Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu thảo luận
Đại biểu cho rằng, so với dự thảo luật tại kỳ họp thứ 2, Luật Du lịch đã được kết cấu lại một cách khoa học, chặt chẽ hơn với 9 chương, 82 điều, trong đó đã bổ sung một số nội dung về sản phẩm du lịch, đô thị du lịch, du lịch cộng đồng...
Các điều khoản có liên quan đến phạm vi điều chỉnh cũng đã được chỉnh lý theo hướng quy định về tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch và các hoạt động du lịch; quyền, nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức tăng kinh doanh du lịch hoặc thực hiện các hoạt động khác có liên quan đến du lịch và quản lý nhà nước về du lịch.
Đại biểu bày tỏ sự đồng ý với báo cáo giải trình tiếp thu và chỉnh lý dự thảo luật du lịch của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, để dự thảo hoàn chỉnh hơn, cần quan tâm 3 vấn đề.
Thứ nhất, theo tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã khẳng định một trong những nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là xác định mô hình hệ thống tổ chức quản lý du lịch, đặt yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới. Tiềm năng Việt Nam về du lịch rất to lớn so với các nước trên thế giới, nhưng việc phát huy lợi thế đó chưa cao, chưa có sự cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới. Vì vậy, ngoài việc quản lý nhà nước trong luật, cần thể hiện sự đột phá phát huy về lợi thế và mũi nhọn.
Quy định tại Điều 5 về chính sách phát triển du lịch vẫn còn chung chung. Khoản 3, 4 quy định về nhà nước ưu tiên bố trí kinh phí chính sách khuyến khích cho các hoạt động phát triển du lịch nhưng điều này lại không giao một cơ quan chức năng nào hoặc Chính phủ quy định chi tiết hoặc chịu trách nhiệm thi hành.
Theo đại biểu, để thực hiện Nghị quyết trung ương 8 về phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và thực hiện mục tiêu đặt ra là năm 2020, doanh thu của du lịch đem lại 35 tỷ USD, khách du lịch quốc tế tăng 190% thì trong điều kiện ngân sách trung ương và địa phương còn hạn hẹp, cần cụ thể hóa hơn trong luật về các chính sách ưu đãi giống như Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cần có những chính sách về thuế, ưu đãi về đầu tư, quy hoạch giải phóng mặt bằng... cho những doanh nghiệp xây dựng và hình thành các khu du lịch; có các chính sách quy hoạch vùng, liên vùng giao cho Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm khai thác tối đa lợi thế của địa phương chứ không phải đơn thuần về vấn đề quản lý như các Khoản 6, 7 tại điều này. Các Khoản 6, 7 là chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan, ban, ngành, địa phương không cần phải quy định trong luật.
Thứ hai, về đô thị du lịch có 2 phương án: Phương án 1 không quy định về khu đô thị du lịch; phương án 2 quy định về đô thị du lịch. Đại biểu cũng đồng ý chọn phương án 2, qua đó mở đường cho phát triển về du lịch các địa phương, thực hiện mục tiêu phát huy ngành mũi nhọn.
Tuy nhiên, quy định về đô thị du lịch ở phần này còn tương đối sơ sài, cần bổ sung giải thích thuật ngữ về đô thị du lịch. Có thể bổ sung trong Điều 3 hoặc điều đầu tiên trong Mục 2 này nếu như đưa điều này vào Luật du lịch. Theo đó dự thảo luật cần làm rõ các nội dung về đô thị du lịch, trách nhiệm quản lý của chính quyền và cơ quan chức năng về quản lý du lịch và chính sách riêng cho đô thị du lịch, đặc biệt chính sách về kết cấu hạ tầng, dịch vụ, nếu không thì đô thị du lịch không khác gì so với đô thị bình thường.
Thứ ba, về kinh doanh du lịch trực tuyến. Thế giới đã chuyển từ thế giới phẳng sang thế giới trực tuyến nhưng dự thảo không đề cập đến nội dung phát triển du lịch trực tuyến, tức là áp dụng công nghệ vào du lịch. Trong ngành du lịch hiện nay, các du khách dễ dàng đặt phòng nghỉ bằng các ứng dụng công nghệ. Kinh doanh du lịch trực tuyến đang phát triển trong lĩnh vực du lịch, thiếu nội dung này thì dự thảo luật sẽ khuyết một phần cơ bản trong kinh doanh du lịch hiện đại. Theo giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội, kinh doanh trực tuyến đã được điều chỉnh bởi pháp luật về thương mại điện tử.
Tuy nhiên, để mang tính hệ thống và đầy đủ thì dự thảo về Luật Du lịch nên quy định về kinh doanh trực tuyến là một trong những loại hình kinh doanh trong Chương V về kinh doanh du lịch. Nếu như điều này được điều chỉnh bởi pháp luật về thương mại điện tử rồi thì trong dự thảo luật có thể đề cập đến loại hình kinh doanh du lịch trực tuyến nhưng sẽ dẫn chiếu sang Luật thương mại điện tử. Như vậy, dự thảo luật vừa mang tính hệ thống, phản ánh đầy đủ các nội dung của kinh doanh du lịch hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển vừa không bị trùng lặp, xung đột với các luật khác.