Biệt đội SEAL đóng vai trò rất lớn trong cuộc giải cứu lần này, họ là lực lượng được trang bị tốt để tiến hành các nhiệm vụ trong điều kiện ngập nước.
Đơn vị gồm 144 người được thành lập vào năm 1956 và được Mỹ huấn luyện.
Các trang bị của lực lượng này rất đầy đủ và hiện đại, họ nằm trong số ít người có thể tiếp cận được với vị trí của 13 thành viên đội bóng bị mất tích tại hang Tham Luang.
Hầu hết hoạt động của đơn vị này đều nhạy cảm và ít tiết lộ với công chúng. Họ cũng tham gia vào các hoạt động cứu hộ, cứu nạn và đã hỗ trợ các bài huấn luyện của thủy quân lục chiến Thái Lan.
Biệt đội SEAL cũng nhận được sự hỗ trợ của rất nhiều những lực lượng khác của Thái Lan để có thể hoàn thành nhiệm vụ.
Mỗi người lính của đội SEAL này đều phải trải qua quá trình tập luyện gian khổ. Họ phải có khả năng bơi 500 m trong dưới 12 phút 30 giây, nghỉ 10 phút sau đó bơi lại. Yêu cầu tiếp theo là chống đẩy 42 lần dưới 2 phút, gập bụng 52 lần tối thiểu trong 2 phút, nghỉ 2 phút và lặp lại quá trình trên.
Tại đợt giải cứu lần này, đội SEAL phải chia ca hoạt động liên tục bất kể ngày đêm.
Thời gian đào tạo tối thiểu của các thành viên đội Seal từ 8-11 tháng. Khi đã trở thành thành viên của biệt đội Seal, họ vẫn phải huấn luyện thường xuyên để trau dồi kỹ năng.
Các thành viên đội SEAL cùng 2 thợ lặn chuyên nghiệp của Anh là những người đầu tiên tiếp cận được vị trí đội bóng mắc kẹt. Tuy nhiên, việc đưa các cầu thủ nhí ra ngoài tiếp tục là thách thức lớn cho biệt đội SEAL và lực lượng cứu hộ.
Hải quân Thái Lan đã triển khai thêm 20 thợ lặn đặc nhiệm tới khu vực, nâng số binh sĩ tham gia chiến dịch cứu nạn tại đây lên 84 người.
Đội SEAL hiện tại trở thành niềm hy vọng lớn nhất để giúp các em nhỏ có thể thoát hiểm ra ngoài.