Cẩn trọng sập bẫy “việc nhẹ, lương cao" trên mạng xã hội

(Baohatinh.vn) - Lợi dụng tâm lý muốn kiếm thêm thu nhập của người dân Hà Tĩnh, nhiều chủ tài khoản đăng tải thông tin tuyển dụng “việc nhẹ, lương cao" trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian vừa qua, trên các hội nhóm mạng xã hội của một số địa phương tại Hà Tĩnh xuất hiện nhiều chủ tài khoản Facebook đăng tải thông tin tuyển dụng với chiêu trò “việc nhẹ, lương cao". Đối tượng mà các chủ tài khoản này hướng tới chủ yếu là học sinh, người lao động có thu nhập thấp cần tăng thêm nguồn thu.

Trên Fanpage C.T.Q.T có hơn 12.500 thành viên, không khó để bắt gặp những bài viết tuyển dụng dưới dạng "việc nhẹ, lương cao". Nội dung của các bài viết này xoay quanh công việc đơn giản như: phân loại hàng hóa, gấp túi giấy, đóng hoa quả… Các chủ tài khoản đăng tải đều hứa hẹn mức thu nhập từ 300.000 - 450.000 đồng/ngày. Thậm chí, người dân còn có thể chủ động mang hàng hóa về nhà làm và được trợ cấp thêm chi phí đi lại, ăn uống.

000.jpg
Những tin bài tuyển dụng "việc nhẹ, lương cao" xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội trong thời gian gần đây.

Do tâm lý nôn nóng muốn kiếm tiền, chị V.T.L (trú xã Cẩm Thịnh, Cẩm Xuyên) đã liên hệ với một chủ tài khoản Facebook đăng tải nội dung nêu trên, bày tỏ nguyện vọng được ứng tuyển vào vị trí việc làm tương tự. Người này dẫn dắt chị L. truy cập vào một nhóm Zalo có tên “Hợp tác - Phát triển - Thành công".

Khác với công việc đóng gói sản phẩm như đã mô tả trước đó, người này giới thiệu công việc chính là đầu tư sinh lời. “Nếu em muốn tham gia kiếm tiền, em chỉ cần tạo 1 tài khoản sàn rồi đến khung giờ vào nhóm đặt theo lệnh chị báo. Chị cam kết 1 ngày thu nhập sẽ từ 300.000 - 360.000 đồng” - người này giới thiệu.

Dưới bài đăng, nhiều tài khoản seeding (những tài khoản ảo chủ yếu để comment, like, share các bài viết nhằm thu hút sự chú ý từ cộng đồng mạng) liên tục nhắn tin vào hội nhóm, xác minh có nguồn thu nhập đáng kể. Việc kết nối, tương tác giữa các thành viên nhằm tăng niềm tin bước đầu cho thành viên mới tham gia.

Đáng nói, khi chị L. bày tỏ nguyện vọng được ứng tuyển, những người này bắt đầu “ngả bài", yêu cầu thành viên tham gia phải đóng vốn ban đầu là 300.000 đồng. Số tiền được chuyển trực tiếp vào tài khoản cá nhân.

ca845cbc-c196-470d-bc48-59c724db1e1f.png
Yêu cầu nộp vốn, phí đăng ký tài khoản là chiêu trò lừa đảo của những đối tượng này.

Tương tự, một tài khoản Facebook đăng tải nội dung tìm người làm việc hộ với mức thu nhập 1.700.000 đồng/tuần trên nhóm tuyển dụng có hơn 6.200 thành viên tại Hà Tĩnh. Khi chúng tôi liên hệ, người này tư vấn công việc nhập số liệu đơn hàng sữa với các thao tác đơn giản. Tuy nhiên, để có thể đăng ký tài khoản tham gia, người này yêu cầu nộp 99.000 đồng, số tiền này được coi là vốn sinh lời ban đầu.

Không chỉ tại Hà Tĩnh, thời gian gần đây, các cơ quan báo chí đã liên tục phản ánh tình trạng lừa đảo việc làm gia công tại nhà diễn ra khắp cả nước. Điển hình như trường hợp của công ty có tên Thuận Trung Thông lừa đảo với hình thức tuyển dụng gia công xâu hạt gỗ thành vòng tay, sau đó được trả công khi hoàn thiện sản phẩm.

Người có nhu cầu tham gia phải cọc một số tiền tương ứng với lượng sản phẩm của công ty thông qua ứng dụng có tên Shopnew. Khi hoàn thiện sản phẩm, mặt hàng sẽ được chuyển về các đại lý của Công ty Thuận Trung Thông, sau đó, công ty sẽ chuyển lại tiền cọc và tiền công cho khách hàng.

Quá trình giao nhận hàng chỉ diễn ra thuận lợi trong khoảng 3 tháng đầu, sau đó, nhiều khách hàng không còn nhận được tiền cọc lẫn tiền công của mình khi công ty mất liên lạc, không thể truy cập vào tài khoản Shopnew. Hàng nghìn người sập bẫy lừa đảo “việc nhẹ, lương cao" của Công ty Thuận Trung Thông phải đối diện với tình trạng mất trắng hàng trăm triệu đồng.

qqqq.jpg
Những sản phẩm Công ty Thuận Trung Thông mà người tham gia phải cọc tiền để nhận về thi công tại nhà. (Ảnh: VTV)

Một hình thức lừa đảo phổ biến khác đó là tuyển cộng tác viên bán hàng online. Người tham gia được nhân viên tư vấn nạp tiền nhận nhiệm vụ để được hưởng hoa hồng, mức chênh lệch hấp dẫn từ 20 - 30%. Sau nhiều lần dụ dỗ khách hàng chốt nhiều đơn hàng với số tiền lớn, các đối tượng này sẽ đưa ra nhiều lý do như: lỗi hệ thống, sai cú pháp… để từ chối hoàn tiền, thanh toán hoa hồng như đã hứa.

Điểm chung dễ nhận thấy ở các nhóm đối tượng lừa đảo là tài khoản Facebook đều dưới hình thức ẩn danh, giả mạo. Để có thể tham gia, người dùng cần phải đóng phí, cọc tiền. Dù là chiêu trò cũ, nhưng không ít người dân vì nhẹ dạ cả tin, dễ dàng trở thành đối tượng bị lừa trên không gian mạng.

Trao đổi với PV, Đại úy Bùi Quang Tú - Trưởng Công an xã Cẩm Thịnh cho biết: Thời gian gần đây, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng trong cả nước có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và đời sống của Nhân dân. Thủ đoạn của các đối tượng là sử dụng công nghệ cao, mạng xã hội lừa đảo chiếm đoạt tiền, tài sản với các hình thức như: thỏa thuận mua bán hàng, sau đó nhận tiền nhưng không giao hàng; tuyển cộng tác viên bán hàng, yêu cầu chuyển tiền đặt cọc sau đó chiếm đoạt, bỏ trốn.

“Các đối tượng đăng tải dạng “việc nhẹ, lương cao" xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều trên các hội nhóm. Công an xã đã thực hiện nhiều phương pháp nhằm tuyên truyền, cảnh báo tới người dân. Công tác tuyên truyền đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân” - Đại úy Bùi Quang Tú cho hay.

678.jpg
Đại úy Bùi Quang Tú trực tiếp tuyên truyền, phát cảnh báo đến tận tay người dân trên địa bàn.

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phát đi cảnh báo người dân nên thận trọng với những lời giới thiệu việc làm trên không gian mạng, cần tìm hiểu kỹ về người giới thiệu, doanh nghiệp tư vấn việc làm.

Người dân tuyệt đối không thực hiện yêu cầu đặt cọc, ứng tiền khi tìm việc làm; chỉ tìm việc qua các trung tâm giới thiệu, các pháp nhân, tổ chức có thông tin, địa chỉ rõ ràng. Đặc biệt, không nên truy cập vào các đường link lạ do những người không quen biết gửi. Các đường link đó có nguy cơ chứa mã độc để chiếm quyền sở hữu tài khoản hoặc điều khiển điện thoại.

Chủ đề Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast