Cán bộ, phóng viên Báo Hà Tĩnh: Thắp lửa tình yêu nghề trong những tháng năm gian khó

(Baohatinh.vn) - Những ngày này, lần giở những trang Báo Hà Tĩnh thuở còn gian nan, tôi không khỏi rưng rưng xúc động. Một thời kỳ chiến đấu, một thời kỳ dựng xây của tỉnh nhà hiện lên rõ nét qua từng trang báo sẫm màu thời gian. Và đằng sau đó là bao vất vả gian lao của người làm báo.

Ngày 2/9/1962, Báo Hà Tĩnh, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh ra đời. Ban Biên tập gồm các đồng chí: Trần Chỉ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Chủ nhiệm; Võ Trọng Cúc - Phó Chủ nhiệm (sau này đồng chí Trần Chỉ chuyển công tác, ông Võ Trọng Cúc làm Chủ nhiệm, rồi đổi thành Tổng Biên tập); Nguyễn Đăng Đơ - Phó Chủ nhiệm (sau đó đổi thành Phó Tổng Biên tập), Phạm Hồ - Ủy viên Ban Biên tập (sau đó đổi thành Thư ký Tòa soạn), và một số phóng viên từ các cơ quan thông tin chuyển sang. Phóng viên chủ lực buổi đầu gồm các ông bà: Trần Văn Trạc, Đinh Duy Thoại, Đinh Nho Liêm, Nguyễn Công Tiến, Trần Thuận, Trí Đạt, Trần Thị Tú Cơ, Đoàn Thị Chính…

Cán bộ, phóng viên Báo Hà Tĩnh: Thắp lửa tình yêu nghề trong những tháng năm gian khó

Đồng chí Trần Chỉ - Chủ nhiệm Báo Hà Tĩnh từ năm 1962 - 1964. Ảnh tư liệu

Nhớ về những năm tháng này, bác Nguyễn Công Tiến - nguyên Giám đốc Đài PT-TH Hà Tĩnh, lúc đó là phóng viên Báo Hà Tĩnh bồi hồi kể lại: “Thời kỳ đầu, phương tiện hành nghề của chúng tôi hầu như chưa có gì, cả tòa soạn chỉ có vài chiếc máy ảnh dùng chung. Anh Trí Đạt là người duy nhất có máy riêng.

Tôi tốt nghiệp Trường Tuyên huấn Trung ương, còn lại phóng viên chủ yếu là nghiệp vụ “tay ngang” từ các ngành nghề chuyển sang, không được đào tạo. Chúng tôi chủ yếu là đi bộ trong phạm vi gần, khi đi cơ sở thì ra bến bắt xe khách hoặc gia đình “ưu tiên” nhường xe đạp cho đi. Báo in ti-pô - sắp chữ chì. Nhà in ở xa Tòa soạn vài ba ki-lô-mét, phóng viên không có xe đạp phải đi bộ, ăn ở với công nhân, lúc báo in xong, tay xách nách mang, thuê xe đưa về bưu điện”.

Bà Đoàn Thị Chính, một trong hai phóng viên nữ của tòa soạn lúc đó còn nhớ như in cảnh viết tin bài bằng bút lá tre chấm mực trên những tờ giấy nứa nâu sẫm màu. “Lúc đó toàn thị xã chỉ có Báo Hà Tĩnh (đóng ở vị trí Đài PT-TH Hà Tĩnh bây giờ) có đèn nê-ông sáng rực về đêm, chúng tôi thường viết bài dưới ánh đèn ấy nhưng đến 1965, khi chiến tranh xảy ra ác liệt, cơ quan báo sơ tán về các vùng nông thôn thì chúng tôi phải ngồi viết dưới hầm chữ A, trong ánh đèn dầu tù mù” - bà Chính hồi tưởng.

Cán bộ, phóng viên Báo Hà Tĩnh: Thắp lửa tình yêu nghề trong những tháng năm gian khó

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện thân mật với cán bộ tỉnh và các nhà báo Nghệ Tĩnh. Ảnh tư liệu

Cán bộ, phóng viên Báo Hà Tĩnh: Thắp lửa tình yêu nghề trong những tháng năm gian khó
Báo Hà Tĩnh năm đầu tiên tách tỉnh. Ảnh tư liệu

Trong giai đoạn đất nước thống nhất, xây dựng chủ nghĩa xã hội, hai tỉnh Nghệ Tĩnh nhập lại năm 1976, tờ Nghệ Tĩnh chuyển sang in khổ lớn. Phạm vi không gian phản ánh rộng lớn hơn, chủ yếu tập trung vào không khí xây dựng chủ nghĩa xã hội, tái thiết tỉnh nhà. Nhiều tin bài phản ánh không khí trên các công trình thủy lợi lớn như Kẻ Gỗ, Vách Bắc, Vách Nam, ba-ra Đô Lương, nạo vét sông Nghèn…

Đặc biệt, từ năm 1986, hưởng ứng không khí đổi mới của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, thông tin, tuyên truyền không còn nói một chiều mà chú ý sự tiếp nhận, phản ánh từ công chúng, không những biểu dương điển hình mà còn đấu tranh chống tiêu cực, phê phán yếu kém, nhược điểm.

Đằng sau tờ báo đàng hoàng, có vị thế lớn xuất bản tuần 2 kỳ (sau nâng lên 3 kỳ/tuần) là những vất vả mà người làm báo phải đối mặt của thời kỳ bao cấp: Trụ sở làm việc của Tòa soạn đóng tạm tại thôn Phong Toàn, xã Hưng Dũng (nay là phường Hưng Dũng - thành phố Vinh). Cơ ngơi chỉ có 3 gian nhà gỗ lợp ngói là chỗ làm việc của Ban Biên tập, 16 gian nhà tranh, vách nứa, vách đất là chỗ làm việc và nơi ở của cán bộ, viên chức.

Cán bộ, phóng viên Báo Hà Tĩnh: Thắp lửa tình yêu nghề trong những tháng năm gian khó

Ấn phẩm báo in của Báo Hà Tĩnh các thời kỳ.

Thời bao cấp, đời sống của những người làm báo hết sức khó khăn kể cả khi chuyển lên nhà C2 Quang Trung bởi phụ thuộc vào chế độ tem phiếu. Tuy vậy, cán bộ, phóng viên vẫn say sưa với nghề. Báo Nghệ Tĩnh có đội ngũ cán bộ, phóng viên, công nhân, viên chức đông đảo, trình độ nghiệp vụ đảm bảo. Ngọn lửa tình yêu nghề đã giúp nhiều phóng viên sáng tạo ra nhiều tác phẩm có tiếng vang, điển hình là các nhà báo: Trần Văn Trạc, Đinh Nho Liêm, Phan Duy Thảo, Lê Hữu Quý, Trần Nhuệ, Phan Thế Cải, Lê Quý Kỳ, Dương Huy, Trần Văn Hiền, Phan Thúy Liên, Lê Xuân Thụ, Nguyễn Thanh Phong, Phan Huy Thàng, Lê Bá Mười, Văn Tân, Nguyễn Khắc Hiển v.v…

Năm 1991, tỉnh Nghệ Tĩnh tách ra thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Tỉnh Nghệ An chia tách nhưng vẫn ở tại chỗ, Hà Tĩnh phải tổ chức “một cuộc di dời toàn diện” từ thành phố Vinh về lại thị xã Hà Tĩnh. Báo Hà Tĩnh phải trải qua những ngày đầu với biết bao khó khăn, thiếu thốn, vất vả. Đội ngũ lãnh đạo và cán bộ, phóng viên khá mỏng, chỉ vỏn vẹn 16 người.

Do buổi đầu sơ khai, người ít, chỗ ở kiêm nơi làm việc chật chội (cả cơ quan được phân công vào ở và làm việc tại 2 dãy nhà cấp 4 của Công ty Vật tư tổng hợp Hà Tĩnh) nên chỉ thành lập 3 phòng: Thư ký, Phóng viên, Hành chính. “Vạn sự khởi đầu nan”, các cán bộ, phóng viên của Báo đã vượt qua khó khăn đời thường để giữ cho mình ngọn lửa nghề, tạo dựng nên tờ Báo Hà Tĩnh có vị thế, uy tín trong toàn Đảng, toàn dân, làm nền tảng cho các thế hệ sau tiếp bước cho đến ngày hôm nay.

Tin liên quan:
  • Cán bộ, phóng viên Báo Hà Tĩnh: Thắp lửa tình yêu nghề trong những tháng năm gian khó
    15 năm trong “mái nhà chung” Báo Nghệ Tĩnh

    Tháng 12/1975, Quốc hội khóa V quyết nghị hợp nhất 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh thành tỉnh Nghệ Tĩnh, cán bộ, phóng viên (CBPV) Báo Hà Tĩnh lại khăn gói hành quân về “thành phố Đỏ” với bao nỗi trăn trở, khó khăn của những ngày đầu đầu quân cho tờ báo mới mang tên Nghệ Tĩnh.

  • Cán bộ, phóng viên Báo Hà Tĩnh: Thắp lửa tình yêu nghề trong những tháng năm gian khó
    Những ngày mới ra đời Báo Hà Tĩnh

    Đúng ngày 2/9 năm nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh vui mừng kỷ niệm sự kiện quan trọng: Tròn 60 năm Báo Hà Tĩnh - tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh xuất bản số đầu (2/9/1962 - 2/9/2022).

Chủ đề 60 năm Báo Hà Tĩnh ra số đầu

Đọc thêm

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Hướng dẫn số 03-HD/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã hướng dẫn chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện cấp ủy viên; độ tuổi cấp ủy viên; cơ cấu, số lượng cấp ủy viên, ủy viên BTV và phó bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương, cấp cơ sở...
 [Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

[Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

Đại hội Đại biểu lần thứ V của Đảng diễn ra từ ngày 27 đến 31/3/1982, tại thủ đô Hà Nội, đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Tổng Bí thư. Ngày 14/7/1986, Ban Chấp hành Trung ương họp phiên đặc biệt, đồng chí Trường Chinh được bầu giữ chức Tổng Bí thư thay đồng chí Lê Duẩn (từ trần ngày 10/7/1986).