Chị Nguyễn Thị Hà Tịnh - Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Trường (Nghi Xuân) trong một lần về vận động người dân cải tạo vườn, xây dựng vườn mẫu trong ngày làm việc.
Cách đây ít năm, Chủ tịch UBND xã Thạch Long (Thạch Hà) đã trả lời gây “chấn động” trên một tờ báo, đại ý: Cán bộ các tổ chức hội đến trụ sở hầu như không làm gì, trong khi công chức xã thì làm không hết việc. Câu chuyện cho thấy những vấn đề chưa ổn trong cơ chế làm việc của cán bộ các tổ chức hội. Đáng nói là, trong thời điểm hiện nay, nhiều tổ chức hội và cán bộ hội, kể cả ở cơ sở và cấp cao hơn vẫn còn làm việc theo hình thức “hành chính hóa”. Nhiều cán bộ hội đến trụ sở nhưng thật sự rất ít việc.
Để giải quyết mâu thuẫn giữa quy định giờ giấc hành chính và phương thức hoạt động của tổ chức (do điều lệ hội quy định), một số tổ chức hội đã có cách xử lý riêng. Chị Nguyễn Thị Liên - Chủ tịch Hội LHPN xã Thạch Kênh (Thạch Hà) là người hăng say làm NTM, thích đi vận động, tham gia lao động cùng chị em. Để xử lý ổn thỏa câu chuyện giờ giấc hành chính (do công chức UBND xã theo dõi, chấm điểm), chị đã lên kế hoạch trước và gửi Đảng ủy, UBND xã.
Chị Liên nói: “Trong những ngày làm việc, nhiều hôm, tôi vẫn vác xẻng, kéo xe đến làm việc với chị em. Mình không làm như vậy, chị em sẽ không tin, không nghe theo, dù có vận động thế nào đi nữa. Tất nhiên, hôm nào đi thì phải có kế hoạch, được Đảng ủy, UBND xã duyệt”.
Hăng say với phong trào xây dựng nông thôn mới, chị Nguyễn Thị Liên – Chủ tịch Hội LHPN xã Thạch Kênh (Thạch Hà) luôn xông xáo đi vận động, trực tiếp tham gia lao động cùng chị em.
Tương tự như chị Liên, chị Nguyễn Thị Hà Tịnh - Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Trường (Nghi Xuân) cũng áp dụng linh hoạt. Từ đầu năm đến nay, đặc biệt là giai đoạn này, Xuân Trường tập trung rà soát xây dựng vườn mẫu. Từ bí thư đảng ủy, công chức xã đến cán bộ hội đều sắp xếp thời gian xuống từng gia đình khảo sát diện tích vườn, tìm hiểu về lao động, kỹ thuật canh tác để chọn những gia đình có khả năng nhất. Vì thế, thay vì bám riết tại trụ sở, cán bộ hội nơi đây dành nhiều thời gian về vận động hội viên, đoàn viên.
“Có những hôm, đang ở phòng làm việc thì chị em dưới thôn gọi, bảo tôi về hướng dẫn kỹ thuật ủ phân bón hữu cơ làm từ rác, tôi liền báo cáo với lãnh đạo xã và xuống với chị em. Có như thế, chị em mới tin yêu mình” - chị Tịnh nói.
Chuyện của chị Tịnh làm tôi nghĩ đến phương châm làm việc của bà Đậu Thị Thu Huyền - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Xuân Hải (Nghi Xuân): “Làm mặt trận là trận nào cũng có mặt”.
Nói vậy, song trên thực tế, cơ chế để xử lý 2 đòi hỏi vướng nhau này là chưa rõ ràng. Khó khăn lớn nhất là, cán bộ hội cũng phải chấp hành nghiêm túc các văn bản về siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, do đó, nếu không có mặt thường xuyên tại trụ sở, thì lại bị coi là vi phạm. Trong khi, chức năng quan trọng của tổ chức đoàn thể là vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên, thể hiện ý chí, nguyện vọng của hội viên…
Điều này lý giải tại sao, trong lần trao đổi trước hội nghị bàn về cơ cấu, tổ chức hoạt động của bộ máy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Nam Hồng đã gợi ý: Cán bộ các tổ chức hội có nên tuân thủ nghiêm túc giờ giấc hành chính, làm việc như công chức hay không? Từ thực tế và gợi ý của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, thiết nghĩ, cần xây dựng cơ chế làm việc của các tổ chức hội cơ sở để cán bộ hội thật sự gắn bó với hội viên, phát huy tốt vai trò của tổ chức trong tham gia xây dựng NTM, đô thị văn minh, tạo đồng thuận xã hội.