục bỗng như được thắp lửa, sáng rực và tươi vui. Khi tâm hồn họ trở về những quãng thời gian xa xăm, khi họ còn trẻ trung, trai tráng, còn thường xuyên diện những bộ trang phục dân tộc đi làm đồng áng, đi dự lễ hội, gương mặt người già cũng sáng bừng lên vẻ tự hào.

Nhưng đồng thời, Rehahn tin rằng anh còn nhìn thấy những tia buồn hắt lên gương mặt, ánh mắt của những người già mà anh đã gặp. Họ đều có một tâm sự chung, đó là thế hệ trẻ của bản làng bây giờ không còn hứng thú với những nét văn hóa truyền thống nữa.

Niềm tự hào đối với văn hóa của bộ tộc mình là điều mà những người già mong muốn được thấy ở người trẻ, nhưng họ không biết phải làm thế nào để truyền niềm tự hào thiêng liêng ấy cho thế hệ kế tiếp.

Những câu chuyện như vậy đã truyền cảm hứng cho Rehahn thực hiện bộ ảnh “Di sản quý giá” tính đến nay đã sắp hoàn thành và bắt đầu được trưng bày tại Hội An trong những ngày cuối năm Bính Thân, ngay trước thềm năm mới Đinh Dậu.

Ghi lại hình ảnh và câu chuyện về các nền văn hóa thiểu số đã đưa Rehahn tới với một sứ mệnh nhiếp ảnh. Sau khi tiếp xúc với nhiều nền văn hóa thiểu số ở Việt Nam, đặc biệt là những bộ tộc còn quá ít người, Rehahn lại càng khao khát ghi lại hình ảnh, câu chuyện của tất cả 54 dân tộc sinh sống trên dải đất hình chữ S.

Chia sẻ với Business Insider, Rehahn khẳng định bộ ảnh “Di sản quý giá” chính là dự án nhiếp ảnh quan trọng nhất trong cuộc đời anh.

Nhiều bộ tộc mà Rehahn đã gặp đang ngày càng thu nhỏ lại về số lượng, tiếp xúc với họ, Rehahn có cảm giác như một phần văn hóa đang sắp chìm vào giấc ngủ sâu vĩnh viễn mà không ai có thể làm bất cứ điều gì để đánh thức dậy nữa. Rehahn đã gặp những người trẻ thuộc các dân tộc thiểu số, khi được hỏi về nét văn hóa của dân tộc mình, họ không thể kể gì nhiều.

Người trẻ ở các bộ tộc giờ đây đều muốn rời khỏi bản làng xa xôi, hẻo lánh của mình để lên thành phố tìm kiếm việc làm, có được tương lai ổn định hơn, họ tạo thành một câu chuyện mới về một thế hệ mới, để lại đằng sau những di sản văn hóa truyền thống giờ đây chỉ còn những người già gìn giữ.

Chính câu chuyện này và sự cấp bách của nó đã khiến Rehahn thực hiện dự án “Precious Heritage” - “Di sản quý giá”, bởi khi đưa tới người xem bộ ảnh này, Rehahn biết rằng đang có những bộ tộc ngày càng thu hẹp về số lượng, những người già cuối cùng còn am hiểu về đời sống văn hóa truyền thống của bộ tộc mình cũng đang dần ra đi.

Rehahn đã gặp những bộ tộc nơi không người trẻ nào còn biết cách thực hiện trang phục truyền thống. Cũng có những bộ tộc chỉ còn người già lưu giữ lại vài bộ trang phục truyền thống như là kỷ vật, còn lại, đa phần người trong bản đều chuyển sang mặc quần áo “hiện đại”. Rehahn đã phải tìm tới những người già để có thể chụp ảnh các bộ trang phục truyền thống này.

Đó là chưa kể số người có thể nói thành thạo tiếng dân tộc trong các bản làng cũng ngày càng giảm sút, đa phần họ là những người già. Số lượng người có thể đọc hoặc viết tiếng dân tộc lại càng ít hơn. Những tài liệu, thư tịch cổ phản ánh về một thứ ngôn ngữ đã từng tồn tại, trải qua thời gian, đã thất lạc quá nhiều, thậm chí không còn mấy nữa.

Trên trang chia sẻ ảnh của Rehahn, bài viết giới thiệu về bộ ảnh “Di sản quý giá” đã đặt ra một câu hỏi nhức nhối: Bản chất của con người là tiếp tục tiến lên, phát triển, điều đó là lẽ thường, nhưng sẽ đến một lúc chúng ta nhìn lại và muốn biết về di sản của mình.

Đó sẽ là những câu chuyện về các tòa nhà cao tầng, về bầu trời nhỏ hẹp trong thành phố, về áp lực cuộc sống đô thị; hay là, những câu chuyện về cao nguyên xanh, về truyền thống rực rỡ và niềm tự hào?

Trong quá trình thực hiện bộ ảnh “Di sản quý giá”, Rehahn đã đặt mục tiêu cho mình phải gặp được đầy đủ 54 dân tộc của Việt Nam. Anh đã lắng nghe những câu chuyện văn hóa, chứng kiến những nghi thức tín ngưỡng.

Hiện tại, Rehahn đã sưu tập được 30 bộ trang phục dân tộc và vẫn đang tiếp tục sưu tầm để phục vụ triển lãm mở ra tại Hội An. Tháng 9/2016, Rehahn đã từng mở triển lãm “Di sản quý giá” tại Pháp, anh dự định sẽ tổ chức triển lãm dài lâu tại Hội An và khi cơ hội xuất hiện, sẽ đem triển lãm đến với nhiều nước trên thế giới.

Trong bài viết giới thiệu về dự án “Di sản quý giá”, Rehahn đã chia sẻ về mong muốn thực hiện một bảo tàng chuyên dành để triển lãm những bức ảnh, hiện vật văn hóa của các dân tộc thiếu số, đặt tại Hội An. Giờ đây, trong những ngày cuối tháng 1/2017, ngay trước thềm năm mới Đinh Dậu, triển lãm ấy đã được mở ra trên phố Phan Bội Châu.

Mong ước sau cùng của Rehahn với dự án này, chính là viết được một cuốn sách về từng bộ tộc mà anh đã tiếp xúc. Một cuốn sách phản ánh đầy đủ những nét văn hóa đa dạng và giàu có của từng bộ tộc, mà những bức ảnh và hiện vật trưng bày vẫn chưa thể phản ánh hết.

Rehahn hy vọng rằng việc một người nước ngoài tìm đến ghi lại những hình ảnh, câu chuyện văn hóa của các bộ tộc thiểu số sẽ giúp những bộ tộc này nhìn thấy được sự trân trọng đối với nền văn hóa độc đáo của họ. “Nhìn lại quá khứ chính là cách để hướng tới tương lai” - đó là câu kết trong bài viết trên trang chia sẻ ảnh của Rehahn khi nói về “Di sản quý giá”.

Cảm động bộ ảnh “Di sản quý giá” của Việt Nam:

Theo dantri.com.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói