6 loại thuốc không kê đơn phổ biến nhưng có thể gây nguy hiểm cho người cao tuổi

Người cao tuổi thường nhạy cảm hơn với thuốc, có nguy cơ và tỷ lệ tác dụng phụ từ thuốc không kê đơn cao hơn người trẻ tuổi. Những loại thuốc mua không cần đơn để chữa trị các bệnh thường gặp có thể gây nguy hiểm cho đối tượng này…

1. Lý do người lớn tuổi phụ thuộc nhiều hơn vào thuốc không kê đơn

Một đánh giá gần đây cho thấy, những người từ 60 tuổi trở lên phụ thuộc nhiều hơn vào thuốc không kê đơn (OTC) so với người trẻ tuổi và thường không nhận ra rằng, thuốc không cần đơn cũng đi kèm với rủi ro và tác dụng phụ.

Một bài đánh giá từ kết quả của 20 nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Cureus, cho thấy, người lớn tuổi phụ thuộc vào thuốc OTC là do:

- Đã từng sử dụng thuốc trước đây và tin tưởng vào các sản phẩm mà họ quen thuộc.

- Không muốn đến bác sĩ để xin đơn thuốc.

- Thuốc không kê đơn thường có giá cả phải chăng hơn thuốc theo toa.

- Các loại thuốc thường được bạn bè và gia đình khuyên dùng..

Theo đánh giá, các lý do sức khỏe phổ biến nhất để dùng thuốc là đau đầu, đau bụng, ho, đau khớp và sốt. Trong đó, loại thuốc không kê đơn được sử dụng phổ biến nhất là thuốc giảm đau.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng người cao tuổi có nhiều khả năng gặp phải phản ứng thuốc tiêu cực hơn người trẻ tuổi. Trong khi 86% số người cao tuổi thường xuyên sử dụng thuốc OTC (trong nghiên cuuw), chỉ có khoảng một nửa thông báo với bác sĩ.

Người cao tuổi cần thận trọng khi dùng thuốc.
Người cao tuổi cần thận trọng khi dùng thuốc.

2. Tại sao người lớn tuổi nhạy cảm hơn với thuốc?

Khi lớn tuổi, chức năng thận và gan suy giảm, có thể làm chậm tốc độ đào thải thuốc (ảnh hưởng tới cách cơ thể xử lý thuốc), kết quả là tăng tác dụng phụ. Nhìn chung, người lớn tuổi nhạy cảm hơn với tác dụng của thuốc (cả tác dụng chữa bệnh và tác dụng phụ).

Trong khi bệnh nhân có thể coi thuốc không kê đơn ít rủi ro hơn thuốc theo toa, nhưng thực tế, thuốc không kê đơn chỉ khác với thuốc theo toa ở chỗ chúng được xác định là an toàn và hiệu quả khi sử dụng cho công chúng mà không cần đơn thuốc của bác sĩ; chúng không kém hiệu quả hoặc an toàn hơn thuốc theo toa.

Các sản phẩm được tiếp thị của thuốc không kê đơn thường theo hướng làm giảm triệu chứng thay vì thành phần hoạt tính, nên mọi người có thể không nhận ra rằng hai loại thuốc OTC, ví dụ một loại thuốc ho và một loại thuốc nghẹt mũi nhưng lại chứa cùng một thành phần hoạt tính. Nếu người dùng sử dụng 2 sản phẩm cùng lúc, họ có nguy cơ dùng thuốc quá liều không mong muốn.

Nguy cơ tương tác thuốc và tác dụng phụ của thuốc không kê đơn thậm chí còn cao hơn ở những người lớn tuổi đang đồng thời với thuốc theo toa.

3. Các loại thuốc không kê đơn phổ biến người cao tuổi cần thận trọng khi dùng

Thuốc giảm đau

Các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như buprofen, naproxen và aspirin dùng để giảm đau, đều có thể gây loét và chảy máu dạ dày. Điều này đặc biệt đáng lo ngại nếu dùng cùng thuốc làm loãng máu hoặc có bệnh lý nền như đái tháo đường hoặc huyết áp cao. Sử dụng lâu dài các thuốc này cũng có thể gây ra các vấn đề về tim và thận.

Một lựa chọn thuốc giảm đau an toàn hơn là tylenol (acetaminophen) nhưng phải lưu ý về liều lượng và tần suất dùng. Sử dụng acetaminophen trong thời gian dài có thể gây ra các vấn đề về gan. Hạn chế hoặc không uống rượu trong khi dùng acetaminophen, vì sự kết hợp này có thể tăng nguy cơ ngộ độc gan.

Aspirin cũng thường được dùng hàng ngày để ngăn ngừa đau tim và đột quỵ, nhưng hướng dẫn gần đây cho biết, những người chưa từng bị đột quỵ hoặc đau tim không nên dùng aspirin hàng ngày. Nếu bạn đã từng bị đột quỵ hoặc đau tim, cần trao đổi với bác sĩ về việc dùng thuốc

Thuốc chống dị ứng benadryl (diphenhydramine)

Benadryl (diphenhydramine) được dùng để điều trị các phản ứng dị ứng nhẹ, nhưng không nên dùng như một loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ. Nhiều loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ khác trên thị trường có chứa diphenhydramine. Hãy sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ và chỉ trong thời gian được chỉ định. Sử dụng lâu dài có thể dẫn đến các vấn đề về nhận thức, lú lẫn và mất trí nhớ... ở người lớn tuổi.

Thuốc thông mũi pseudoephedrin

Pseudoephedrine là thành phần hoạt chất trong nhiều thuốc thông mũi, có thể làm tăng huyết áp. Một giải pháp thay thế tốt hơn là lựa chọn thuốc thông mũi được sản xuất dành riêng cho những người bị huyết áp cao, như dextromethorphan + guaifenesin.

Ngay cả khi người cao tuổi dùng thuốc điều trị huyết áp và huyết áp được kiểm soát, thuốc thông mũi vẫn có thể làm tăng mức huyết áp. Nam giới bị phì đại tuyến tiền liệt cần đặc biệt thận trọng với pseudoephedrine để tránh làm trầm trọng thêm các vấn đề về tiết niệu.

Thuốc chữa ợ nóng

Các thuốc không kê đơn được sử dụng để giảm axit dạ dày và điều trị chứng ợ nóng như prilosec (omeprazole), nexium (esomeprazole) và prevacid (lansoprazole) thường bị lạm dụng dùng trong thời gian dài. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc trong thời gian dài có thể cản trở quá trình hấp thụ canxi, tăng nguy cơ gãy xương, gây tiêu chảy và viêm phổi...

Thuốc trị táo bón (magie citrate)

Đây là những loại thuốc không kê đơn thường được khuyên dùng để điều trị táo bón, có nguy cơ gây ra tác dụng phụ ở những người bị bệnh thận, đặc biệt là nếu sử dụng lâu dài.

Thuốc trị bàng quang tăng hoạt oxybutynin

Thuốc oxytrol (oxybutynin) không kê đơn có thể có hiệu quả đối với phụ nữ bị bàng quang hoạt động quá mức (đối với nam giới, thuốc vẫn cần có đơn thuốc). Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ như chóng mặt, khô miệng và táo bón, đôi khi cần dùng thêm thuốc để điều trị các tác dụng phụ này.

suckhoedoisong.vn

Đọc thêm

Viết tiếp câu chuyện cuộc đời cho bệnh nhân chạy thận

Viết tiếp câu chuyện cuộc đời cho bệnh nhân chạy thận

Nỗi lo di chuyển xa để chữa bệnh đã vơi bớt đối với bệnh nhân chạy thận ở Hương Sơn (Hà Tĩnh). Bởi giờ đây, Trung tâm Y tế huyện đã là nơi họ được tiếp cận hệ thống máy móc tiên tiến và nhận được sự tận tình, trách nhiệm từ đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng.
Những người "mang đi cả trăm ngàn âu lo"

Những người "mang đi cả trăm ngàn âu lo"

Điều dưỡng được coi là một “mắt xích” quan trọng trong quá trình điều trị bệnh. Và, ở những nơi đặc biệt của ngành Y tế Hà Tĩnh, đội ngũ điều dưỡng viên như phương thuốc kỳ diệu.
Những người đồng hành tin cậy của bệnh nhân

Những người đồng hành tin cậy của bệnh nhân

Trong suốt chặng đường phát triển của ngành Y tế Hà Tĩnh, đội ngũ điều dưỡng là "người đồng hành" tin cậy của bệnh nhân, cánh tay đắc lực của các bác sỹ trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân.