Cảnh báo: 3 người tử vong cận tết vì uống rượu quê có cồn công nghiệp

Các bệnh nhân ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp methanol đều để lại hậu quả rất nặng nề. Trong đó, lo sợ nhất là tình trạng tổn thương não, dây thần kinh thị giác, hoại tử não giống những trường hợp đột quỵ nặng nề, thêm tình trạng tổn thương nội tạng

canh bao 3 nguoi tu vong can tet vi uong ruou que co con cong nghiep

Chăm sóc cho bệnh nhân bị ngộ độc rượu tại Trung tâm chống độc- Bệnh viện Bạch Mai

Thông tin từ Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, những ngày qua tiếp nhận liên tiếp bệnh nhân ngộ độc rượu. Trong 5 ngày, có 4 trường hợp tử vong vì ngộ độc quá trầm trọng. Đặc biệt 3 người tử vong xác định có nồng độc cồn công nghiệp methanol cao đều uống tại cùng một khu vực.

Được biết, các trường hợp ngộ độc rượu đều là nam giới, tuổi từ 40 – 50, được đưa vào viện trong tình trạng nguy kịch vì hôn mê, ngừng tim, tụt huyết áp, tổn thương thận, tổn thương não. Trong đó, 3 trường hợp xác định có hàm lượng methanol cao (hơn 120mg/dl) trong máu đều uống rượu cùng một khu vực gần bệnh viện 198 (Hà Nội). Cả 3 đều được đưa vào Bệnh viện 198 cấp cứu trước khi chuyển đến Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai).

Theo Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai), bình thường, methanol không được phép có trong cơ thể. Nếu uống đúng rượu gạo nấu truyền thống, hàm lượng methanol có sinh ra trong quá trình nấu rượu nhưng không đáng kể. Những trường hợp nhiễm methanol cao như vậy, nhiều khả năng uống phải rượu pha cồn công nghiệp giả mạo rượu quê. Khi đến ngưỡng 20mg/dl là đã đe doạ tổn thương thần kinh.

Cá biệt, đã có những ca bệnh xét nghiệm hàm lượng methanol trong máu gần 300mg/100ml, trong khi hàm lượng ethanol thì không có, cho thấy rượu uống vào chủ yếu là methanol.

Các chuyên gia cho rằng tình trạng xuất hiện methanol trong rượu trắng là “có vấn đề”, không phải rượu nấu lên men, thậm chí người ta pha methanol với nước lọc. Những trường hợp này, chưa ai bắt quả tang đang pha trộn, nhưng khả năng nhiều là pha trộn bởi methanol không hiện diện trong rượu truyền thống mà phải có chủ đích.

“Các bệnh nhân ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp methanol đều để lại hậu quả rất nặng nề. Trong đó, lo sợ nhất là tình trạng tổn thương não, dây thần kinh thị giác, hoại tử não giống những trường hợp đột quỵ nặng nề, thêm tình trạng tổn thương nội tạng. Bệnh nhân đều được cấp cứu lọc máu, dùng thuốc giải độc nhưng tình trạng nặng khiến bệnh nhân sốc, huyết áp tụt, nhiều trường hợp phải thở máy nhưng phần lớn là bệnh nhân không qua khỏi, gia đình xin về. Có trường hợp qua khỏi nhưng di chứng cao. Hầu hết bệnh nhân không tử vong lại chịu di chứng mù, giảm thị lực, mất trí nhớ…”- Ths Nguyên nói.

Ngộ độc rượu methanol nguy hiểm ở chỗ, khi có các biểu hiện rõ ràng như: thở nhanh, mờ mắt, lơ mơ, chậm chạp, hôn mê lúc này gia đình mới đưa đến viện thì đã muộn bởi đã có tình trạng tổn thương não. Còn trong những giờ đầu sau uống, biểu hiện giống hệt bệnh nhân say rượu bình thường nên không ai nghĩ đến nguy cơ uống phải rượu có methanol để đến viện sớm. Vì thế, hầu hết các trường hợp đến viện muộn, việc cứu chữa càng khó khăn hơn.

Do đó, BS Nguyên khuyến cáo, sau khi uống rượu, nếu thấy xuất hiện tình trạng ngủ lịm, lơ mơ, kích thích quá nhiều… nên đưa bệnh nhân tới viện để được kiểm tra, loại trừ nguy cơ ngộ độc rượu chứa methanol. Ngày nào tại Trung tâm cũng có ca nhập viện vì ngộ độc rượu vào viện vì bất tỉnh, lơ mơ, nôn nhiều. Sau khi theo dõi, xác định không phải methanol, người bệnh phục hồi nhanh chóng được ra viện. Nếu phát hiện uống rượu chứa methanol, việc giải độc thực hiện càng sớm càng tốt, tốt nhất trong ngày đầu tiên uống rượu thì cơ hội giải độc cao hơn, cơ hội cứu người bệnh cao hơn do chất độc methanol chưa tấn công não, thần kinh, cơ quan nội tạng…

BS Nguyên cũng khuyến cáo mọi người trong ngày Tết, tất niên, tân xuân cần “uống có trách nhiệm”. Đặc biệt lưu ý nguồn rượu uống phòng ngừa nguy cơ uống phải rượu giả pha methanol sẽ rất nguy hiểm.

Dịp giáp Tết Nguyên đán là thời gian lượng rượu sử dụng tăng mạnh, theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, cần hạn chế hoặc không sử dụng rượu là tốt nhất, nếu uống và bị ngộ độc rượu mức nhẹ, tức là ngồi được, nói chuyện được thì người thân nên cho người bị ngộ độc ăn nhẹ, tốt nhất là các món có tinh bột, uống nước pha mật ong, nước canh hoặc đường. Không nên cho uống nước chanh, cam hoặc có vị chua, các chất này sẽ kích thích dạ dày, gây nôn.

Trường hợp có người thân say rượu mức độ nặng như không ngồi được, lờ đờ, thở khò khè, chân tay lạnh, gọi không biết thì nên để người ngộ độc rượu nằm nghiêng về phía bên phải, hay còn gọi là tư thế nằm nghiêng an toàn, để cổ và đầu ở vị trí thoải mái dễ thở, nếu trời lạnh cần ủ ấm cho bệnh nhân và gọi cấp cứu.

Lượng rượu/bia tạm cho là an toàn là khoảng 400ml bia (từ đó quy đổi ra rượu) với nam giới, nữ giới thì lượng bia an toàn là 1/2 so với nam giới. Tuy nhiên không nên uống rượu bia, nếu uống thì nên ăn các món có tinh bột trước khi uống, chú ý không uống nhiều và không nên tham gia giao thông sau khi uống rượu.

Theo SKĐS

Đọc thêm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, tại tỉnh Bình Định (huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A(H1N1)pdm.