Gia đình làm nghề kinh doanh nên chồng và chị N.T.H. (TP Hà Tĩnh) đều bận rộn. Nhận thức rất rõ về hậu quả của việc ít dành thời gian cho con nhưng chị H. cũng chưa tìm được giải pháp phù hợp. Dù con gái là một học sinh lớp chọn, học lực luôn xếp loại tốt và được cô giáo chủ nhiệm nhận xét là hiền lành, hòa nhã, thế nhưng, chị lúc nào cũng phấp phỏng lo âu.
Chị H. cho biết: “Con bé nhà tôi cứ đi học về đến nhà lại rút vào phòng riêng, khá ít nói, chỉ trao đổi những gì cần thiết với cha mẹ. Nhiều lúc vào phòng con để nói chuyện nhưng thấy con khi thì đang bận học, lúc thì đang ngồi trước máy vi tính, tôi lại không dám làm phiền”.
Nhiều bậc cha mẹ đang gặp khó khăn trong việc kết nối với con cái (Ảnh internet)
Đây không chỉ là câu chuyện của riêng gia đình chị H. mà nhiều gia đình khác cũng tương tự. Nguyên nhân khiến tình cảm giữa cha mẹ và con cái trở nên xa cách còn bắt nguồn từ khoảng cách thế hệ. Việc không có sự đồng điệu trong suy nghĩ đã là một rào cản. Thêm vào đó, phương pháp giáo dục không hợp lý cũng khiến con cái dần xa rời cha mẹ. Việc cha mẹ hay la mắng khi con phạm lỗi, ép con làm theo ý mình… hoặc là quá nuông chiều, quá nghiêm khắc với con cũng khiến rào cản đó ngày càng lớn thêm.
Anh N.Đ.C (TX Kỳ Anh) luôn tâm niệm con mình phải được chu cấp, đầu tư đầy đủ nên rất nuông chiều con. Cũng vì thế mà khi cậu con trai lớp 7 của anh ngỏ ý, anh đã không ngần ngại mua cho cháu một chiếc ipad. Thế nhưng, học hành không thấy đâu, chỉ thấy cháu đi học về là lao vào phòng ôm máy tính bảng lướt web, chơi trò chơi. Ngày lại ngày, sự thay đổi càng hiện rõ, con trai anh trở nên lầm lì, ít chuyện trò với cha mẹ, ông bà, kết quả học tập giảm sút. Tới lúc nhận thấy điều đó, anh mới tức tốc lập kế hoạch để cháu sử dụng máy điều độ. Anh cũng dành nhiều thời gian cùng con chơi thể thao, trò chuyện, trao đổi chuyện học hành. Nhờ đó, tình hình mới được cải thiện.
Cùng tham gia các hoạt động thể thao gia đình là việc làm tích cực để tạo mối gắn kết, thấu hiểu giữa phụ huynh và con trẻ (Ảnh: Internet)
Khoảng cách giữa cha mẹ và con cái vẫn thường xa dần theo độ tuổi của con. Vậy nên, để có thể xây dựng mối quan hệ gần gũi thì việc quan tâm, chia sẻ giữa cha mẹ và con cái luôn cần thiết hơn bao giờ hết. Điều này có thể thực hiện một cách dễ dàng hơn khi cả nhà cùng tham gia các hoạt động thể thao gia đình, làm những việc cả nhà cùng yêu thích, trò chuyện với nhau nhiều hơn để thấu hiểu lẫn nhau và tạo mối gắn kết.
Các bậc cha mẹ cũng cần kết nối với con như một người bạn đồng trang lứa, bởi ở mỗi độ tuổi, mỗi giai đoạn, con trẻ lại có lối suy nghĩ khác nhau. Bản thân mỗi người cha, người mẹ phải là một tấm gương trong đối nhân xử thế, đối xử tình cảm với ông bà, họ hàng… để con cái noi theo.